Đầu tư 20 tỷ đồng cải thiện chất lượng “yếu kém” trong vận tải đường bộ

Thứ Tư, 27/02/2013, 13:58
Nhằm khắc phục những tồn tại yếu kém tác động tiêu cực đến chất lượng dịch vụ vận tải đường bộ, ngày 26/2, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) đã tổ chức buổi họp bàn về Đề án “Đổi mới quản lý vận tải đường bộ theo hướng hiện đại, hiệu quả, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và giảm thiểu tai nạn giao thông”.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong hơn 10 năm qua, số lượng phương tiện kinh doanh đã tăng hơn 10 lần. Cả nước hiện có tới gần 103.000 xe khách và 620.000 xe tải các loại, với 2.681 doanh nghiệp, 586 hợp tác xã và hàng chục ngàn hộ kinh doanh cá thể. Thống kê của Tổng cục Đường bộ cho thấy, từ năm 2000, số hộ kinh doanh vận tải có bước phát triển nhanh chóng, đến nay chiếm 50% tổng số phương tiện. Theo khảo sát, có tới 60% các đơn vị vận tải khách tuyến cố định và gần 83% đơn vị vận tải khách theo hợp đồng chỉ có dưới 10 đầu xe/mỗi đơn vị.

“Đa số các đơn vị vận tải có quy mô nhỏ lẻ, manh mún nên việc quản lý các điều kiện về an toàn giao thông và chất lượng dịch vụ chưa được quan tâm đúng mức”, ông Trần Quang Bình, Vụ trưởng Vụ Vận tải và Pháp chế (Tổng cục Đường bộ) thừa nhận.

Chất lượng dịch vụ và an toàn xe khách luôn là nỗi lo của người dân khi lưu thông.

Trước thực tế trên, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết, đổi mới quản lý vận tải đường bộ là một nội dung mang tính tổng thể và dài hơi, song ngay trong năm 2013 và 2014 sẽ xác định những nội dung yếu kém, bức xúc nhất để tập trung giải quyết thật hiệu quả: Tập trung quản lý trách nhiệm chủ xe, chủ doanh nghiệp, trách nhiệm lái xe; tập trung quản lý taxi, bến xe, trạm dừng nghỉ... thúc đẩy quá trình tái cơ cấu lại lực lượng vận tải, hướng tới cạnh tranh lành mạnh, hiệu quả, hội nhập quốc tế.

Theo đó, với quản lý vận tải hành khách, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tập trung nghiên cứu, xây dựng các tiêu chí đánh giá và phân hạng chất lượng dịch vụ đối với từng loại hình kinh doanh, gồm: Chất lượng phương tiện; lái xe và nhân viên phục vụ; hành trình; tổ chức, quản lý của đơn vị; quyền lợi của hành khách.

Dựa trên các tiêu chí này, Tổng cục Đường bộ sẽ tiến hành phân loại hạng chất lượng dịch vụ vận tải. Vận tải hành khách tuyến cố định, du lịch và xe hợp đồng được phân thành 5 hạng từ 1 “sao” đến 5 “sao” với thang điểm đánh giá là 100 điểm. Vận tải hành khách bằng xe buýt được phân thành 2 hạng gồm hạng 2 “sao” và 3 “sao”, thang điểm đánh giá là 100 điểm. Vận tải hành khách bằng xe taxi được phân thành 3 hạng gồm hạng 3, 4, 5 “sao”, thang điểm đánh giá là 90 điểm.

“Chúng ta không nên thực hiện cào bằng sự kiểm tra, giám sát giữa các đơn vị vận tải bởi làm như thế sẽ không thể quản lý được ai. Những doanh nghiệp xếp loại tốt (4-5 sao) nên khuyến khích, tạo điều kiện phát triển và nhân rộng, đồng thời quản lý chặt đối với các đơn vị làm chưa tốt (1-2 sao)”, ông Quyền bày tỏ quan điểm.

Đề cập đến kinh phí xây dựng Đề án, ông Quyền khẳng định, thời gian thực hiện đề án mà Tổng cục Đường bộ đưa ra từ 2013-2015 với tổng kinh phí thực hiện ước tính trên dưới 20 tỷ đồng bằng nhiều nguồn vốn. “Nguồn kinh phí này Tổng cục mới chỉ đề xuất mà chưa chốt chính thức mức kinh phí cụ thể vào Đề án vì phải xác định tổng mức đầu tư vào các dự án thành phần”, ông Quyền cho biết. Ngoài ra, ông Quyền cũng thẳng thắn đánh giá, Đề án đổi mới quản lý vận tải có tính khả thi cao dựa trên sự nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quản lý vận tải một số nước như: Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Tây Ban Nha

Đặng Nhật
.
.
.