Dịch sốt xuất huyết liên tục gia tăng

Thứ Năm, 03/07/2008, 10:42
Đầu tháng 6/2008 đến nay, dịch sốt xuất huyết (SXH) ở ĐBSCL liên tục gia tăng và diễn biến hết sức phức tạp. Tỉnh Tiền Giang có hơn 1.400 ca SXH, một trường hợp tử vong, trong đó huyện Cai Lậy hơn 410 ca, Chợ Gạo 165 ca, Cái Bè 146 ca, TP Mỹ Tho 156 ca… Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh tiếp nhận điều trị 376 ca SXH. Hiện tại, có 25 ca đang nhập viện, trong đó có 10 ca xảy ra ở người lớn tuổi.

Theo bác sĩ Trương Công Đầy - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang, số ca SXH hiện nay tăng không cao nhưng mức độ nguy hiểm thì hơn các năm trước. Đặc biệt là lứa tuổi trên 15 lại chiếm tỉ lệ hơn 30% và đã có 6 ca phải chuyển lên tuyến trên. Một ca tử vong vừa xảy ra đối với trẻ 7 tuổi đó là Võ Văn Anh, ở ấp Mỹ Tường B, xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè. Huyện Cai Lậy đang đứng đầu tỉnh Tiền Giang về SXH với 419 ca.

Do bệnh viện đang trong giai đoạn sửa chữa nên việc điều trị bệnh gặp rất nhiều khó khăn và quá tải, 2-3 em nằm chung một giường. Tại các bệnh viện khác trong tỉnh, cơ sở vật chất và đội ngũ y, bác sĩ phục vụ cho việc điều trị bệnh SXH còn thiếu thốn. Các bệnh viện chưa có khoa cấp cứu nhi riêng biệt mà phải cấp cứu chung với các bệnh khác.

Đến cuối tháng 6/2008, tại Cà Mau, số bệnh nhân mắc SXH cao gấp 4 lần so với cùng thời điểm năm 2007 và có 4 trường hợp tử vong. Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau, 2-3 bệnh nhân cùng nằm chung một giường, thậm chí, nhiều bệnh nhân không còn giường, đành mướn ghế bố nằm điều trị.

Theo bác sĩ Đặng Hải Đăng - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Cà Mau, dịch bệnh SXH bùng phát mạnh từ đầu tháng 6/2008 đến nay. Các địa phương nặng nhất là các huyện Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình và TP Cà Mau… Riêng huyện Trần Văn Thời đầu năm đến nay có 600 ca bệnh SXH. Bệnh viện Đa khoa huyện Trần Văn Thời đang quá tải nghiêm trọng vì chỉ có 25 giường, nhưng có ngày Khoa Nhi phải điều trị nội trú 70 bệnh nhân và địa phương này đã có 3 trường hợp tử vong.

Trong khi đó, Sóc Trăng là địa phương có số ca mắc SXH cao nhất ĐBSCL, với hơn 1.900 ca, chủ yếu tại huyện Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Long Phú và TP Sóc Trăng. Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng thường xuyên quá tải các bệnh nhân SXH. Tại Đồng Tháp, Bạc Liêu, Kiên Giang, Bến Tre cũng có từ 300 - 700 ca SXH. Riêng Kiên Giang có 2 trường hợp tử vong…

Theo nhận định của ngành Y tế các địa phương dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Vấn đề khó khăn trong công tác phòng dịch SXH tại ĐBSCL hiện nay là ý thức phòng bệnh của người dân chưa cao, việc tuyên truyền, giám sát dịch bệnh của ngành y tế và đoàn thể địa phương chưa đi vào chiều sâu còn mang tính phong trào.

Nguồn kinh phí hạn chế nên công tác phun xịt thuốc diệt muỗi chưa thực hiện thường xuyên, chỉ thực hiện tại các địa bàn có ổ dịch. Lực lượng cộng tác viên phòng chống sốt xuất huyết quá mỏng…

Trước tình hình diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh SXH, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh đã tổ chức tập huấn giám sát côn trùng, phòng chống dịch cho 80 cán bộ ngành Y tế các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.

UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu Sở Y tế kết hợp với các ngành chức năng cùng các huyện, thị, thành, nhất là các điểm nóng như Cai Lậy, Chợ Gạo, Cái Bè, thị xã Gò Công, Gò Công Đông, TP Mỹ Tho huy động mọi nguồn lực dập dịch SXH kịp thời, trong thời gian sớm nhất.

Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh Tiền Giang là đơn vị chủ lực trong công tác điều trị bệnh SXH ở địa phương. Nơi đây huy động cơ sở vật chất, tăng cường nhân lực từ Khoa Nhiễm, Khoa Nhi và Khoa Cấp cứu phục vụ điều trị SXH.

Ngoài ra, bệnh viện còn tranh thủ sự hỗ trợ về chuyên môn của Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhiệt Đới (TP Hồ Chí Minh). Đồng thời tăng cường hỗ trợ, tập huấn chuyên môn cho các bệnh viện tuyến dưới, sẵn sàng cử bác sĩ trực tiếp xuống điểm nóng phòng chống dịch. Bệnh viện còn thiết lập đường dây nóng tại Khoa Nhi, có lực lượng y, bác sĩ trực 24/24 để tư vấn bệnh cũng như tham gia điều trị cấp thiết.

Ngành Y tế Cà Mau đang đẩy mạnh nhiều biện pháp khống chế dịch bệnh. Các đội tuyên truyền trực tiếp xuống tận cơ sở ở rừng U Minh và những vùng nông thôn sâu của những nơi có dịch lớn để hướng dẫn người dân cách phòng bệnh.

Đặc biệt, ngành Y tế Cà Mau thành lập các đội cấp cứu lưu động sẵn sàng chi viện cho tuyến cơ sở. Trong khi đó, ngành Y tế tỉnh Sóc Trăng, Đồng Tháp, Kiên Giang… huy động đối đa nhân vật lực, tập trung số 1 cho phòng, chống dịch SXH; triển khai chiến dịch diệt muỗi, loăng quăng trên diện rộng tại những nơi có nhiều trường hợp mắc bệnh và vùng nguy cơ cao…

Nam Thơ
.
.
.