Điện thoại lên rừng: Góp phần bảo vệ biên cương và phát triển kinh tế

Thứ Năm, 08/05/2014, 16:03
Ngày 8/5, bà Phạm Thị Thanh Vân, Phó Tổng Giám đốc Viettel cho biết, đến đầu tháng 5/2014, đã có 2 triệu thuê bao sử dụng bộ tính năng Tomato Buôn làng.

Đây là tốc độ phát triển rất nhanh, bởi bộ tính năng này có ý nghĩa thiết thực với đồng bào các dân tộc thiểu số ở đây, khi có tới 10 ngôn ngữ: Ê đê, Khơ Me, Gia rai, Tày Nùng, Mông, Dao, Thái, Mường, Ba Na, H'rê. Anh Kso Phúc, một người dân ở huyện Buôn Đôn, Đak Lak cho biết, triền miên vào rừng làm nương, trồng tỉa, vợ ở nhà chăm mấy đứa con nhỏ, còn anh, con lớn đi học xa, nên nếu không có điện thoại, sẽ không thể trao đổi với nhau mọi việc hàng ngày. Trước đây, có việc gì, anh lại phải lội rừng về nhà gặp vợ, hoặc đến tận nơi con học. Giờ có điện thoại  hàng ngày vợ chồng anh đều biết được tình hình của con và mọi chuyện gia đình đều được bàn bạc kịp thời. Liên lạc giữa những người trong gia đình luôn thường xuyên, vì trong rừng vẫn có sóng điện thoại.

Nhưng với bà Hlinh Mlo Duon Du thì việc dùng điện thoại lại có ý nghĩa khác. Vì lần đầu tiên có sản phẩm viễn thông hỗ trợ tiếng Ê đê, lại có tổng đài trả lời miễn phí, nên bà thường hỏi về thời tiết, về chăm sóc sức khỏe, để được hướng dẫn về nông nghiệp vv… Bà bảo, bà không rành tiếng Kinh, nên chỉ khi điện thoại có sử dụng tiếng Ê đê, bà mới dùng. Còn mấy đứa cháu lại thích dùng điện thoại để nghe kể chuyện, nghe nhạc bằng tiếng dân tộc và nghe tin tức tổng hợp hàng tuần.

Có mạng viễn thông, người dân được hỗ trợ về chăm sóc sức khỏe, giữ gìn văn hóa truyền thống.

Đại úy Lê Thành Việt, Giám đốc Chi nhánh Viettel Đak Lak cho biết, Viettel đã đào tạo và tuyển chọn 120 nhân viên người dân tộc thiểu số để phục vụ việc giải đáp các vấn đề cho bà con dân tộc ở tổng đài tổng hợp 3334. Điều này phát huy hiệu quả khi có tháng, tới 300.000 cuộc gọi lên tổng đài. Điều này cho thấy điện thoại đã có ý nghĩa rất lớn trong việc cung cấp kiến thức giúp bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đồng thời, việc cung cấp tin tức, kể chuyện, nghe nhạc bằng tiếng dân tộc cũng góp phần đa dạng đời sống tinh thần của bà con, góp phần vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc.

Dĩ nhiên, để có thể phát triển được số thuê bao kỷ lục như hiện nay, các nhân viên của Viettel Đak Lak cũng phải có nhiều biện pháp. Bên cạnh việc tuyên truyền cho bà con sử dụng điện thoại phục vụ cuộc sống, vào mùa thu hoạch, họ đến từng bản làng giới thiệu, giúp bà con tiếp cận với những tính năng mới.

Theo ông Trần Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, với sự phủ sóng rộng khắp ở cả trong rừng lẫn vùng biên giới của Viettel, các đồn biên phòng đều có điện thoại. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ biên cương Tổ quốc, lại giúp người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ truyền thống văn hóa của dân tộc mình

Dạ Miên
.
.
.