Để không còn những cái chết thương tâm do hầm biogas

Chủ Nhật, 09/12/2012, 10:56
Sử dụng hầm biogas đã trở thành phổ biến ở khu vực nông thôn; là một giải pháp tiết kiệm chi phí đối với bà con nông dân vừa góp phần bảo vệ môi trường. Nhưng không phải hộ gia đình nào cũng biết sử dụng hầm biogas an toàn và hậu quả là trong thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ tai nạn dẫn đến tử vong do ngạt khí độc.

Những tai nạn đáng tiếc

Cách đây chưa lâu, dư luận bàng hoàng trước thông tin ba người tử vong do ngạt khí hầm biogas ở xóm Đồng, xã Tân Bình, huyện Châu Thành (Đồng Tháp).

Trước đó, tại trại chăn nuôi của bà Nguyễn Thị Thanh ở ấp Lợi An, xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang), hai nạn nhân đã tử vong tại chỗ, hai người khác phải đi cấp cứu tại bệnh viện.

Một vụ việc đau lòng khác xảy ra tại gia đình anh Nguyễn Văn Sơn, ở xã Trung Hà (Thủy Nguyên, Hải Phòng) làm một người chết và hai người đi cấp cứu cũng do ngạt khí từ hầm biogas.

Trong tai nạn liên quan đến sử dụng hầm biogas, nhiều người bất ngờ bị cướp đi mạng sống. Thấy màng sinh học trong hầm ủ khí dày biogas lên, lượng khí lên ít, ông Lê Ðình Thạch, ở Xuân Khuê, Lý Nhân (Hà Nam) tháo nắp, bơm nước ra rồi dùng thang dây xuống hầm rửa hố biogas, bị ngất và chết ngay do ngạt khí độc. Con trai ông và hai người hàng xóm nhảy xuống cứu nhưng vì khí độc quá nhiều nên cũng tử vong.

Gần đây nhất là trường hợp tử vong do ngạt khí gas của 2 anh em ruột ở xã Hạ Mỗ, huyện Ðan Phượng (Hà Nội). 

Theo như số liệu được đưa ra tại một cuộc hội thảo gần đây do Đại sứ quán Thụy Điển và Trung tâm Hợp tác công nghệ môi trường Việt Nam tổ chức, hiện có gần 1 triệu công trình nhỏ và khoảng 400-500 công trình sử dụng hầm khí biogas quy mô vừa và lớn trên toàn quốc; cấp khí cho nấu ăn, thắp sáng, phát điện…

Nhưng có một thực tế, số lượng hầm biogas tăng lên nhưng trình độ sử dụng và xử lý khi có sự cố hầm biogas thì chưa có nhiều người thông thạo.

Sử dụng hầm biogas thế nào là an toàn?

Trao đổi với phóng viên CAND, kỹ sư Tạ Đức Trung - Công ty Hưng Việt, Khu CN Hiệp Hòa, Bắc Giang (là một trong những công ty cung cấp hầm, lắp đặt hầm biogas) cho biết: Khi hầm khí biogas có hiện tượng đóng váng (màng sinh học dày lên) khiến khí gas lên ít, người dân không được tự ý vệ sinh hầm mà cần báo cho kỹ thuật viên. Người dân có thể tự xử lý nhưng trước đó phải mở nắp hầm ủ khí một thời gian dài để khí mêtan bay hết, sau đó dùng gậy chọc phá màng sinh học, bơm nước vào để đẩy lớp váng ra. Sau khi chọc thủng lớp váng, phải chờ vài tiếng mới được mở nắp hầm. Tuyệt đối không tự xuống hầm ủ khí trong bất cứ trường hợp nào.

Kỹ thuật viên hướng dẫn hộ dân kỹ thuật sử dụng hầm khí biogas an toàn tại Hạ Mỗ (Đan Phượng, Hà Nội).

Sử dụng hầm biogas cần bảo đảm các yêu cầu: nguồn phân, nước phân sử dụng không pha trộn các hóa chất; phân thải cần được nạp đều đặn hằng ngày; định kỳ 6 tháng vét bã trên tầng áp lực một lần; 5 năm vét bã trong tầng hầm chứa gas và 10 năm vét hầm một lần. Khi có sự cố xảy ra cần phải có sự kiểm tra và hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.

Để đem lại hiệu quả cao nhất, an toàn thì người chăn nuôi nên sử dụng hầm biogas bằng công nghệ composite, vừa bền, tiện lợi hơn so với hầm biogas xây bằng gạch.

Kỹ sư Tạ Đức Trung -  Công ty Hưng Việt khuyến cáo:

Khi vệ sinh hầm hoặc sửa chữa, cần phải tuân theo các bước sau: Lấy toàn bộ phân ra ngoài và chờ bể phân huỷ khô; phải đợi cho khí gas thoát ra hết. Có thể dùng cành cây hoặc dùng quạt thổi không khí bên ngoài vào để đẩy khí gas ra. Người làm ở dưới hầm nhất thiết phải có người ở trên theo dõi. Người xuống hầm phải buộc dây để người ở trên thường trực kịp thời kéo lên khi gặp sự cố, nếu thấy mùi khí lạ, khó thở phải lên ngay.

Với các trường hợp ngạt khí khi xuống hầm biogas, tử vong rất nhanh nên cấp cứu tại chỗ rất quan trọng. Phải kéo người bị ngạt ra nơi thoáng mát, thoáng khí, nhanh chóng hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt, bóp bóng...) để họ thở dễ dàng, nhanh hồi tỉnh.

Lưu Hiệp
.
.
.