Di tích lăng mộ Bà chúa Tầm Tang bị xâm hại nghiêm trọng

Thứ Năm, 30/03/2006, 07:40

Được xếp hạng là di tích lăng mộ cổ xưa nhất của chúa Nguyễn ở phía Nam song lăng mộ bà Đoàn Quý Phi tại làng Chiêm Sơn, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) đang lâm vào cảnh đổ nát, hoang phế. Trong khi đó, "Lễ hội Bà chúa Tầm Tang" do địa phương tổ chức đang đến gần.

Bà Đoàn Quý Phi được dân gian ca ngợi công đức là Bà chúa Tầm Tang xứ Đàng Trong và truyền tụng mãi câu chuyện "kỳ duyên" giữa bà với Thế tử Nhơn Lộc hầu Nguyễn Phúc Lan (Chúa Thượng). Bà Đoàn Quý Phi mất năm Tân Sửu (1661), thọ 60 tuổi. Con trai bà là Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần, đã đưa thi hài mẹ về an táng tại quê hương Chiêm Sơn và xây dựng lăng Vĩnh Diện ở Gò Hùng, thôn Thượng Cốc.

Đến năm 1774, Thế Tôn Hiếu Võ Hoàng Đế, tức Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát đã truy dâng bà là Trinh Thục Từ Tĩnh Huệ Phi và sau đó thêm 2 chữ Mẫu Duệ. Tới thời vua Gia Long (1806), nhà vua đã truy tôn bà là Trinh Thục Từ Tĩnh Mẫu Duệ Kính Hiếu Chiêu Hoàng hậu, khắc tên lên danh sách vàng của hoàng tộc thờ chung với Hiếu Chiêu Hoàng đế (Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan) ở gian thứ nhất bên phải nhà Thế Miếu...

Vào giữa tháng 4/2006 (tức ngày 17/3 âm lịch), huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam sẽ tổ chức "Lễ hội Bà chúa Tầm Tang" để tôn vinh công đức bà Đoàn Quý Phi, thu hút khách du lịch đến tham quan, thăm viếng khu di tích lăng mộ của người phụ nữ thông minh, tài giỏi đã có công khai sáng và phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm ở Quảng Nam và các tỉnh miền Trung nói chung.

Ngày 20/3, chúng tôi có mặt tại lăng mộ bà Đoàn Quý Phi, chứng kiến cảnh đổ nát, hoang phế ở nơi này. Cách tường thành khu lăng hơn 5m, đã được xây bao bọc bởi bức tường rào kiểu dáng rất hiện đại, tuy nhiên cánh cửa sắt lối cổng vào đã bị gãy bản lề, xô lệch, ngả nghiêng. Lợi dụng điểm này, một số người dân địa phương thiếu ý thức bảo vệ di tích văn hoá đã biến khu lăng mộ thành nơi nhốt bò. Phân bò rải rác khắp mặt đất trong vùng lăng tẩm tôn nghiêm, tấm bia di tích văn hoá cũng bị ai đó đập nát, vứt chỏng chơ trên mặt tường thành đầy cỏ dại.

Ông Đoàn Công Nhân, một hậu duệ của tộc Đoàn Công ở Duy Xuyên cùng đi với chúng tôi, ngậm ngùi kể rằng: Sau giải phóng 1975, những người có trách nhiệm của chính quyền địa phương đã xem khu lăng mộ là tàn dư chế độ phong kiến nên để cho nhiều người vào đập phá lấy gạch đá về xây các công trình, nhà cửa. Còn bọn trộm cắp ngỡ đây là khu "mã hời" có chôn vàng nên dùng thuốc nổ đánh phá thành một hố ở trung tâm lăng để đào bới tìm kiếm. Phát hiện được sự việc, tộc Đoàn Công đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng, sau đó khu lăng được bảo vệ và được công nhận là di tích văn hóa.

Tuy nhiên, việc trùng tu lăng mộ chẳng được đoái hoài. Bức xúc, con cháu tộc Đoàn Công quyên góp thì cũng chỉ chỉnh sửa được nhà mộ chính... Việc một số người dân địa phương thả bò lên núi Chiêm Sơn, đến trưa lùa vào nhốt tại khu lăng, tộc Đoàn Công và ông Nhân đã nhiều lần phản ánh tới chính quyền thôn, ngành VHTT huyện Duy Xuyên, song vẫn không được xử lý...

Đứng trước khu lăng mộ bà Đoàn Quý Phi, chúng tôi không khỏi phân vân rằng, tỉnh Quảng Nam đã chi hàng chục tỷ đồng cho các lễ hội văn hóa, du lịch, vậy tại sao công tác trùng tu di tích lăng mộ bà Đoàn Quý Phi vẫn chưa được đề cập? Liệu rằng, lễ hội sắp tới sẽ mang lại ấn tượng gì cho du khách khi tận mắt chứng kiến cảnh đổ nát, hoang phế của lăng mộ người phụ nữ đã được tôn vinh là Bà chúa Tầm Tang xứ Đàng Trong?

Long Vân
.
.
.