Đến Hoàng thành Thăng Long, nhớ tổ tiên người Việt

Chủ Nhật, 10/10/2010, 15:11
"Rất ít nước trên thế giới có thể giữ gìn được những ký ức sống động về việc lập đô từ 1000 năm trước mà không bị mai một theo thời gian... Không biểu tượng nào về hòa bình và hiểu biết lẫn nhau lại vĩ đại hơn một di sản. Thế giới cần các biểu tượng về đối thoại và khoan dung"...

"Việc Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội được công nhận Di sản văn hóa thế giới là một vinh dự, đồng thời cũng mang đến những cam kết và trách nhiệm mới với tất cả các bạn. Kể từ hôm nay, các bạn có trách nhiệm với nhân loại, quảng bá, bảo vệ và truyền lại di sản này cho các thế hệ mai sau, cho giới trẻ"...

Bà Irina Bokova, Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã phát biểu như vậy trong ngày khai mạc Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, khi trao Bằng công nhận Di sản văn hóa thế giới dành cho Hoàng thành Thăng Long. Đây là sự vinh danh của UNESCO đối với Hoàng thành Thăng Long, với Hà Nội và là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam... 

Theo chân PGS.TS Nguyễn Lân Cường, Phó Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam, chúng tôi vào thăm Hoàng thành Thăng Long đúng ngày đang diễn ra các hoạt động Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nườm nượp dòng người háo hức đổ về, mong được chiêm ngưỡng vóc dáng những cung điện nguy nga, tráng lệ một thời.

Tại khu vực khảo cổ (số 18 đường Hoàng Diệu, quận Ba Đình) dấu tích của kinh thành xưa còn đó với những hiện vật sinh động: đầu rồng, đầu phượng ngậm ngọc, lá đề và nhiều linh vật bằng đất nung vốn dùng để gắn trên các nóc cung điện, đền đài; nhiều chân đế bằng đá rộng chạm khắc tinh xảo hình cánh sen; những giếng nước thời Lý - Trần - Lê trong leo lẻo đến lạ kỳ...

Với sự giới thiệu của TS Nguyễn Lân Cường, chúng tôi phần nào mường tượng được cung điện, lầu son, gác tía đã từng tồn tại trên vùng đất thiêng liêng có thế rồng cuộn, hổ ngồi...

Du khách ghi lại những hình ảnh về Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

Theo sách Việt Sử Lược, năm 1010, bình đồ Hoàng thành Thăng Long được vua Lý Thái Tổ xây dựng gồm: chính giữa là điện Càn Nguyên (sau đổi thành điện Thiên An, đến thời Lê Thái Tổ đổi thành điện Kính Thiên); phía Đông có điện Tập Hiền và cửa Phi Long, phía Tây là điện Giảng Vũ và cửa Đan Phượng; phía Nam là Cao Điện, thềm Long Trì, hai bên có hành lang; phía Bắc (điện Thiên An) có hai điện Long An và Long Thụy; cạnh hai cung điện này phía Đông có điện Nhật Quang, phía Tây là điện Nguyệt Minh, sau nữa lại có cung Thúy Hoa. Ngoài ra còn có chùa Hưng Thiên, lầu Sao Ngũ Phượng...

Như vậy, theo sử sách chép thì Hoàng thành Thăng Long là khu vực dày đặc các công trình của một kinh thành thời phong kiến. Từ những năm 70 của thế kỷ trước, một số cuộc khai quật đã được tiến hành trên đất Thăng Long xưa, như khu vực Quần Ngựa, khu vực Lăng Bác (khi đó chưa xây lăng dựng), nhưng không thu được nhiều kết quả.

Toàn cảnh khu vực khảo cổ Hoàng thành Thăng Long.

Đến năm 1998, các cuộc khai quật ở khu vực xung quanh Hậu Lâu, Cửa Bắc... đã phát hiện dấu tích các nền móng kiến trúc cổ. Đáng chú ý nhất là cuộc khai quật trên quy mô lớn năm 2002-2003 tại địa chỉ 18, đường Hoàng Diệu, đã phát lộ nền móng của một số công trình kiến trúc ở phía Tây điện Kính Thiên.

Theo đánh giá của PGS.TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học (đơn vị chủ trì cuộc khai quật) thì từ cuộc khai quật có quy mô lớn này đã phát lộ một phức hệ di tích, di vật rất phong phú, đa dạng để có thể dựng lại cả một chiều dài lịch sử liên tục qua nhiều triều đại phong kiến Việt Nam...

Cuộc khai quật khảo cổ Hoàng thành Thăng Long đã cho phép rút ra những nhận định khoa học quan trọng. Trong nhiều hố khai quật đã tìm thấy các dấu tích kiến trúc và di vật thuộc thời Lý - Trần - Lê nằm chồng lên các di tích kiến trúc và di vật thời Tống Bình - Đại La (thế kỷ VII-IX). Điều đó minh chứng rõ lời vua Lý Thái Tổ trong Chiếu dời đô đã nói tới việc dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La và đặt tên kinh đô là Thăng Long...

Giữa dòng người tham quan ngày càng đông, PGS.TS Nguyễn Lân Cường giới thiệu với chúng tôi những dấu tích nền móng được trải bằng cát vàng và đá cuội, trên là phiến đá rộng có chạm nổi những cánh sen. "Như vậy, các cột gỗ đặt bên trên cũng phải rất lớn, vì chúng có tỉ lệ tương ứng với nhau, nên chúng ta có thể hình dung được quy mô của công trình ngự trên đó" - TS Nguyễn Lân Cường nói.

PGS.TS Nguyễn Lân Cường giới thiệu với  du khách qui mô một cung điện.

Với hàng triệu hiện vật đã được khai quật (một con số khổng lồ và ít gặp trong các cuộc khai quật khảo cổ), vô vàn những dấu tích kiến trúc, vật liệu mang hình linh vật như lân, sư, uyên ương...; đồ gốm sứ như bát, thạp, đĩa... trong đó nhiều thứ là "đồ ngự dụng" mang hình rồng - một biểu tượng thiêng liêng của phương Đông mà đương thời chỉ nhà vua mới được sử dụng. Điều đó khẳng định, khu vực này chính là một phần của Hoàng thành Thăng Long.

Bên một chiếc giếng nước cổ, PGS.TS Nguyễn Lân Cường giới thiệu: Giếng này được xác định có từ thời Trần. Năm 2002-2003, khi mới được khai quật, nó bị lấp đầy bùn đất. Sau khi được nạo vét, tự nhiên nước trong xanh trở lại, rất sạch. Chiếc giếng này được các nhà khảo cổ học đánh giá là  đẹp nhất. Thành giếng gồm những viên gạch xếp nghiêng theo hình xương cá và dưới đáy lát gạch vuông như gạch lát nền. Bên trong lòng giếng cũng tìm được nhiều đồ gốm sứ và các hiện vật thời Trần.

Căn cứ vào di vật tìm được trong lòng giếng và niên đại của gạch xây giếng, các nhà khảo cổ học nhận định, ở khu đất thiêng này, trong suốt chiều dài lịch sử hơn một ngàn năm, không thời nào không có công trình giếng nước cung cấp nguồn nước sinh hoạt tại chỗ... Hoàng thành không chỉ là nơi hội họp, triều kiến, là trung tâm đầu não chính trị mà còn là nơi sinh hoạt của vua, quan và hoàng gia. Tuy giếng chỉ là công trình phụ nhưng lại mang nhiều ý nghĩa; chúng được ví như những "mắt ngọc" của Hoàng thành Thăng Long.

Giếng nước thời Trần.

Sau khi Hoàng thành Thăng Long phát lộ năm 2003, đó là sự kiện văn hóa lớn nhất và được dư luận quan tâm trong một thời gian dài. Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ; các nhà khoa học, giới khảo cổ trong nước và quốc tế... đã trực tiếp đến khảo sát, xuống tận các hố khai quật để tận mắt được thấy Hoàng thành Thăng Long thiêng liêng.

Người dân Hà Nội và đồng bào cả nước cũng như bà con Việt kiều, đến Hà Nội đều tha thiết được đi thăm khu Di tích Hoàng thành Thăng Long. Tiếp đó, Bộ Quốc phòng bàn giao cho ngành Văn hóa một số khu vực đã quản lí từ khi tiếp quản Thủ đô năm 1954...

Đến nay, cùng với khu vực đã được khai quật tại số 18 Hoàng Diệu, chúng ta còn được tham quan các di tích như Hậu Lâu, Đoan Môn, Bắc Môn, Điện Kính Thiên với Nhà Con Rồng - nơi trước đây Bác Hồ và cơ quan lãnh đạo tối cao thường họp và đề ra những quyết sách liên quan tới vận mệnh của đất nước...

Với những kết quả khai quật cùng với nhiều tư liệu, tài liệu lịch sử, Hoàng thành Thăng Long xứng đáng là một Di sản văn hóa thế giới. Đúng như Tổng giám đốc UNESCO đã phát biểu khi trao quyết định này cho Việt Nam: "Hôm nay là một ngày tràn đầy miền vui và tự hào đối với toàn thể người dân Việt Nam. Hôm nay trái tim của chúng ta hòa cùng một nhịp đập, và tôi tin rằng thần Kim Quy và các cụ rùa cũng đang lắng nghe chúng ta từ hồ Hoàn Kiếm, một biểu tượng quý giá về hòa bình của mọi người dân Việt Nam... Rất ít nước trên thế giới có thể giữ gìn được những ký ức sống động về việc lập đô từ 1000 năm trước mà không bị mai một theo thời gian... Không biểu tượng nào về hòa bình và hiểu biết lẫn nhau lại vĩ đại hơn một di sản. Thế giới cần các biểu tượng về đối thoại và khoan dung"...

Với những tiêu chí ấy, Hoàng thành Thăng Long của chúng ta rất xứng đáng là một Di sản văn hóa của thế giới

Khang Anh
.
.
.