Đến mùa thi, thí sinh lại đổ về Văn Miếu cầu may

Thứ Bảy, 02/07/2011, 16:17
Cứ sát đến các ngày thi Đại học, Cao đẳng hàng năm là các sĩ tử lại đổ xô đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám để cấu khấn cũng như để cảm thấy vững tâm hơn khi bước vào trận “vượt vũ môn” sắp tới. “Địa chỉ đỏ” này đang “nóng” lên từng giờ, từng ngày.

Thanh niên tình nguyện… tăng cường canh gác

16h chiều, dù đã sắp đến giờ đóng cửa tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhưng các phụ huynh cùng sĩ tử vẫn rồng rắn kéo nhau đến để cầu may mắn. Với tâm lí vào Văn Miếu sờ đầu rùa, chạm vào bia tiến sĩ càng nhiều thì may mắn càng nhiều, phần trăm thi đỗ đại học mình mong ước càng cao  nên sĩ tử nào cũng muốn được tận tay “sờ vào hiện vật”.

Để tránh như tình trạng các sĩ tử bất chấp biển cấm nhảy vào trong, khu vực bia đá để sờ đầu rùa, năm nay đội ngũ thanh niên tình nguyện được chốt vòng quanh các bia đá. Cứ cách hai bia lại có một bạn đứng luôn miệng nhắc nhở phụ huynh và các sĩ tử.

Thanh niên tình nguyện khá vất vả với các sĩ tử và phụ huynh.

Bạn Nga, sinh viên năm nhất trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, chia sẻ: “Chúng em đến đây làm nhiệm vụ từ hôm 26/6, theo nhận định thì số lượng khách tham quan hôm nay tăng đột biến so với mấy hôm trước, vì hôm nay cũng là ngày mùng 1 đầu tháng. Nên công việc của bọn em bận rộn hơn nhiều. Chỉ thấy em nào có ý định bước qua hàng rào là chúng em phải nhắc nhở ngay.  Bọn em đóng chốt ở đây từ 12h trưa cho đến giờ đóng cửa”.

Theo quan sát của chúng tôi, đội ngũ thanh niên tình nguyện đứng bảo vệ khá dày  nhưng chỉ cần sơ hở vài giây là lại có người đứng với, nhảy vào “sờ trộm” đầu rùa. Một nam thanh niên tình nguyện thừa nhận: “ Dù có cố gắng mấy nhưng cũng không thể kiểm soát nổi, các sĩ tử đứng chen chúc nhau cầu khấn rồi nhanh chân bước vào bước ra. Chúng em cũng chỉ nhắc nhở được nhẹ nhàng sau đó. Có phụ huynh còn đứng nài nỉ cho con em mình được sờ vào đầu rùa một lần…”.

Đủ cách “xin may mắn”

Hiện tượng sờ đầu rùa năm nay giảm hẳn do sự kiên quyết của  đội thanh niên và bảo vệ, nhưng các sĩ tử lại nghĩ ra những cách thức cầu may mới. Chợt bước chân đến đầu cửa mua vé vào Văn Miếu, gần chục người bán hương, tiền vàng mã chạy đến níu kéo mời chào khách mua hàng làm khung cảnh ở đây đông đúc lại càng hỗn loạn hơn. Một chị bán hành nhanh nhảu: “ Mua hương thắp đi em, 5 nghìn một bộ, trong đại điện có 3 ban mỗi ban đặt một bộ, cầu khấn gì được lấy”. Dù biết không được thắp hương nhiều nhưng phụ huynh và con em họ vẫn mua vàng tiền, hương và cả đồ lễ vào để cầu khấn.

Đi sâu vào trong đại điện, các sĩ tử thi nhau thắp hương cầu khấn sì sụp. Khói hương nghi ngút mặc cho loa đài nhắc nhở “mỗi người chỉ được thắp một nén hương…”.

Năm nay kiểu cầu may bằng cách “ghi danh trên bảng vàng” ở cuối đại điện cũng rất “hot”. Đang chen chúc hí hoáy viết lên “bảng ghi danh” ở trong đại điện, em Nguyễn Thị Hương ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa tâm sự: “Em cũng muốn được một lần sờ lên đầu rùa nhưng thấy biển cấm, các anh chị thanh niên tình nguyện đứng gác nên em cũng không sờ. Em vừa ghi lên bảng ghi danh, tên em, số báo danh, tên trường thi của em để cho vững tâm hơn”.

Bên cạnh đó, nắm bắt tâm lí thí sinh nên các cửa hàng lưu niệm trong Văn Miếu tung ra các chiêu câu khách. Chỉ cần với 10.000 đồng có thể mua một đồng xu hoa mai “chiêu tài tiến bảo” hay “xu may mắn, tam khôi, đỗ cả ba kỳ” với 15.000 đồng, 30.000 đồng/ tiến sĩ bằng đá phát quang….

Theo lời quảng cáo của chị bán hàng là mua những đồ này mang theo người thì sẽ luôn may mắn ở các kì thi và các mặt hàng này bán rất chạy những ngày qua.

Một số hình ảnh tại Văn Miếu Quốc tử giám chiều ngày 1/7:

Dù các SV tình nguyện luôn miệng giải thích...

Vẫn có thí sinh cố nhoài người...với tới đầu rùa cầu may.

Gần đó, "dịch vụ bán hương" đeo bám khách đến với Văn Miếu.

Và các phụ huynh thì vẫn móc hầu bao để mua vàng hương...

...Xếp hàng khấn vái

Năm nay, nhiều thí sinh thích "ghi danh bảng vàng" nhằm mong muốn 1 kỳ thi với kết quả mỹ mãn(!?).

Nhiều người thì lại "kết" các loại xu may mắn dù không hiểu lắm về xuất xứ cá loại đồng xu này!

Thanh Hòa
.
.
.