Để Cần Thơ không chỉ có... Bến Ninh Kiều

Thứ Sáu, 30/06/2006, 08:00
Ngành Du lịch Cần Thơ nhận được rất nhiều ý kiến "than phiền" từ phía du khách về sự "nghèo nàn" sản phẩm du lịch. Có người nhận xét: "Cần Thơ chỉ có bến Ninh Kiều"…

Năm vừa qua, lượng khách du lịch đến Cần Thơ đạt 462.000 lượt người, trong đó có khoảng 100.000 lượt khách quốc tế, còn lại là du khách nội địa; doanh thu thuần đạt 214 tỉ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân trong 5 năm (2000-2005) đạt 22%.

Đây là những con số không phải "dễ có" nhưng khi đối chứng lại tiềm năng "gạo trắng nước trong" của vùng đất vốn được phong "Tây Đô", nhiều người cho rằng nó chưa tương xứng, nếu không nói "gà… chưa đẻ trứng vàng".

Đến Cần Thơ để... ngủ

Là đô thị có dòng Mê Kông ngang qua 65km, Cần Thơ có rất nhiều tiềm năng du lịch. Ngoài hệ thống cù lao (cồn Ấu, cồn Cái Khế, cồn Khương, cồn Sơn, cồn Tân Lộc) nằm giữa dòng sông Hậu - nhánh sông lớn quan trọng của dòng Mê Kông, gắn với nhiều cảnh quan thiên nhiên sông nước miệt vườn (như: bến Ninh Kiều, chợ nổi Cái Răng - Phong Điền, vườn cò Bằng Lăng, các khu du lịch vườn Mỹ Khánh, Thủy Tiên…), Cần Thơ còn có 14 điểm di tích văn hóa, lịch sử được xếp hạng (có 9 di tích cấp quốc gia như mộ nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị, đình Bình Thủy, chùa Ông, làng cổ Bình Thủy - lộ Vòng Cung, chợ cổ Cần Thơ...), có lễ hội truyền thống, có Nông trường Sông Hậu, Cờ Đỏ, có ĐH Cần Thơ, Viện lúa ĐBSCL - những trung tâm KHKT, đào tạo có tầm cỡ của vùng.

Từ nhiều năm nay đã hình thành 4 loại hình du lịch được ưa thích là du lịch sinh thái sông nước, du lịch văn hóa, truyền thống, du lịch vườn và du lịch gắn với hội nghị, hội thảo, khen thưởng triển lãm. Tuy nhiên, một thực tế mà ngành Du lịch Cần Thơ xem đó là "hạn chế" chính là sản phẩm du lịch của Cần Thơ gần như chẳng có gì đặc sắc nếu không nói là nghèo nàn. Đây cũng là thực trạng chung của du lịch miền Tây.

Ông Võ Văn Lủy - người từng giữ trọng trách Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cần Thơ cũ, hiện là Trưởng ban Quản lý các KCN và Chế xuất Cần Thơ cho biết: "Nhiều chủ doanh nghiệp thú thật với tôi rằng, chỉ cần xuống tới Tiền Giang, Bến Tre… là biết hết du lịch của miền Tây rồi. Bởi ở đâu cũng du lịch miệt vườn, cũng sông nước, cũng đờn ca tài tử…

Nhiều du khách là giới doanh nhân nước ngoài khi làm việc xong ở Cần Thơ, miền Tây rồi, họ cho biết phải về TP Hồ Chí Minh để đánh golf. Còn muốn tìm những khu nghỉ dưỡng, những resort - nơi du khách muốn "trốn" vào đó để "thoát" ra khỏi cuộc sống náo nhiệt, hoặc áp lực công việc, khiến họ thường xuyên bị "stress" thì Cần Thơ cũng chưa có".

Theo phân tích của ngành Du lịch Cần Thơ, trung bình mỗi du khách đến Cần Thơ, mỗi ngày chi tiêu khoảng 444.555 đồng, trong đó chi tiêu cho ăn uống, nghỉ ngủ hết 77,69% trên tổng chi phí. Có du khách buông một câu: "Đến Cần Thơ chỉ để ngủ". Nhưng chuyện chăm lo cho khách ngủ nghỉ của Cần Thơ cũng chưa thật sự "có nghề".

Ông Lủy cho biết, trình độ nghiệp vụ du lịch của hầu hết nhân viên trong hệ thống nhà hàng, khách sạn tại Cần Thơ hiện còn quá hạn chế. Khi khách có nhu cầu thông tin về Cần Thơ nói chung, điểm dừng chân mà người ta định ghé thăm thì chưa chắc nhân viên nào cũng làm thỏa mãn khách được. Một điều dễ hiểu là lực lượng lao động trong ngành Du lịch có khoảng 2.300 người nhưng "hầu hết chưa được đào tạo chính quy, bài bản".

Còn nhiều yếu kém, tồn tại mà lãnh đạo Sở Du lịch cũng không giấu giếm: Mối quan hệ, liên kết với các tỉnh ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh còn hạn chế; cơ sở vật chất phục vụ du lịch không đồng bộ (phần lớn là vừa và nhỏ); du lịch vườn phát triển tự phát, trùng lắp; thị trường du lịch lữ hành còn nhỏ lẻ, công tác xây dựng tour tuyến chuyển biến chậm; việc đầu tư triển khai các dự án đầu tư cho phát triển cơ sở vật chất và hạ tầng du lịch chưa được quan tâm đúng mức.

Cần 2.007 tỉ đồng!

Theo dự kiến, cuối năm 2008, cầu Cần Thơ, sân bay Trà Nóc sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng. Tranh thủ thêm những cơ hội mới này, chính quyền và ngành Du lịch Cần Thơ đang nỗ lực, thực hiện và đạt được mục tiêu: "Cần Thơ là điểm đến du lịch lý tưởng - an toàn - thân thiện", là nơi "hội tụ của văn minh sông nước Mê Kông". Nhiệm vụ giai đoạn 2006-2010 là tập trung xây dựng các khu du lịch cồn Ấu, cồn Cái Khế, cồn Khương gắn với du lịch sông nước miệt vườn; tập trung xây dựng, hoàn thành ít nhất 2 khách sạn từ 4-5 sao gắn với hội nghị, hội thảo phát huy tối đa lợi thế trung tâm trung chuyển khách của vùng.

Trường Trung học Du lịch Cần Thơ cũng sẽ đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bằng; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, đẩy nhanh xã hội hóa du lịch; xây dựng khu Trung tâm Văn hóa Tây Đô (đã được Thủ tướng Chính phủ duyệt chủ trương, diện tích trên 150ha, kinh phí trên 6.000 tỉ đồng), đáp ứng yêu cầu là nơi giáo dục truyền thống, tổ chức lễ hội, du lịch vui chơi, giải trí cho cả vùng và giữ gìn bản sắc văn hóa miền Tây.

Mục tiêu cụ thể mà Cần Thơ phấn đấu đạt được trong năm 2010 là có 220.000 lượt khách quốc tế (đến 2020 là 800.000 lượt), 800.000 lượt khách nội địa có lưu trú (đến 2020 là 2,6 triệu lượt) và 1 triệu lượt khách dừng chân, tham quan trong ngày (năm 2005 là 785.000 lượt). Doanh thu của du lịch cũng phấn đấu đạt 1.072 tỉ đồng (năm 2020 là 8.638 tỉ đồng). Theo ông Đinh Viết Khanh, để hoàn thành 14 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch và dự án đầu tư phát triển du lịch (từ 2006-2020), cần có nguồn vốn 2.007 tỉ đồng.

Ngành Du lịch cũng vừa đưa ra dự thảo về các chính sách và 8 giải pháp thực hiện. Cần Thơ cũng đề nghị Chính phủ, Bộ, ngành TW đưa một số dự án trọng điểm của du lịch Cần Thơ vào danh mục dự án kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước cấp quốc gia; hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch bằng nguồn ngân sách TW hoặc vốn ODA.

Riêng đối với Tổng cục Du lịch, Cần Thơ kiến nghị cần sớm tiến hành quy hoạch tổng thể phát triển du lịch ĐBSCL thuộc vùng du lịch trọng điểm Nam Bộ để phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng để thu hút khách du lịch; xác định vị trí quan trọng của Cần Thơ - trung tâm tiểu vùng du lịch Tây Nam Bộ trong chiến lược phát triển du lịch ĐBSCL và cả nước, để có cơ sở hỗ trợ về vốn đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch theo chương trình mục tiêu, hỗ trợ kinh phí tuyên truyền quảng bá xúc tiến du lịch và đào tạo nguồn nhân lực

Thái Bình
.
.
.