"Đây lắng hồn núi sông nghìn năm"
Cây cầu Đuống vốn là điểm giao thông huyết mạch của các tỉnh phía Bắc và các huyện ngoại thành Hà Nội vào trung tâm mới được sửa sang đẹp đẽ. Đi trên cây cầu Đuống với lớp sơn mới, mặt cầu không còn rung rinh, chao đảo, không còn nhìn thấy sóng nước qua lỗ thủng mặt cầu… ai cũng phấn khởi và yên tâm.
Tuyến phố Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên) đi tới cầu Chương Dương cũng ngập tràn sắc đỏ cờ hoa, băng rôn chào mừng Đại lễ. Con đường mới mở rộng, tạo bộ mặt mới thoáng đãng cho cửa ngõ Thủ đô.
Trước đây, người dân ngoại thành phía Bắc đi vào nội thành đều phải đi qua cây cầu duy nhất bắc qua sông Hồng là cầu Long Biên. Ấn tượng tuổi thơ tôi về cây cầu này là cầu rất dài, người đi bộ, xe đạp qua lại rất đông, ít xe máy, thi thoảng có chiếc ôtô và thường xuyên bị ùn tắc vì quá tải. Cầu Long Biên là bằng chứng lịch sử sống động, chứng kiến những bước thăng trầm của Thủ đô Hà Nội.
Huyện Thạch Thất - một huyện ngoại thành của Thủ đô Hà Nội mở rộng những ngày này cũng tưng bừng cờ hoa đón chào Đại lễ. Trước mỗi ngôi nhà, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong nắng vàng cuối thu. Trong từng ánh mắt, nụ cười của người dân nơi đây có sự tự hào, phấn khởi được đón ngày lễ trọng đại của Thủ đô.
Một công dân của xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất tâm sự: "Tôi cảm thấy vinh dự được là người dân Thủ đô chào đón thời khắc lịch sử. Con đường từ đây về trung tâm Thủ đô cũng thật thuận tiện và gần gũi".
Quả thật, Đại lộ Thăng Long - cao tốc hiện đại nhất Việt
Trong dịp Đại lễ, hàng loạt công trình gắn biển 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã được khánh thành, tạo dấu ấn đặc biệt như: Bảo tàng Hà Nội, tượng đài Bác Hồ, Bác Tôn, Công viên Hòa Bình, con đường gốm sứ ven sông Hồng…
Những ngày này, dòng người đổ về Thủ đô Hà Nội chiêm ngưỡng, thưởng thức các lễ hội văn hóa trong một tâm thế đặc biệt. Ai cũng mặc quần áo đẹp, háo hức tìm đến những địa điểm diễn ra các lễ hội văn hóa, các điểm vui chơi, đặc biệt là khu vực Hồ Gươm, bên tượng đài Lý Thái Tổ - người có công định đô tại đất Thăng Long làm "nơi thượng sư kinh đô mãi muôn đời".
Một điểm đến được đặc biệt chú ý trong dịp này chính là Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - dấu ấn lịch sử, kinh đô cổ của nước ta được công nhận là di sản văn hóa thế giới đúng vào thời gian Thăng Long tròn 1000 năm tuổi. Từ cuối tháng 9, khi Hà Nội bắt đầu trang trí đường phố, nhiều người đã tìm đến các tuyến phố trọng điểm như Điện Biên Phủ, Tràng Tiền, Hàng Khay, Tràng Thi… chụp ảnh và ngắm nhìn Hà Nội lung linh sắc mầu. Hồ Gươm được trang hoàng rực rỡ nổi bật trên nền trời Hà Nội. Từ đêm 30-9 đến nay, lúc nào quanh Hồ Gươm cũng chật kín người. Người Hà Nội, khách ngoại tỉnh, khách quốc tế dạo chơi quanh hồ trong khung cảnh nghìn năm có một.
Nhìn Hà Nội trong quá khứ và hiện tại, chúng ta có quyền tự hào về một Thủ đô có bề dày lịch sử và kết tinh văn hóa, đúng như lời hát: "Đây lắng hồn núi sông ngàn năm" trong bài hát "Người Hà Nội" của nhạc sỹ Nguyễn Đình Thi