Dệt thổ cẩm góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Thái

Thứ Hai, 12/08/2013, 23:20
Đến với đồng bào dân tộc Thái ở bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An người ta không chỉ nhắc đến rượu cần, cơm lam mà còn nhớ đến làng nghề dệt thổ cẩm.

Bản Hoa Tiến có 300 hộ thì hơn 200 hộ dệt thổ cẩm. Cùng với trồng lúa nước, dệt thổ cẩm là nghề thứ hai giúp đồng bào dân tộc Thái tại bản Hoa Tiến thoát nghèo, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Để có một sản phẩm dệt thổ cẩm đảm bảo chất lượng, mẫu mã đẹp phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau từ khâu trồng nguyên liệu, xe tơ, nhuộm màu, thêu dệt và bố trí hoa văn.

Tất cả các công đoạn đều làm thủ công nên đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo của người phụ nữ. Sản phẩm dệt thổ cẩm của bà con bản Hoa Tiến rất đa dạng, ngoài những trang phục mặc hàng ngày của chị em còn có sản phẩm để bán và trưng bày tại các gian hàng hội chợ như: khăn trải bàn, khăn đội đầu, tấm treo, chăn thêu, khăn quàng cổ.

Các sản phẩm dệt thổ cẩm ở bản Hoa Tiến mẫu mã và chất lượng ngày càng tốt hơn.

Giá trị của tấm thổ cẩm chính là những nét hoa văn tinh tế thể hiện mọi mặt của cuộc sống đời thường từ rừng sâu, núi cao đến những dụng cụ sinh hoạt hàng ngày. Trong hành trang của người con gái Thái khi về nhà chồng cũng không thể thiếu những chiếc váy, áo dệt từ thổ cẩm. Váy áo càng đẹp càng thể hiện sự khéo léo, duyên dáng của người con gái dân tộc Thái và những bộ váy này chỉ được mặc trong dịp đặc biệt như tết, lễ hội.

Ý thức được việc phát triển làng nghề dệt thổ cẩm, phụ nữ bản Hoa Tiến đã thành lập Hợp tác xã làng nghề dệt thổ cẩm. Vì vậy, sản phẩm làm ra ngày càng có chất lượng tốt hơn, mẫu mã đẹp hơn, không chỉ bán cho du khách đến tham quan tại địa phương mà còn được tiêu thụ rộng rãi ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, Hải Phòng. Bên cạnh đó, các chị em trong Hợp tác xã còn nhận làm các sản phẩm có hoa văn theo ý muốn của du khách.

Với sự ra đời của Hợp tác xã làng nghề dệt thổ cẩm tại bản Hoa Tiến đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc tìm đầu ra cũng như thống nhất về giá bán các sản phẩm thổ cẩm. Bà Sầm Thị Bích - Chủ nhiệm Hợp tác xã cho biết: Chị em tham gia Hợp tác xã có thu nhập ổn định, trung bình mỗi người từ 1,5 đến 2 triệu đồng/tháng, đời sống của bà con ngày càng cải thiện

H.K.
.
.
.