Đôi vợ chồng nghèo “nuôi chữ” cho 4 người con bị mù

Thứ Tư, 19/02/2014, 11:21
Chài lưới, đánh bắt tôm cá trên đầm sống qua ngày, nhưng bằng tình yêu thủy chung son sắt, đôi vợ chồng ngư dân nghèo ở thôn Thủy Diện, xã Phú An, huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách của cuộc đời để nghị lực vươn lên “nuôi chữ” cho 4 người con bị mù. Điều đặc biệt, ba người con của họ đều học đến đại học...

Một ngày đầu năm Giáp Ngọ, trời lất phất mưa xuân. Trong cái se lạnh, chúng tôi tìm về nhà lão ngư Nguyễn Văn Khỏe (54 tuổi) nằm ở cuối thôn tái định cư Thủy Diện. Trong căn nhà cấp 4, đôi tay thoăn thoắt đan lại những tấm lưới rách, ông Khỏe bồi hồi kể lại câu chuyện tình yêu cảm động của mình khiến người nghe không khỏi động lòng.

Ông Khỏe kể rằng, năm 1960, cả gia đình 8 người của ông phải sống trên một con đò nhỏ và lấy nghề đánh cá ở đầm An Truyền mưu sinh. “Lúc ấy nghèo lắm, cá đánh bắt được hằng ngày chỉ đủ mua gạo ăn thôi. Thế rồi, một ngày giữa tháng 10/1985, một cơn bão lớn nổi lên ở phía biển, do chưa có phương tiện thông tin đại chúng như giờ nên bà con ở xóm chài tui không một ai lên bờ để trú bão. Và trong đêm tối, cơn bão ấy đã nhấn chìm rất nhiều chiếc đò trong thôn. Người dân trong làng và làng bên chết nhiều lắm... Ấy thế mà gia đình tui lại may mắn sống sót!”, ông Khỏe rưng rưng nhớ lại cái ngày đại nạn của dân làng đã in hằn trong tâm trí.

Cũng sau cơn bão lớn năm ấy, ông Khỏe được mai mối và lập gia đình với một người con gái nghèo ở làng bên. Gia cảnh cơ hàn, vợ chồng ông chỉ được bố mẹ sắm cho một chiếc thuyền nan nho nhỏ để đánh cá trong đầm sống qua ngày. Mấy năm sau, họ được UBND xã Phú An cấp cho miếng đất ở thôn tái định cư Thủy Diện để lên bờ làm nhà ở...

Ngồi bên cạnh chồng, bà Phan Thị Thảo (55 tuổi), tiếp lời: “Những tưởng hạnh phúc mỉm cười khi tui sinh ra người con gái đầu tiên rất kháu khỉnh và đặt tên cháu là Nguyễn Thị Mộng. Thế nhưng 3 năm sau, cháu mắc một căn bệnh quái ác rồi bị mù từ đó...”. Bằng tình yêu của người cha, người mẹ dành cho con, vợ chồng ông Khỏe, bà Thảo đã chạy vạy khắp nơi chữa đôi mắt cho người con gái đầu, nhưng đều bất thành.

Bằng tình yêu son sắt, vợ chồng ông Khỏe – bà Thảo đã nghị lực nuôi các con bị mù học đến đại học.

Nỗi đau chưa dừng lại ở đó khi hai năm sau và những năm kế tiếp, bà Thảo tiếp tục sinh thêm 3 người con, nhưng tất cả cũng đều không nhìn thấy được ánh sáng mặt trời. “Các con bị mù chắc sẽ không làm được việc gì, nhưng nếu được học chữ nổi thì... vẫn còn hy vọng...”, nghĩ vậy nên vợ chồng ông Khỏe lần lượt cho các con vào Hội Người mù tỉnh Thừa Thiên - Huế để học chữ nổi braille. Và từ đây, không ai biết được rằng, nhờ tình yêu và nghị lực phi thường mà vợ chồng ông Khỏe đã làm nên “kỳ tích” khi những người con bị mù của ông Khỏe lần lượt đậu đại học.

Mặc dù bị mù nhưng Nguyễn Văn Duy, người con thứ hai của ông Khỏe đã nỗ lực học tập để trở thành người đầu tiên thi đỗ và tốt nghiệp Khoa Luật (Đại học Huế) vào năm 2010; em Nguyễn Văn Mạnh thi đỗ vào khoa Xã hội học, Trường Đại học Khoa học Huế vào năm 2013; Nguyễn Văn Tuyến cũng thi đỗ vào khoa Du lịch - Đại học Huế... Đặc biệt hơn, dù bị mù nhưng Nguyễn Thị Mộng, người con gái đầu của ông Khỏe, bà Thảo vẫn quyết tâm học hết lớp 8 và trở thành vận động viên điền kinh xuất sắc của Hội Người khuyết tật tỉnh Thừa Thiên - Huế. Em đã liên tiếp “rinh” về 3 Huy chương Bạc cho tỉnh tại Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á được tổ chức vào năm 2004...

Chỉ cho tôi thấy những tấm bằng khen của các con được treo kín trên tường, ông Khỏe tự hào: “Để nuôi được các con như hôm nay, vợ chồng tui đã đùm bọc, bảo ban nhau để vượt qua nghèo khó, vất vả. Ngoài việc đánh bắt thủy sản trên phá, tui còn mạnh dạn đấu thầu 2 héc-ta mặt nước nuôi tôm, cá... nhờ thế mới có tiền cho các con đi học chú à”.

Ông Hồ Thanh Trung, Hội trưởng Hội Khuyến học thôn Thủy Diện còn cho hay: “Nhiều năm qua, nghị lực của vợ chồng ông Khỏe, bà Thảo là tấm gương sáng trong phong trào thi đua, xây dựng gia đình hiếu học của thôn bởi vợ chồng ông từ bàn tay trắng đã nuôi được những người con bị mù học đến đại học. Điều này rất đáng tự hào!”

Lê Anh
.
.
.