Đề nghị truy tố nguyên Chủ tịch UBND phường Phú Thượng và 8 đồng phạm

Thứ Năm, 23/07/2009, 08:39
Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án "Làm giả vườn đào" tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội. Theo đó, 9 bị can trong đó có nguyên Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Thượng bị đề nghị Viện KSNDTC truy tố về hai tội: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái qui định của Nhà nước...

>> Nguyên Phó Chủ tịch phường ký khống để dân moi tiền dự án

Trên địa bàn phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội có một khu ao giáp đường Lạc Long Quân, diện tích hơn 32.000m2, mang tên "ao ải". Ao này thuộc quyền quản lý của Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ tổng hợp hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ (HTX Việt Mông). Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND quận Tây Hồ về việc chuyển đất nông nghiệp do HTX quản lý sang UBND phường quản lý, ngày 12/1/2002, HTX Việt Mông đã thanh lý hợp đồng với ông Trần Văn Bưởi (là người đang ký hợp đồng sử dụng ao ải để nuôi thả cá) giao cho UBND phường quản lý.

Trong thời gian này, mặc dù biết diện tích ao ải nằm trong qui hoạch để thực hiện 3 dự án, nhưng ông Hy Việt Hùng - Phó Chủ tịch UBND phường Phú Thượng và ông Công Nghĩa Tiến - Chủ nhiệm HTX Việt Mông vẫn ký hợp đồng cho ông Công Phương Quế, xã viên HTX, trú tại cụm 3, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, được quyền thuê hơn 32.000m2 để nuôi thả cá thời hạn 1 năm từ 1/3/2002 đến 1/3/2003; sau đó, ký hợp đồng cho thuê tiếp đến 20/1/2004.

Ngày 15/8/2002, UBND TP Hà Nội ra quyết định phê duyệt nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kĩ thuật, thuộc Dự án đấu giá quyền sử dụng đất xây dựng hạ tầng kĩ thuật xung quanh Hồ Tây, có qui mô 18,6ha đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Căn cứ vào chỉ giới đường đỏ do Viện Quy hoạch kiến trúc TP Hà Nội lập, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Khảo sát đo đạc Hà Nội đã tính diện tích giải phóng mặt bằng tại ao ải là gần 12.000m2.

Cũng vào thời điểm này, dự án Khu đô thị Nam Thăng Long và Dự án hoàn chỉnh mạng lưới hạ tầng kĩ thuật 4 cơ quan quận Tây Hồ cũng triển khai, trong đó có thu hồi một phần diện tích đất tại ao ải.

Lợi dụng trong thời gian thuê sử dụng ao ải, Công Phương Quế biết nếu hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng thu hồi đất ao như thực tế Quế đang khai thác sử dụng, giá trị đền bù thấp; nếu diện tích ao này thành đất trồng đào thì tiền đền bù hỗ trợ sẽ cao hơn. Vì vậy, ngày 12/3/2003, Công Phương Quế có đơn xin cải tạo ao phần diện tích ao nông không thả cá được để làm vườn.

Ông Nguyễn Văn Hiển - cán bộ địa chính phường đề xuất vào đơn đề nghị lãnh đạo đồng ý cho ông Quế chuyển đổi. Ngày 18/3/2003, ông Hy Việt Hùng - Phó Chủ tịch UBND phường Phú Thượng đã ký duyệt cho phép ông Quế được trồng đào trên diện tích ao.

Sau khi được UBND phường Phú Thượng chấp thuận, ông Quế đã thuê người bơm tát nước, đổ đất san lấp ao, rồi cắm đào xuống để làm giả thành vườn đào. Bằng hành vi làm giả vườn đào, ông Công Phương Quế và một số anh em bạn bè của ông Quế đã lừa đảo chiếm đoạt tiền đền bù chênh lệch giữa ao cá và vườn đào là hơn 3,2 tỷ đồng, trong đó ông Quế chiếm hưởng hơn 1,7 tỷ đồng. Quá trình điều tra cũng xác định việc đền bù giải phóng mặt bằng có nhiều vi phạm...

Trong vụ án này, ngoài ông Công Phương Quế và ông Công Văn Hạnh, trú tại cụm 2 phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, bị đề nghị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; còn có 7 bị can bị đề nghị truy tố về tội cố ý làm trái qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Đó là: Ông Trần Mạnh Cường, nguyên Phó Phòng tài chính vật giá quận Tây Hồ; ông Công Phương Toàn, nguyên Chủ tịch UBND phường Phú Thượng; ông Hy Việt Hùng, nguyên Phó Chủ tịch UBND phường Phú Thượng; ông Nguyễn Văn Hiển, nguyên cán bộ địa chính phường Phú Thượng và 3 cán bộ  Ban quản lý dự án xây dựng hạ tầng kĩ thuật xung quanh Hồ Tây, gồm: Ông Trần Bá Siêu, nguyên Phó Giám đốc; ông Nguyễn Sơn Hà và ông Nguyễn Hồng Hải, nguyên cán bộ

Đào Minh Khoa
.
.
.