Đề phòng bệnh truyền nhiễm ở trẻ trong mùa mưa

Thứ Năm, 03/05/2007, 18:37
Liên tục trong 2 tháng qua, Bệnh viện Nhi đồng I (BV NĐI) TP đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm như: quai bị, tay chân miệng, sốt xuất huyết, viêm phổi, viêm phế quản, tiêu chảy cấp, trái rạ, sốt phát ban... Phổ biến nhất là bệnh tay chân miệng và quai bị, sốt xuất huyết (SXH).

Trong tháng 3/2007, tỷ lệ trẻ mắc bệnh tay chân miệng và quai bị tại BV NĐI đã tăng gần 45% so với tháng trước và trong 208 lượt trẻ tới khám do nghi ngờ SXH đã phát hiện 123 trường hợp mắc. Có 23 ca khi đưa tới đã trong tình trạng nặng (độ 3 và độ 4).

Thời gian gần đây, nhờ có sự hợp tác với Viện Nghiên cứu sức khỏe quốc gia Đài Loan - Trung Quốc, BV NĐI đã có thể xét nghiệm định danh hầu hết các tác nhân gây bệnh viêm não thường gặp ở trẻ như: viêm não Entro Virus 71, viêm não Nhật Bản, Hepes Simplex, song trong tháng 4, số ca nhập viện vào Khoa Hồi sức cấp cứu và Khoa Sơ sinh đã tăng tới 60% so với tháng 3 và tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2006.

Tử vong do Entro Virus 71 đã giảm từ 5 ca (2006) xuống còn 1 ca trong năm nay do các bệnh viện tuyến dưới đã có khả năng điều trị được.

Tuy nhiên, theo nhận định của bác sỹ Nguyễn Thanh Hùng - Phó Giám đốc BV, tháng 5 cũng là thời điểm chuẩn bị chuyển sang mùa mưa, thời tiết thay đổi các loại bệnh truyền nhiễm trên sẽ có nguy cơ gia tăng. Với căn bệnh SXH cách ngừa bệnh cho trẻ vẫn là áp dụng việc ăn ở vệ sinh, ngủ mùng diệt muỗi, diệt lăng quăng…

Nếu trẻ không may mắc bệnh chỉ nên cho uống nhiều nước hạ sốt bằng Paracetamol, không được dùng Aspirin và theo dõi sát phát hiện các dấu hiệu nặng để đưa tới BV kịp thời

H.Nga
.
.
.