Đầu tư cho bệnh viện tuyến dưới để giảm quá tải

Thứ Ba, 24/11/2009, 14:00
Chiều 23/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã báo cáo Thủ tướng về kết quả 4 chỉ tiêu mà Quốc hội giao cho ngành Y tế đã đạt được tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng với Bộ Y tế.

Đó là giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em xuống còn 19%; giảm tỷ lệ sinh xuống còn 2o/oo sau 4 năm không đạt; tăng số giường bệnh từ 25 đến 28 giường bệnh/1 vạn dân; xử lý chất thải rắn tại các cơ sở y tế.

Ngoài ra, các kết quả phòng chống dịch bệnh các tuyến đều có tiến bộ. Tuy nhiên, vấn đề "nóng" được các vị lãnh đạo cao cấp và tất cả người dân rất quan tâm là quá tải bệnh viện đã được cải thiện một phần, nhưng ở các bệnh viện chuyên khoa, tuyến Trung ương… tình trạng quá tải vẫn gia tăng. Công suất sử dụng giường bệnh tại các bệnh viện tuyến trung ương hiện từ 200 - 250%. Tỷ lệ quá tải ở các bệnh viện tuyến Trung ương là gần 150%, tuyến tỉnh là 125%, huyện là 115%.

Với tình trạng trên, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu kiến nghị với Thủ tướng, tiếp tục thực hiện chương trình kỹ thuật chuyên sâu y tế tại 4 trung tâm Hà Nội, TP HCM, Huế - Đà Nẵng và Cần Thơ; cho phép thí điểm việc các bệnh viện công còn quỹ đất được đầu tư theo hình thức góp vốn để nhanh chóng có các cơ sở y tế chất lượng cao; sử dụng nguồn vốn trái phiếu để xây dựng ký túc xá trong các trường Đại học Y tại Thái Bình, Hải Phòng, TP HCM và Hà Nội.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương Bộ Y tế đã hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội đề ra 2 năm vừa rồi, trong điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn, giá cả, lạm phát tăng cao...

Để hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ Y tế cần có biện pháp huy động trí tuệ, tài năng của đội ngũ thầy thuốc để giải quyết các tồn tại của ngành Y tế nước nhà, vì vấn đề con người là quan trọng nhất. Cần có kế hoạch cụ thể giải quyết tình trạng quá tải tập trung ở các bệnh viện tuyến cuối, bệnh viện chuyên khoa. Chính phủ đã đầu tư 8.700 tỷ đồng cho các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện để chống quá tải

Thanh Loan
.
.
.