Đấu thầu thuốc vào BV: Quyền lợi người bệnh phải đưa lên hàng đầu

Thứ Năm, 05/09/2013, 08:17
Cục Quản lý Dược (QLD), Bộ Y tế quản lý phần “ngọn”. BHYT rõ ràng là chi tiền cho thuốc BHYT của BV, “thuê” BS ra toa, BV chi trả cho hợp lý trên số tiền BHYT bệnh nhân đóng nhưng rõ ràng là không quản lý nổi bên dưới. Giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh bức xúc.

Hơn 2 tháng qua, tại TP Hồ Chí Minh, trong khi các nhà quản lý chưa ngã ngũ được vấn đề tổ chức đấu thầu thuốc tập trung thì tình trạng mà người bệnh đang phải gánh đó là thiếu thuốc điều trị, còn các bác sĩ thì ngạc nhiên vì danh mục thuốc xuất hiện nhiều loại chưa từng thấy trong Y văn về hàm lượng thuốc.

Đặc biệt, ở nhiều loại thuốc kháng sinh có những hàm lượng rất khác biệt so với dược điển đã có mặt tại Việt Nam, hay các mặt hàng thuốc tim mạch và tiêu hóa. Nếu như các hoạt chất Amoxicillin (kháng sinh thông thường) có hàm lượng trước đây là 250mg/125mg (viên nén); 250mg/31ml (loại gói) thì loại thuốc Jenimax do một công ty của Hàn Quốc sản xuất, được nhập vào Việt Nam và trúng thầu trong năm 2013, lại có hàm lượng 250mg+50mg.

Đặc biệt hơn trong danh mục thuốc tại một BV TP Hồ Chí Minh có nhiều loại thuốc có hàm lượng “quái chiêu” hơn như  Broncocef (trị viêm phế quản), mang hàm lượng 250mg/4mg do một công ty ở TP Hồ Chí Minh sản xuất. Theo một BS chuyên về hô hấp, việc hàm lượng phối hợp này không có ý nghĩa gì trong điều trị. Hay loại thuốc Pilcell, được ra trong toa thuốc cho bệnh nhân mắc bệnh viêm gan B mãn tính, do một công ty tại VN sản xuất có hàm lượng có: 3mg.

Được dùng thuốc đúng giá và có chất lượng điều trị luôn là mong mỏi của bệnh nhân.

Một BS khoa Nhiễm tại BV 175 cho hay: Cùng hoạt chất điều trị bệnh này thông thường là hàm lượng 25mg thì chỉ định cho bệnh nhân đã là 46 viên/ngày. Vì vậy với loại thuốc có 3mg không hiểu ra toa thuốc cho BN kiểu gì cho phù hợp?”.

Trao đổi với ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh phân tích: Nan giải nhất hiện nay với BHXH Việt Nam là quản lý giá thuốc trong danh mục. Nhiều khi danh mục thuốc BV đưa lên, với vai trò thông qua các BS ra toa thuốc hợp lý đảm bảo giữ được quỹ BHYT, nhưng rõ ràng là BHYT không thể can thiệp được việc đưa hay loại bỏ loại thuốc nào trong danh mục thuốc BV. Thậm chí phải giải trình được với phía BV là tại sao không cho thuốc này, thuốc kia vào danh mục. Nếu không giải thích được coi như phải chấp nhận việc “qua mặt”.

Mặt khác cũng theo ông Sang, tại mỗi BV, hội đồng thuốc chủ yếu duyệt về hoạt chất. Là chủng loại là chính. Còn tên thương mại thuốc thì Ban Giám đốc, khoa Dược quyết định. Thuốc nào, của hãng nào (cùng công dụng điều trị, chất lượng ngang nhau) thì do Giám đốc và khoa Dược quyết định. Và đây đã thành “luật” trong BV. Mà tên thương mại khác thì giá cũng khác nhau.

Cục Quản lý Dược (QLD), Bộ Y tế quản lý phần “ngọn”. BHYT rõ ràng là chi tiền cho thuốc BHYT của BV, “thuê” BS ra toa, BV chi trả cho hợp lý trên số tiền BHYT bệnh nhân đóng nhưng rõ ràng là không quản lý nổi bên dưới. Ông Sang bức xúc.

Ngày 30/8 vừa qua, BHXH Việt Nam đã có Công văn số 3352/BHXH-DVT gửi tới UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị BHXH TP Hồ Chí Minh khẩn trương thống nhất với Sở Y tế báo cáo UBND TP hướng dẫn việc mua sắm thuốc theo đúng trình tự qui định hiện hành. Việc chọn lựa mua thuốc của các cơ sở khám chữa bệnh cần xem xét tính hợp lý về số lượng và giá cả giữa các nhóm thuốc để đề xuất chọn lựa các loại thuốc điều trị và phù hợp với khả năng chi trả của quỹ BHYT. Việc lựa chọn thuốc dựa trên kết quả trúng thầu thuốc của địa phương và sử dụng giá thuốc phổ biến sẽ giúp tiết kiệm được nhiều nguồn lực tài chính cho BV và đem lại lợi ích thiết thực nhất cho người bệnh

H.Nga
.
.
.