Dịch tiêu chảy có nguy cơ bùng phát: Các cơ sở y tế trong cả nước phải sẵn sàng

Thứ Ba, 29/07/2014, 09:41
Ngày 28/7, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Trong 3 tuần qua, tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh đã xảy ra 9 trường hợp tiêu chảy. Điều đáng lo ngại là, đã có một cháu bé 10 tháng tuổi bị nhiễm khuẩn huyết, suy kiệt và đã tử vong.

Đại diện của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng cho biết: Ngoài ra, còn có một số trường hợp mắc bệnh tiêu chảy cấp phải cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. Trước đó, từ đầu năm 2014 đến nay, ở TP Hồ Chí Minh cũng đã xảy ra một số trường hợp tiêu chảy tại một số xã, phường, tuy nhiên, không phát sinh thành ổ dịch.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết: Ngay sau khi có thông tin về diễn biến của bệnh tiêu chảy, Bộ Y tế đã chỉ đạo Cục Y tế dự phòng, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh khẩn trương khoanh vùng, tiến hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, điều tra lấy mẫu xét nghiệm tìm nguyên nhân gây bệnh, quản lý người bệnh, khống chế bệnh tiêu chảy cấp phát triển và hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong v.v…

Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh điều tra, lấy mẫu xét nghiệm, theo dõi sức khỏe người dân trong khu vực và triển khai các biện pháp phòng bệnh tích cực. Kết quả các xét nghiệm mẫu nước sinh hoạt, mẫu nước ao và mẫu phân đều cho thấy kết quả âm tính với phẩy khuẩn tả, nhưng có 4 mẫu phân dương tính với vi khuẩn E. Coli - là vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy phổ biến ở những nơi có điều kiện vệ sinh môi trường và nước sinh hoạt kém.

Thực tế cũng cho thấy, các hộ dân ở khu vực xảy ra các trường hợp tiêu chảy, đều sống ở nơi có ao hồ tù đọng nước, sử dụng cầu tiêu trên ao cá và rác thải sinh hoạt được xả trực tiếp xuống hồ; sàn nhà ở của các hộ dân ẩm thấp, là điều kiện cho các mầm bệnh lây lan và phát triển. Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh đang phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh để triển khai các biện pháp xử lý, không để lây lan và phát sinh bệnh nhân mới.      

Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh tiêu chảy, ngày 28/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết, Bộ Y tế đã chỉ đạo các Sở Y tế, các bệnh viện trong toàn quốc tăng cường công tác phòng, chống và điều trị hiệu quả bệnh tiêu chảy cấp tại các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB), nhằm hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong. Theo đó, Sở Y tế các tỉnh, thành, các bệnh viện, viện có giường bệnh phải chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế, khẩn trương bảo đảm đủ nguồn nước sạch sinh hoạt, điều kiện vệ sinh cho người bệnh, người nhà người bệnh như nhà vệ sinh, xà phòng rửa tay, nơi rửa tay... tại cơ sở KCB; tăng cường giáo dục, kiểm tra giám sát vệ sinh dịch vụ ăn, uống trong cơ sở KCB. Phối hợp với đơn vị y tế dự phòng, an toàn vệ sinh thực phẩm và các đơn vị chức năng khác của địa phương kiểm soát vệ sinh thực phẩm để người bệnh, người nhà người bệnh được ăn, uống hợp vệ sinh.

Ngày 28/7, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã đưa ra 10 khuyến cáo tới người dân đề cao cảnh giác phòng chống bệnh tiêu chảy cấp trong cộng đồng:

1- Lựa chọn rau, củ quả, thịt, cá, thực phẩm đã qua chế biến, đồ uống phải có nguồn gốc rõ ràng, và bảo đảm an toàn thực phẩm;

2- Thức ăn nên nấu chín kỹ và ăn ngay sau khi nấu; nếu thức ăn chín đã quá 4 giờ mà không được bảo quản (giữ liên tục nóng trên 60oC hoặc lạnh dưới 10oC) thì phải nấu kỹ lại trước khi ăn;

3- Sử dụng nguồn nước sạch, an toàn để sơ chế, nấu ăn;

4- Tránh tiếp xúc giữa thực phẩm sống và thức ăn chín, thức ăn ăn ngay; không dùng chung dụng cụ sơ chế, chế biến thực phẩm sống và thức ăn chín. Đối với thức ăn sau khi chế biến cần che đậy, phòng tránh ruồi, côn trùng và động vật gây ô nhiễm thực phẩm;

5- Nguyên liệu thực phẩm cần phải bảo quản, che đậy theo yêu cầu của từng loại: thịt, cá tươi sống bảo quản nhiệt độ lạnh (đông đá); rau củ quả bảo quản nhiệt độ mát; bao bọc kín thực phẩm trước khi bảo quản, kể cả trong tủ lạnh; thực phẩm bao gói bảo quản theo yêu cầu của nhà sản xuất;

6- Thực hiện ăn chín, uống chín; không ăn tái, ăn sống thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn như tiết canh, gỏi cá, nước lã…

7- Không sử dụng các nguyên liệu thực phẩm nghi ngờ không bảo đảm an toàn, các loại sản phẩm được khuyến cáo có chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, cá nóc, cóc, măng lạ, ốc ma…) để chế biến thành thực phẩm;

8- Rửa tay sạch sau khi đi vệ sinh, trước khi chế biến thức ăn và trước khi ăn;

9- Xử lý phân, chất thải, rác thải đảm bảo yêu cầu vệ sinh, không dùng phân tươi để tưới rau và nuôi cá;

10- Khi có những biểu hiện tiêu chảy cấp nghi do ăn uống, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, trợ giúp kịp thời về chuyên môn.

H.Nga

Thanh Hằng
.
.
.