Đẩy mạnh phòng chống ma túy học đường trên địa bàn Quảng Trị
Theo thống kê, năm 2008, quy mô ngành Giáo dục Quảng Trị ngày càng có bước phát triển mạnh mẽ. Tổng số sinh viên các trường THCN, CĐ, ĐH trên địa bàn là 3.920 em. Số học sinh trung học phổ thông là 31.336 em, Bổ túc THPT là 3.554 em, trung học cơ sở là 56.508 em...
Nhìn chung, phần lớn HSSV đều có chí tiến thủ cao, ý thức học tập tốt, được sống, tham gia sinh hoạt vui chơi trong môi trường lành mạnh. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui đó, không ít HSSV có nhiều biểu hiện xuống cấp về đạo đức và ý thức học tập, sa đà vào các loại tệ nạn, các loại hình văn hóa thiếu lành mạnh dẫn đến kết quả học tập giảm sút. Trong đó, đáng buồn là không ít em đã bị nạn ma túy lôi kéo, tác động.
Năm 2008, theo số liệu của cơ quan chức năng, thống kê được trong học đường có 14 đối tượng là HSSV liên quan đến ma túy, tập trung tại địa bàn thị xã Đông Hà và huyện Hướng Hóa. Đây chính là những con số đáng báo động mà mỗi chúng ta không khỏi giật mình.
Đứng trước những thách thức không nhỏ đó, đặt ra cho đội ngũ những nhà giáo dục và các cơ quan chức năng có liên quan nhiều vấn đề rất cần phải giải quyết nhanh chóng, kiên quyết, đồng bộ để trả lại cho môi trường văn hóa học đường đúng với bản chất yên bình, lành mạnh của nó.
Trên thực tế, những năm vừa qua, ngành Giáo dục đã chủ động phối hợp với nhiều ban, ngành như Công an, Đoàn Thanh niên, Phụ nữ đẩy mạnh nhiều biện pháp phòng chống tệ nạn ma túy xâm nhập học đường.
Trước hết chính là công tác tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho HSSV thấy được tác hại của ma túy đối với chính bản thân, gia đình và xã hội. Các biện pháp tuyên truyền giáo dục được thể hiện dưới nhiều hình thức phong phú đa dạng, thiết thực như xây dựng mô hình "Tuổi trẻ nói không với ma túy", "Vì mái trường không có tội phạm ma túy"...
Qua đó thu hút hàng ngàn HSSV tham gia sinh hoạt đạt kết quả hết sức rõ rệt. Toàn ngành Giáo dục đã nhân rộng các phong trào Dạy tốt, học tốt, đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về ma túy và tác hại của ma túy, lồng ghép dạy học với tuyên truyền về ma túy trong từng tiết học kết hợp dã ngoại... nhằm thường xuyên giáo dục đạo đức cho các em.
Một biện pháp khác là nhiều trường học tổ chức ký cam kết giữa trường với gia đình, giữa trường với HSSV, giữa ngành Công an với nhà trường... để đoàn viên, HSSV không vi phạm pháp luật hoặc mắc các tệ nạn xã hội và tích cực vận động người thân, bạn bè sống làm việc theo hiến pháp, pháp luật.
Tôi đến Trường THPT Lê Lợi vào trung tuần tháng 9, đúng lúc toàn trường đang tổ chức lễ ký cam kết về thực hiện ATGT và phòng chống ma túy, các tệ nạn xã hội, xây dựng trường học thân thiện - học sinh tích cực. Dưới sự chứng kiến của các cơ quan chức năng, các bậc phụ huynh... trên 1.500 học sinh nhà trường đã hồ hởi ký vào bản ghi nhớ về nói không với ma túy và những việc không được phép làm khác.
Bên cạnh đó, cùng với ngành Giáo dục, các cơ quan chức năng như ngành Công an đã chủ động tiến hành nhiều biện pháp không chỉ triệt phá hoạt động buôn bán, tàng trữ, sử dụng ma túy ngoài xã hội mà còn tổ chức tốt công tác phòng ngừa, hướng dẫn trường học phòng tránh ma túy.
Tuy nhiên, bên cạnh những cố gắng ấy, chúng ta vẫn không khỏi xót lòng khi thấy tệ nạn ma túy đã ít nhiều tác động đến học đường, ảnh hưởng đến một bộ phận HSSV. Sự chủ động và tích cực của ngành Giáo dục cùng nhiều cấp ngành liên quan khác không thể thay thế hết vai trò từ phía gia đình.
Vì thế, mỗi gia đình, mỗi bậc phụ huynh trước hết hãy phát huy vai trò chủ động, nòng cốt của mình để góp phần cùng với nhà trường và toàn xã hội, chung tay đẩy lùi nạn ma túy ra khỏi những mái trường, nhằm bảo vệ an toàn môi trường văn hóa giáo dục, vì một thế hệ tương lai tươi sáng