Đô thị vùng ĐBSCL: Loay hoay tìm giải pháp chống ngập

Chủ Nhật, 23/12/2012, 03:40
Hệ thống đô thị vùng ĐBSCL được định hướng phát triển thành mạng lưới đô thị gắn với phát triển các khu công nghiệp, các trung tâm thương mại và dịch vụ. Vào mùa lũ hằng năm, ĐBSCL bị ngập lụt với một diện tích rộng lớn ở phía Bắc với diện tích khoảng 1,2-1,4 triệu hécta vào năm lũ nhỏ; 1,7-1,9 triệu hécta vào năm lũ lớn, với độ sâu từ 0,5 - 4,0m, thời gian từ 3-6 tháng và trong đó hàng loạt đô thị bị ngập úng… Một trong những nguyên nhân gây ra ngập úng các đô thị ở vùng ĐBSCL có “bàn tay của con người”.
>> Nhiều tuyến đường Cần Thơ bị ngập sâu do triều cường

Nước tới chân… thị dân

Theo kết quả khảo sát, nghiên cứu của Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, hằng năm, vào mùa mưa, từ tháng 9/11, nhiều thành phố vùng ĐBSCL bị ngập úng như ở Cần Thơ, với độ sâu ngập phổ biến từ 0,3-1,5m và thời gian ngập 2-6 tháng. Các khu vực ngập sâu là Bắc Cái Sắn, huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ. Vùng ngập triều kết hợp với mưa là khu vực nội ô TP Cần Thơ.

Tình trạng ngập úng xảy ra ngày càng gia tăng và trên diện rộng, ngập úng diễn ra thường xuyên, kéo dài hơn. Theo một khảo sát của Bộ Xây dựng, năm 2000, Cần Thơ chỉ có một vài vùng ven bị ngập dưới 30cm, nhưng đến mùa mưa lũ năm 2008 đã có hơn 80% diện tích thành phố bị ngập, nhiều khu vực ngập sâu 0,5m. Năm 2010, TP Cần Thơ có 41/81 tuyến đường tại trung tâm bị ngập lụt do triều cường, trên 10 tuyến đường ngập nước mưa, nơi ngập sâu trên 30cm. Hầu hết các quận đều bị ngập khi triều cường hoặc mưa lớn. Nhiều đường chính trung tâm thành phố thường xuyên “biến thành sông” khi mưa lớn hoặc lúc triều cường dâng cao.

Ngoài ra, hàng trăm con hẻm ở TP Cần Thơ cũng đang chịu cảnh ngập, nghẹt nước kéo dài. Có những thời điểm trời không mưa nhưng có đô thị vẫn ngập như tại TP Cà Mau ngập úng xảy ra trên một số tuyến đường Trần Hưng Đạo, Bùi Thị Trường, Lê Lai, Hùng Vương với độ ngập 5-10cm khi không mưa và 25-35cm khi mưa lớn, thậm chí ngập sâu 35-40cm với những trận mưa lớn kéo dài. Tình trạng ngập úng cũng xảy ra ở TP Vĩnh Long.

Theo kết quả khảo sát 22 vị trí ngập vào tháng 10-2010 cho thấy TP Vĩnh Long bị ngập do nước mưa chiếm 54%, do mưa kết kết hợp triều cường, lũ chiếm 46%. Theo thống kê, không chỉ 3 đô thị nói trên mà các đô thị khác như: TP Long Xuyên (An Giang), TP Cao Lãnh (Đồng Tháp), TP Mỹ Tho (Tiền Giang), TP Bạc Liêu (Bạc Liêu) trong khoảng thời gian cuối tháng 10-2011, nước lũ kết hợp triều cường và mưa đã gây ngập úng nghiêm trọng, gây khó khăn cho đi lại, sinh hoạt, mua bán của người dân…

Đợt triều cường giữa tháng 10/2012 khiến nhiều tuyến đường ở TP Cần Thơ chìm sâu trong nước.

Thiên tai và nhân họa

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Tân, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, cho rằng: “Qua phân tích điều kiện tự nhiên, điều kiện xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, các hoạt động của con người cho thấy nguyên nhân gây ngập úng các thành phố ở vùng ĐBSCL chủ yếu xuất phát từ 5 nguyên nhân chính. Trong đó ngoài nguyên nhân xuất phát từ thiên tai thì còn có tác động của con người”. Trong đó, quá trình đô thị hóa đã làm giảm sự điều tiết tự nhiên của bề mặt lưu vực, san lấp làm giảm các khu trữ nước tự nhiên. Ở nội thành, phần lớn bề mặt đất bị bê tông hóa, nhựa hóa, xây dựng nhà, do vậy, khi mưa xuống, hầu như toàn bộ lượng nước mưa đều tập trung thành dòng chảy mặt, không thể thấm xuống đất hoặc trữ lại để giảm bớt lượng dòng chảy tập trung.

Thêm vào đó, khả năng tiêu thoát hạn chế của hệ thống tiêu thoát nước nên hiện tượng ngập úng dễ dàng xảy ra. Ngoài ra, một số công trình đang trong quá trình xây dựng do không có những biện pháp dẫn dòng thi công tốt dẫn đến sự ngăn chặn dòng chảy gây ngập cục bộ xung quanh khu vực thi công.

Giải pháp nào cho vấn đề trên?

Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam và các chuyên gia trong và ngoài nước tại Hội nghị công bố quy hoạch thủy lợi vùng ĐBSCL diễn ra vào trung tuần tháng 12-2012 đã đề xuất nhiều giải pháp chống ngập đô thị vùng ĐBSCL. Các chuyên gia cho rằng các đô thị ở vùng ĐBSCL nằm ở khu vực chịu tác động mạnh của chế độ thủy văn sông Mêkông, hiện tượng ngập úng có nguyên nhân do ngập lũ, triều cường tác động. Do vậy, khi thực hiện giải pháp công trình chống ngập úng phải xem xét trong tổng thể các quy hoạch thủy lợi của toàn ĐBSCL và các giải pháp công trình như bổ sung; nâng cấp hệ thống đê, kè kết hợp đường giao thông để ngăn lũ, ngăn triều cường; xây dựng hệ thống cống dưới đê ngăn lũ, triều cường và tiêu gạn nước; tôn nền theo quy hoạch nhằm giảm khối lượng đắp đê, xây cống; xây dựng các cửa van clape tự động tại các cửa xả để ngăn triều cường.

Bên cạnh đó, cần xây dựng các trạm bơm tiêu nước tập trung hỗ trợ khi có mưa lớn trùng với thời gian lũ, triều cường; nạo vét, nâng cấp mở rộng hệ thống kênh trục, cấp I, cấp II tiêu nước, lấy nước tưới và nâng cấp, xây dựng mới hệ thống thoát nước mưa đô thị. Về giải pháp phi công trình, các chuyên gia tại Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam cho rằng, cần sử dụng các diện tích đất trũng thấp ven sông, rạch và các hồ để tạo các khu trữ, điều tiết nước mưa. Tạo bề mặt thấm, vùng đệm, vùng đất ngập nước nhằm trữ nước mưa, gia tăng lượng nước bổ sung cho tầng nước ngầm, giảm sự hình thành dòng chảy mặt, hạn chế tình trạng ngập úng cục bộ do mưa lớn thời đoạn ngắn, giảm tải cho hệ thống thoát nước mưa của các thành phố.

Một vấn đề không kém quan trọng nằm ở trách nhiệm của chính quyền các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đó là việc UBND các tỉnh, thành phối hợp với Bộ NN&PTNT quản lý, giám sát việc thực hiện quy hoạch trên phạm vi địa bàn; chỉ đạo, tổ chức xử lý, giải tỏa các công trình xâm hại, lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình thuỷ lợi theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở quy hoạch thủy lợi chống ngập úng, ngành xây dựng cần tiến hành quy hoạch cao trình san nền, nâng cấp, xây mới mạng lưới tiêu thoát nước mưa, nước thải đô thị tạo thành thể thống nhất.

Các thành phố vùng ĐBSCL ngoài những đặc điểm chung, còn có đặc điểm riêng, vì vậy, cần lập quy hoạch thủy lợi chống ngập úng cho từng thành phố nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH

Văn Đức
.
.
.