Đền bù dự án thủy điện Đăkđrinh, Quảng Ngãi:

Đối diện với nguy cơ tái nghèo khi bỗng chốc có tiền tỷ

Thứ Năm, 04/07/2013, 04:33
Chuyện thật như đùa đã và đang xảy ra với các hộ nghèo đồng bào các dân tộc vùng giải tỏa xây dựng dự án Thủy điện Đăkđrinh tại địa bàn huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) và huyện KongPlong (Kon Tum) - công trình có tổng mức đầu tư gần 4.000 tỷ đồng…

Hai tháng qua, ở xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây xuất hiện một xe Innova mới cáu cạnh, chủ nhân là anh Đinh Văn Trãi (26 tuổi), trước đây là một hộ nghèo. Hỏi sự tình mới hay, Trãi được nhận đền bù, hỗ trợ từ dự án Thủy điện Đăkđrinh hàng tỷ đồng.

Lần đầu tiên trong đời, cầm số tiền lớn trong tay, Trãi tha hồ tiêu xài hoang phí. Chưa thỏa mãn, Trãi tậu xe ôtô ngày ngày lái xuống phố ăn nhậu, có hàng tá “đào”, lúc hứng chí tặng cho các “đào” điện thoại di động “xịn” trị giá trên chục triệu đồng. Trãi cứ lao vào ăn chơi cho bằng các… đại gia ở phố khiến bà con nơi thôn bản giữa núi rừng heo hút đều phải ngán ngẩm.

Và, chúng tôi không khỏi giật mình khi tìm đến ngôi nhà của Trãi đang sống cùng vợ, con. Ngôi nhà tồi tàn, lợp tạm bợ bằng những tấm tôn rách lay lắt bên sườn đồi. Mặc dù nhà cửa rách nát, vợ con nheo nhóc; nhưng khi nhận được tiền đền bù, hỗ trợ từ Thuỷ điện Đăkđrinh, ngoài chuyện ăn chơi hoang phí, Trãi còn cưới thêm một cô vợ trẻ. Cô này là em ruột của vợ Trãi.

Hai chị em ruột có chung một chồng. Cô chị có 3 con, cô em cũng vừa sinh một đứa. “Đại gia” ở nhà rách, đi ôtô Innova, có 2 vợ và hàng tá “đào”, ấy vậy khi gặp chúng tôi, Trãi còn thổ lộ: “Chắc mình tiếp tục có vợ nữa, chứ ngán cũ rồi”(!?)…

Người dân vừa nhận tiền đền bù đã phải trả tiền ngay cho nhiều chủ nợ vây bên ngoài.

Nhưng ở xã Sơn Liên, trường hợp hộ nghèo bỗng chốc có hàng tỷ đồng, rồi tiêu pha phung phí như Trãi không phải hiếm. Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án thủy điện Đăkđrinh huyện Sơn Tây vừa tổ chức đền bù, hỗ trợ cho 76 hộ dân và cá nhân bị ảnh hưởng lòng hồ tại xã Sơn Liên, với tổng số tiền trên 45 tỷ đồng.

Cùng với công tác đảm bảo ANTT, Công an huyện Sơn Tây còn phối hợp với Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư vận động người dân gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng ngay khi vừa nhận tiền. Tuy nhiên, việc nhận tiền đền bù, hỗ trợ xuất hiện nhiều vụ việc phức tạp.

Nhiều đối tượng đầu nậu đất, chủ nợ của người dân đã bao quanh phía bên ngoài. Vừa nhận tiền, người dân đã bị bao vây bắt trả nợ. Bởi trước đó, biết được sẽ nhận tiền đền bù, hỗ trợ, các lái thương đã gạ gẫm người dân cho vay tiền để mua sắm, ăn tiêu. Hoặc người dân đứng tên đất, nhưng thực tế đất đã bán trước đó cho nhiều người…

Điển hình là chuyện Đinh Văn T., được nhận tiền đền bù, hỗ trợ các khoản đất, nhà cửa, vật kiến trúc và các khoản khác liên quan, với số tiền gần 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên đoạn đường ngắn từ UBND xã Sơn Liên về đến nhà chưa đầy 2km, anh đã bị các chủ nợ xiết sạch tiền. May trước đó, nhờ Công an huyện Sơn Tây vận động, anh đã gửi một ít tiền tiết kiệm vào ngân hàng.

Cũng có không ít vụ, các chủ nợ xô xát, tranh giành nhau tiền của con nợ; nếu không có Công an kịp thời ngăn chặn, hậu quả ắt khó lường... Trung tá Trần Minh Thành, Phó trưởng Công an huyện Sơn Tây cho biết: “Công an huyện lập kế hoạch bảo vệ, bố trí nhiều cán bộ đảm bảo ANTT. Những trường hợp do tranh chấp việc mua bán đã dẫn đến xô xát; hoặc có hành vi cưỡng đoạt, lừa lấy tiền người dân đều bị xử lý nghiêm theo pháp luật”…

Theo lộ trình, công trình thuỷ điện Đăkđrinh sẽ đi vào hoàn thiện và phát điện vào tháng 9/2013, song cho đến nay công tác định cư, định canh cho người dân vẫn chưa thật sự ổn định. Trong khi đó nguy cơ tái nghèo ở nhiều hộ dân khi chuyển đến chỗ ở mới. Nguyên nhân vẫn là một phần nhận thức người dân vùng núi còn thấp. Có tiền thì vô tư tiêu xài, không nghĩ ngợi tiết kiệm cho ngày mai. Công tác quản lý, tổ chức của ngành chức năng và chính quyền địa phương còn hạn chế ngay từ giai đoạn ban đầu xét duyệt đối tượng, đất đai được đền bù, hỗ trợ, cũng như tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân.

Ông Đinh Văn Rít, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Liên bộc bạch rằng, khi biết sẽ nhận được một số tiền quá lớn, người dân choáng ngợp bởi từ trước tới nay chưa bao giờ họ có được nhiều tiền đến vậy. Tâm lý muốn tiêu xài, được hưởng thụ cũng từ đó bắt đầu nảy sinh. Các lái thương, người miền xuôi về tận làng lừa phỉnh người dân bán, cầm cố đất được đền bù, hoặc cho người dân thoải mái tiêu xài nợ.

Đảng ủy và chính quyền địa phương cùng lực lượng Công an đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền để người dân gửi tiền tiết kiệm, dùng tiền để sản xuất, nhưng có không ít hộ vẫn ăn chơi, tiêu xài hoang phí. Sau này khi thuỷ điện tích nước, các hộ dân bị thu hồi đất sản xuất, tiền thì đã tiêu xài hết, vậy là họ lại tái nghèo. Đó là điều chắc chắn khó tránh khỏi…

Trà Câu
.
.
.