Dịch thuật: Coi chừng, chết người

Thứ Tư, 20/09/2006, 08:49

Tôi cứ thót tim khi nghĩ rằng, nếu chẳng may ai đó khi dịch về rau ngót rừng (loại rau ăn mát bổ) mà lại mô tả nhầm sang lá ngón (loại lá cực độc) bởi 2 loại lá cây này đều có nhiều ở miền núi và lại hao hao giống nhau, thì…

Xin được dùng từ chết người không trong ngoặc kép trong trường hợp này, bởi nó hoàn toàn mang nghĩa đen. Cách đây ít lâu, “thảm họa dịch thuật” các cuốn sách văn học đã khiến dư luận phải đặc biệt quan tâm, nhưng mới dừng ở “hay” hoặc “dở”, còn ở đây, việc dịch thuật lại mang ý nghĩa lớn hơn bởi có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người. 

Ngay sau khi chị Phạm Thị Vân ở TP. T.N. được bác sĩ xác định bị ung thư, phải điều trị tại Hà Nội, cô em ruột chị vội về quê ôm xuống 2 bao tải… lá đu đủ, để sắc cho chị Vân uống. Thấy tôi ngạc nhiên, cô hào hứng đưa cho xem một bài viết đăng trên báo N. với dòng tít khá giật “Lá đu đủ chữa khỏi bệnh ung thư” kèm theo bức ảnh to tướng về cây đu đủ. Cô cho biết: “Đây là “bài thuốc quí” mà mấy người điều trị cùng khoa với chị Vân ở Bệnh viện K. “truyền” cho”.

Bài báo không ghi tác giả mà chỉ ghi tên người sưu tầm, kể về một ngư dân người Australia tên là Sant Sheldon, bị ung thư phổi rất nặng, mà theo tiên lượng của bác sĩ thì chỉ sống được 5 tháng nữa. Nhưng rồi, hàng ngày, ông đã uống nước lá đu đủ đun sôi và khỏi bệnh hoàn toàn.

Đu đủ Việt Nam (ảnh 1) và Đu đủ Mỹ (ảnh 2).

Sau khi dẫn thêm một vài trường hợp người nước ngoài đã chữa khỏi bệnh ung thư bằng lá đu đủ, kèm theo là ý kiến xác nhận của một số nhà khoa học, bài báo còn đưa ví dụ một bệnh nhân tên là “Phạm Thị Dậu, 63 tuổi, em ông Phạm Bảo ở phường Mai Động, Hai Bà Trưng, Hà Nội” cũng đã chữa khỏi ung thư chỉ sau 20 ngày uống lá đu đủ kết hợp tia xạ, dù đã có dấu hiệu di căn (?!).

Để tìm hiểu thêm, tôi đã tìm bài dịch gốc của bài sưu tầm trên ở một tờ báo khác và thấy ghi “theo Gold Coast Bullet”, nhưng phần cuối bài lại viết “ở Việt Nam, đu đủ là một loại cây rất phổ biến. Bông đu đủ đực là món ăn của đồng bào Thổ miền Bắc…” và một tấm ảnh minh họa cũng là đu đủ Việt Nam 100% (ảnh 1).

Với lập luận thông thường là, nếu cây đu đủ chữa được căn bệnh nan y này thì lẽ nào ngành y tế Việt Nam lại bỏ qua, và nếu quí thế thì tại sao lá đu đủ vẫn cứ nhiều như … đất, tôi liền mạo muội hỏi GS.TS Nguyễn Bá Đức, Giám đốc Bệnh viện K thì ông cười lớn: “Người ta vẫn quảng cáo đầy trên tờ rơi đấy, nhưng lá đu đủ chưa chữa được cho bất kỳ một trường hợp bị ung thư nào. Làm sao có thể chữa được bệnh nan y này đơn giản thế?”. TS Lý Ngọc Kính, Vụ trưởng Vụ Điều trị, Bộ Y tế cũng khẳng định: “Cho đến nay, chưa có gì để chứng minh lá đu đủ có thể trị được ung thư”.

Ít ngày sau, khi vào một trang web về bệnh ung thư, tình cờ tôi được đọc một số bài viết của những người có thân nhân bị bệnh ung thư và biết, cây đu đủ mà bài báo trên nói tới thực ra không phải là đu đủ Việt Nam, mà là giống đu đủ Mỹ, gọi theo cách của thổ dân là paw paw (ảnh 2). Đây là loại cây thân gỗ (khác với đu đủ Việt Nam là loại cây thân mềm), được trồng nhiều ở miền Tây nước Mỹ.

Viện Ung thư Quốc gia Mỹ từng tài trợ một dự án 5 triệu USD cho một giáo sư tiến sĩ ở Trường đại học Dược Purdue để nghiên cứu trong gần 20 năm về hơn 300 loại cây khác nhau được cho là có khả năng chữa được ung thư, trong đó có paw paw, nhưng không hiểu sao dự án đã bị đình lại. Và dù có một số đặc tính trong chữa trị ung thư, thì loại thuốc chế từ paw paw cũng chỉ cho cơ hội khỏi bệnh 50-50 mà thôi.

Rõ ràng là, người dịch bài báo đã không biết có giống đu đủ Mỹ, càng không biết có sự rất khác biệt với đu đủ Việt Nam, nên khi dịch xong đã “diễn dịch” thêm để khẳng định đó là loại đu đủ Việt Nam. Đã vậy, đến lúc đăng trên báo N thì bài dịch lại bị “tam sao thất bản” một lần nữa khi người sưu tầm “mạnh dạn” đưa thêm dẫn chứng về một bà Dậu nào đó ở phường Mai Động, nhưng với một địa chỉ không cụ thể như đã nêu, mà có lẽ là để thuyết phục độc giả tin hơn (?!).

Với sự tuyên truyền của báo chí (bài báo đã được đăng không phải ở một nơi), chắc rằng, trong tâm trạng “có bệnh thì vái tứ phương”, không ít người đã sử dụng lá đu đủ Việt Nam để chữa bệnh ung thư cho người thân, như trường hợp cô em của chị Vân và những người đã truyền “kinh nghiệm” lại cho cô. Hậu quả của việc này ra sao, có lẽ chỉ các thầy thuốc mới có thể nói được.

Chao ôi, giá mà khi dịch, nhất là với một vấn đề mang tính khoa học thế này, người dịch cẩn trọng một chút thì đâu đến nỗi xảy ra tình trạng “râu ông nọ cắm cằm bà kia”! Tôi cứ thót tim khi nghĩ rằng, nếu chẳng may ai đó khi dịch về rau ngót rừng (loại rau ăn mát bổ) mà lại mô tả nhầm sang lá ngón (loại lá cực độc) bởi 2 loại lá cây này đều có nhiều ở miền núi và lại hao hao giống nhau, thì…

Hy vọng rằng, bài viết này sẽ cung cấp một thông tin nhỏ cho những ai đang kỳ vọng vào việc chữa được bệnh ung thư bằng lá đu đủ Việt Nam  từ những bài dịch và sưu tầm trên

Thanh Hằng
.
.
.