Di vật ở chợ… Âm phủ
>> Đường 19-12 sẽ hoàn thành vào dịp sinh nhật Bác
Sau những lùm xum của việc xây dựng Trung tâm Thương mại trên nền chợ 19-12 (còn được gọi là chợ…Âm phủ), UBND thành phố Hà Nội đã quyết định thay thế bằng một dự án khác. Dự án có tên gọi "Con đường và Vườn hoa trên nền chợ 19-12 cũ". Và nếu như không có sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận, sẽ không có những chứng tích lịch sử tiếp tục được phát hiện.
Tận tay cầm, tận mắt nhìn ngắm và trong tận sâu tâm cảm, chúng tôi thấy có cái gì đó vừa thiêng liêng, vừa con người khi nâng niu những hơn 100 di vật được tìm trong khi tìm hài cốt ở độ sâu từ 1-3,5m trên nền cũ của chợ… Âm phủ.
Anh Nguyễn Quốc Hùng, người của Ban quản lý công trình giao thông (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) được giao phụ trách công trường có vóc dáng to béo và rất vui tính. Tiết trời mùa xuân có mưa phùn giăng giăng, vậy mà trên trán lại có những giọt mồ hôi khi anh cho chúng tôi xem "bảo tàng" di vật vừa được Đội Cải táng tìm thấy trong khi cất bốc hài cốt. Trước đó, khi cùng chúng tôi rời khỏi cơ quan, anh dặn "đi cổng đường Hai Bà Trưng nhé".
Vừa dựng xong chiếc xe máy trên nền công trường, anh tong tả đi vào chiếc lán dựng tạm. Ở đấy có mấy chục chiếc tiểu sành, trên phủ vải màu vàng. Anh vào ban thờ, thắp hương khấn lạy điều gì đó rồi bảo chúng tôi vào.
Chưa bao giờ chúng tôi thấy có nhiều tiểu sành đựng hài cốt đến vậy. Muốn vào ban thờ, chúng tôi phải đi qua dãy tiểu sành này. Một cảm giác gì đó thật khác lạ xâm chiếm tâm trí chúng tôi. Không phải là cảm giác sợ, mà đó là những xúc cảm khi người ta đang đứng trong không gian linh thiêng, huyền bí. Có cái gì đó vừa hữu hình, vừa vô hình ập đến.
Dẫu chẳng có ký ức về cái ngày mà hàng trăm người dân Thủ đô, chiến sỹ cách mạng, tù binh bị thiệt mạng và đem đến đây chôn chung (vì chúng tôi là những người sinh ra khi đất nước thống nhất), nhưng nhờ những trang sách của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, chúng tôi đã hình dung ra phần nào cái ngày muôn người dân Thủ đô chung ý nguyện "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".
Trong khi người già, trẻ em được bí mật đưa qua sông Hồng để đi tản cư, những thanh niên, trí thức, chiến sỹ vệ quốc đã ở lại với Hà Nội. Họ giành giật từng ngôi nhà, góc phố với giặc Pháp. Và chính trong ngày 19/12 lịch sử ấy, đã có những người con yêu dấu của Hà Nội hy sinh. Thi hài họ được chuyển đến đây, được chôn chung trong ngôi mộ tập thể.
Sau này, thành phố Hà Nội đã tiến hành cất bốc hài cốt, đưa đến chôn tại nghĩa trang Yên Kỳ (Bất Bạt, Ba Vì, Hà Tây cũ). Một cái chợ tạm được dựng lên, người ta đặt tên là chợ 19-12 để tưởng nhớ đến những người đã hy sinh cho Hà Nội. Nhưng do nơi đây là khu mộ tập thể, nên người dân gọi nôm na là chợ… Âm phủ.
Sau khi mở nắp chiếc hòm tôn, đặt bên cạnh dãy tiểu đựng hài cốt, anh Hùng lấy những di vật bên trong đặt lên chiếc khay bằng nhôm đã cũ. Rất nhẹ nhàng, anh đặt chúng lên khay một cách cẩn trọng. Nhìn người đàn ông to béo, toát mồ hôi hột giữa ngày thời tiết se lạnh, chúng tôi thấy anh khá căng thẳng khi chạm vào những hiện vật của quá khứ.
Sau khi bê cái khay đựng di vật ra ngoài, anh Hùng giải thích: "Nếu không nóng, không làm việc ở đây được". Nói rồi, anh cười một cách thoải mái. Rồi Hùng lại khoe: "Từ ngày được phân công phụ trách mảng… cải táng, tôi uống rượu khá hơn hẳn".
Lúc đó, có bác Vĩnh Hùng, Tổ trưởng tổ dân phố số 1, phường Trần Hưng Đạo đang cùng anh cán bộ của đơn vị thi công lập biên bản bàn giao. Nhà bác Vĩnh Hùng ở kế bên chợ… Âm phủ, bác là một trong những người dân ủng hộ xây dựng nơi đây thành con đường như cũ.
Bác đồng ý với cách thể hiện dấu ấn lịch sử và tưởng nhớ những người đã ngã xuống trong ngày toàn quốc kháng chiến bằng bức phù điêu hay tượng đài nhỏ. Khi Đội Cải táng của nghĩa trang Văn Điển tìm kiếm, cất bốc hài cốt ở đây, bác luôn có mặt. Chữ ký của bác là một trong sáu chữ ký phải có trong biên bản bàn giao công việc hàng ngày. Vì thế, những ngày này, ông "Trưởng thôn" Vĩnh Hùng cũng bận rộn lắm lắm.
"Bảo tàng" di vật vừa được tìm thấy ở độ sâu từ 1m-3,5m gồm: 1 bình sứ màu nâu cỡ to; 9 chiếc dép nữ quai hậu màu trắng; 1 đế giày nam cỡ 46; 1 cây kiếm; 9 còng số 8; 18 viên đạn súng K53; 1 bật lửa; 1 còi bằng inox; 54 đồng tiền Đông Dương; 2 khoá; 3 mặt thắt lưng; 3 mắt kính màu trắng; 1 mặt đồng hồ đeo tay; 2 sợi dây thép dài; 13 bát sứ lớn, nhỏ; 1 huy hiệu. Tổng cộng, có 119 di vật. Một con số thật bất ngờ. Một gia tài có giá trị lịch sử to lớn. Đó là sự thể hiện thời gian, như đồng tiền Đông Dương chẳng hạn. Hay biểu hiện về phục trang và phụ kiện đi kèm lúc bấy giờ như giày, dép...
Minh chứng cho việc người chết bị giam cầm hay bị giết khi đang là tù binh của nhà tù Hoả Lò (nhà tù Hoả Lò cách đó khoảng 200m) là những chiếc còng tay, còng số 8. Sự khác biệt giữa những chiếc còng tay và còng số 8 cũng nói lên rất nhiều điều. Nó cho thấy ở đây có những người mới bị bắt và những người bị giam cầm nhiều ngày.
Chúng tôi cũng đặc biệt lưu tâm khi thấy cuộn dây thép có gắn chiếc khoá nhỏ. Hẳn, cuộn dây thép cũng dùng để trói buộc người. Nó cũng được đóng khoá "bảo vệ". Một cách trói, buộc khá lạ. Phải chăng đây là vật dụng để trói buộc nhiều người cùng một lúc? Để biết rõ thực hư, rất cần sự lưu tâm của các nhà nghiên cứu lịch sử và chính các cựu tù Hoả Lò.
Những vật dụng gia đình (bát, lọ hoa), vật dụng cá nhân (đồng hồ đeo tay, mắt kính trắng, bật lửa, mặt dây thắt lưng) cũng phản ánh nhiều điều. Nó thể hiện thành phần xuất thân của người chết. Mắt kính, đồng hồ đeo tay hẳn là di vật của những người công chức, trí thức lúc bấy giờ.
Những chiếc bát sứ có màu men coban, men rạn… Có chiếc bát sứ, dưới đáy còn có chữ viết bằng tiếng Hán cổ đọc là "Nội phủ". Dòng chữ này cho thấy, chiếc bát có nguồn gốc từ Trung Quốc (hoặc do người Hoa sản xuất).
Có phải đây là loại bát thịnh hành trong các gia đình ở Hà Nội lúc bấy giờ? Hay nó được dùng trong "Nội phủ" nào đấy.
Dù chưa thể trả lời ngay câu hỏi này nhưng sự xuất hiện của nó dưới nấm mồ tập thể cũng cho thấy sự đa dạng trong xuất thân của người chết cũng như bối cảnh sống của người dân lúc này.
Có một vật gây sự chú ý đặc biệt đối với chúng tôi. Anh Hùng gọi tạm tên nó trong sổ ghi chép của mình là huy hiệu. Đó là một vật có hình tròn, phía trên có đai giống như tay cầm. Một mặt, có khắc chữ nổi bằng tiếng Hán cổ, chúng tôi đã nhờ người đọc, đó là dòng chữ: "Dũng nhân phúc Trung Quốc lượng vu quân".
Việc tìm kiếm, cất bốc hài cốt đã làm được 2/3, dự kiến chỉ trong 10 ngày nữa là hoàn tất. Khi đó, mặt bằng sẽ bàn giao cho đơn vị thi công tiến hành xây vườn hoa. Trước Tết Nguyên đán, Ban quản lý dự án đã chuyển gần 400 tiểu hài cốt đến chôn cất tại nghĩa trang Yên Kỳ.
Ngày 27/2, là lần thứ hai di chuyển hài cốt đến nghĩa trang Yên Kỳ. Anh Hùng giải thích với chúng tôi lý do gọi là tiểu hài cốt chứ không phải bộ hài cốt bởi vì đây là mộ tập thể, không thể phân biệt rạch ròi từng bộ được.
Ông Đặng Tiến Doãn, Phó Giám đốc Ban quản lý công trình giao thông đô thị cho biết, trước đây thành phố tiến hành cất bốc phần nổi của ngôi mộ và gom được 4 quan tài hài cốt. Số hài cốt này được đưa lên mai táng tại nghĩa trang Yên Kỳ và xây thành một ngôi mộ to, đặt ở vị trí trung tâm rất thành kính.
Lần này, hài cốt cũng được đưa lên và chôn cạnh đấy. Nó cho thấy thành ý của bậc hậu sinh đối với sự hy sinh của những con người đã ngã xuống vì Thủ đô và vì cuộc kháng chiến thần thánh giải phóng dân tộc. Và cũng phần nào an ủi thân nhân của những người đã chết khi đến đây thắp nén hương.
Nói về "bảo tàng" di vật tìm thấy ở dưới lòng đất ở chợ… Âm phủ, anh Nguyễn Quốc Hùng cho biết, đại diện của khu di tích nhà tù Hoà Lò và Bảo tàng Hà Nội đến xin. Tuy nhiên, do chưa được phép của Sở Văn hoá Thông tin nên chưa dám chuyển giao.
Ban Quản lý Dự án đã có Giấy mời cơ quan này đến bàn giao di vật nhưng chưa thấy phản hồi. Thiết nghĩ, Sở Văn hóa Thông tin nên theo dõi sát sao việc tìm kiếm di vật và có biện pháp bảo quản, trưng bày. Nếu được bảo quản đúng cách, biết đâu sẽ tìm thông tin trên di vật. Ví dụ như một cái tên chẳng hạn. Và rất có thể, sẽ có những người nhận ra đây là di vật của thân nhân mình