Đề nghị miễn thi hành các khoản tồn đọng dưới 500.000 đồng

Thứ Hai, 27/10/2008, 09:59
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, cần miễn thi hành án các khoản tồn đọng dưới 500.000 đồng. Như vậy “sẽ giảm được trên 100.000 việc, tương đương với 30% lượng việc tồn đọng hiện nay”.
Xung quanh những vấn đề nổi cộm của công tác thi hành án dân sự, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí.

- Báo cáo Bộ trưởng vừa trình bày (chiều 23/10) trước Quốc hội cho thấy vấn đề nổi lên cũng như các kỳ họp trước, vẫn là sự tồn đọng quá lớn, tới hàng trăm nghìn các việc chưa thi hành án được. Phải chăng câu chuyện này vẫn loanh quanh là thiếu cán bộ, thiếu nhân lực và kinh phí nên không thi hành được hay còn vì nguyên nhân khác, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Tồn đọng lần này chủ yếu không phải là do thiếu cán bộ, nhân lực mà là do tồn đọng những việc chưa có điều kiện thi hành được. Theo nguyên tắc thì bản án phải được thi hành nhưng nhiều trường hợp tòa án tuyên mà người phải thi hành án lại không có tiền. Ví dụ như tuyên án phí phải nộp là 50 nghìn đồng, nhưng người bị phạt họ đã đi tù rồi thì nộp làm sao được hoặc với các loại án ma túy cũng vậy, hầu như người ta không có tiền nộp phạt như tòa tuyên, vậy thì lấy cái gì để thi hành. Những việc như vậy tồn đọng từ lâu rồi, phải đến 15 năm nay rồi. Năm 2008, do chỉ đạo quyết liệt nên mới giảm số việc tồn đọng được 12%.

- Bộ Tư pháp đã có đề xuất về việc không thi hành những khoản phạt tiền dưới 500 nghìn đồng đã tồn đọng lâu nay. Nếu đề xuất này được chấp nhận thì dự kiến sẽ giảm được bao nhiêu việc phải thi hành, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Sẽ giảm được trên 100.000 việc, tương đương với 30% lượng việc tồn đọng hiện nay. Thực ra loại việc này từ năm 2001 đã được giao cho UBND xã thực hiện, nhưng sau đó cũng không thực hiện được. Bộ Tư pháp thấy cần miễn thi hành những việc này. Nếu miễn được thì nhà nước cũng đỡ đi một khoản kinh phí rất lớn để phục vụ cho việc khác thay vì để thi hành những việc như thế.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình: Chất lượng xét xử nâng lên

Năm 2008, thực hiện chương trình cải cách tư pháp và các Nghị quyết của QH, toàn ngành đã thụ lý và xét xử hơn 1.000 vụ án hành chính, hàng chục nghìn vụ án hình sự. Chất lượng xét xử các vụ án đã được nâng lên, bảo đảm xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng kết án oan sai và bỏ sót, lọt tội phạm.

Viện trưởng Viện KSND tối cao Trần Quốc Vượng: Luật không quy định thế nào là án điểm

Để xảy ra các trường hợp khởi tố điều tra, truy tố oan, sai trước hết thuộc trách nhiệm của VKS, trực tiếp là các kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, truy tố đã thiếu trách nhiệm, không thu thập đầy đủ chứng cứ để bảo đảm giải quyết vụ án có căn cứ, đúng pháp luật.

Trả lời phỏng vấn bên lề Quốc hội, Viện trưởng nói: "Ở một khía cạnh nào đó, người dân sốt ruột với tình hình vi phạm và tội phạm là hoàn toàn chính đáng. Nhưng mặt khác, cơ quan pháp luật phải xử lý đúng. Mọi việc phải công khai, mọi hành vi của cơ quan pháp luật phải được thực hiện đúng luật. Về án điểm, đó là khái niệm tương đối chứ không phải mang tính luật định. Luật không quy định thế nào là án điểm".

Đ.Trường - Đ.Tuấn

Đ.B.T.
.
.
.