Doanh nghiệp dè sẻn với bữa ăn công nhân

Thứ Ba, 07/04/2009, 12:10
Y tế dự phòng Đồng Nai phát hiện có nơi người ta cung cấp cho công nhân bữa ăn có giá 3.500đ cả thuế vào thời buổi hiện nay. Suất ăn tại bếp ăn tập thể Khu chế xuất Tân Thuận có nhiều loại giá: từ 4.500 đ/suất cho tới 8.000đ/suất. Nhưng cá biệt cũng có bếp ăn mà kiểm tra cho thấy giá có 2000đ/suất như tại xưởng cơm số 5 với 29 nhân viên nấu ăn chế biến 1.400 suất ăn cho công nhân/ngày.
>> Ăn cơm có mùi chua, 300 công nhân bị ngộ độc

Ngộ độc thực phẩm (NĐTP) khu công nghiệp, mối nguy hiểm treo lơ lửng trên bàn ăn của công nhân chuyện ai cũng biết, báo chí cũng nói nhiều nhưng chuyển biến theo hướng tích cực thì chẳng được bao nhiêu, thậm chí nhân đà suy thoái kinh tế người ta càng có cớ để biện minh cho cái bữa ăn công nhân vốn đã không đầy đủ nay lại thêm phần teo tóp. Với thực trạng hiện nay nhiều người cho rằng trước khi bị NĐTP thì một phần không nhỏ công nhân đã bị… suy dinh dưỡng.

Bức xúc ngộ độc thực phẩm

"Cho tới bây giờ tôi vẫn còn nguyên cái cảm giác kinh sợ không biết phải làm gì khi chứng kiến cái cảnh hàng ngàn con người cùng một lúc trong tâm trạng bấn loạn trên suốt một đoạn đường dài hàng chục kilômét với đủ các kiểu phương tiện xe cộ gầm rú nào xe máy, ba gác, tới cả xe lực lượng CSGT, 113… ai có phương tiện đều được huy động cho việc chở người bị nạn tới bệnh viện".

Nói về vụ NĐTP gây cho gần 1.500 công nhân Công ty TNHH VMC Hoàng Gia chuyên sản xuất giày da xuất khẩu (xã Thanh Điền, huyện Châu Thành, Tây Ninh) vào tháng 6/2008 mà cho tới nay ông Phạm Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh vẫn còn cảm giác kinh sợ.

"Lúc đó tôi là người được UBND tỉnh giao trực tiếp chỉ huy đã thực sự bối rối, bế tắc". Lời chia sẻ của ông Tân cũng là tâm trạng đau xót của không ít những người đứng trong vị trí quản lý Nhà nước về công tác đảm bảo VSATTP.

Cứu người như cứu hỏa. Lại cấp cứu cho cả ngàn người trong khi chưa được tập dượt bao giờ thì cảnh náo loạn xảy ra là lẽ đương nhiên. Các bệnh viện (BV) sẽ phải quá tải. Việc truyền dịch đào thải chất độc nhanh nhất ra khỏi cơ thể người bị nạn được ưu tiên hàng đầu.

Khó khăn đầu tiên là thiếu giường, thiếu đến cả cái móc treo chai nước biển cấp cứu. Những chiếc dây thép trở thành cứu cánh cho hoàn cảnh này đã phát huy giá trị khi được căng ngang dọc trong khuôn viên các BV. Bên dưới không phải giường mà có thể tận dụng hành lang, thậm chí sân BV cũng thành giường nằm cho bệnh nhân. Cái cảnh náo loạn mà theo như ông Tân nói chẳng khác nào như cấp cứu thương vong hàng loạt trong chiến tranh…

NĐTP gây ra do sự phản ứng hóa học diễn ra trong cơ thể con người do bị nhiễm độc với một loại thức ăn nhiễm vi sinh, độc chất hay nhiễm vi khuẩn… tính mạng nạn nhân bị đe dọa nếu không được cấp cứu kịp thời. Bất cứ vụ NĐTP nào khi được cấp báo cũng đều gây nên ngay một tâm lý bất an của nơi được tiếp nhận và xã hội. Song từ nhiều năm qua việc NĐTP hàng loạt với qui mô từ 30 người trở lên vẫn cứ gia tăng.

Lực lượng Y tế dự phòng TP HCM lấy mẫu kiểm nghiệm tại Upgain sau vụ NĐTP tháng 6/2008.

Trưởng phòng quản lý VSATTP - Sở Y tế (SYT) TP HCM, ông Huỳnh Lê Thái Hòa cho biết, trong 22 vụ NĐTP tại TP HCM năm qua, thì 10 vụ NĐTP mà nguyên nhân phần lớn xuất xứ từ bếp ăn tập thể (BĂTT), từ suất ăn công nhân. Và điều tra cho thấy những vụ qui mô lớn lại từ công ty rất "hoành tráng" nhưng có giá thành suất ăn thấp.

Đáng chú ý như vụ NĐTP tại Công ty TNHH Nissei Elecctric Việt Nam khiến 316 người nhập viện (21/1/2008), DNTN may Phú Thuận với 87 người (3/3/2008), Công ty TNHH Domex với 98 người (26/3/2008)…

Mới chỉ chế tài bằng… lương tâm

Chia sẻ về "nỗi khổ" NĐTP, ông Cao Trọng Ngưỡng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Đồng Nai thừa nhận: Đồng Nai có nhiều khu công nghiệp thu hút tới gần 500.000 lao động đang làm việc tại 907 công ty - xí nghiệp của 27 khu công nghiệp.

Giá trị suất ăn của công nhân tại BĂTT Đồng Nai từ 5.500-7.500đ/suất ăn. Nhưng hiện mới chỉ có duy nhất Công ty Amata Food và Công ty Hoa Mai là 2 nơi cung cấp được 75.000 suất ăn cho công nhân tạm được coi là có… "bảo hiểm" về nguồn nguyên liệu, nguồn nước sạch chế biến. Còn lại hàng trăm ngàn suất ăn cho công nhân tại 410 BĂTT đang được tổ chức bằng nhiều hình thức: 30% là tự tổ chức, 44% là thầu nấu tại chỗ và 22% là cung cấp suất ăn sẵn.

Thậm chí Y tế dự phòng Đồng Nai vẫn phát hiện có nơi người ta còn dám cung cấp cho công nhân bữa ăn có giá 3.500đ cả thuế vào thời buổi hiện nay… Và khó nhất là từ nhiều năm nay chưa thể quản được đầu vào của nguồn nguyên liệu thực phẩm.

Tuy không phải là tất cả nhưng số liệu thống kê đã cho thấy NĐTP luôn gắn liền với những cơ sở có bữa ăn quá rẻ. Nhưng tỷ lệ doanh nghiệp quan tâm tới vấn đề này không có bao nhiêu.

Theo chân đoàn thanh tra SYT thành phố kiểm tra BĂTT tại Khu chế xuất Tân Thuận có thể thấy suất ăn tại đây có nhiều loại giá: Từ 4.500 đ/suất cho tới 8.000đ/suất. Nhưng cá biệt cũng có bếp ăn mà kiểm tra cho thấy giá có 2000đ/suất như tại xưởng cơm số 5 với 29 nhân viên nấu ăn chế biến 1.400 suất ăn cho công nhân/ngày. Sau nhiều lần góp ý và kiểm tra liên tục của Thanh tra SYT hiện suất ăn cho công nhân tại đây đã chuyển biến tích cực từ 4000 tới 8000đ/suất.

Theo ông Hòa - Phòng Quản lý VSATTP SYT TP HCM, nguyên nhân khó "cải cách" BĂTT đó là vì nhiều chủ doanh nghiệp chưa thấy trách nhiệm. Thấy công nhân sau khi bị ngộ độc được uống thuốc… hết liền nên sau sự vụ các ông chủ… quên ngay.

Luật Lao động hiện không cấm việc doanh nghiệp ký hợp đồng với công ty cung ứng suất ăn. Miễn là cơ sở có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP. Trong luật lao động cũng không có điều khoản nào bắt buộc phải chăm lo cho bữa ăn công nhân là bao nhiêu calo/bữa ăn. Chưa có chế tài nào buộc qui định giá trần cho 1 bữa ăn công nhân.

Chăm sóc bữa ăn cho người lao động là trách nhiệm của chủ doanh nghiệp nhưng hiện tại chỉ trông vào lương tâm của chủ doanh nghiệp. Tất cả các vụ NĐTP xảy ra tại BĂTT đều chỉ truy cứu trách nhiệm chủ doanh nghiệp theo nghị định 45/Bộ Y tế với mức phạt 450.000đ do vi phạm quy định không giám sát bếp ăn mà thôi...

Nga Huyền
.
.
.