Dâu tây Trung Quốc đội lốt dâu Đà Lạt tràn phố Hà Nội

Chủ Nhật, 08/12/2013, 13:20
Tại các chợ đầu mối Long Biên – Hà Nội, dâu tây được nhập về hiện nguyên hình là hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, khi về đến các chợ bán lẻ, bán rong… dâu tây Trung Quốc lại biến hình thành dâu tây Đà Lạt chính hiệu!

Hơn tuần nay, tại nhiều tuyến đường ở Hà Nội như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Phong Sắc kéo dài, Xuân Thủy, đường Vành đai 3… có hàng trăm điểm bán dâu tây di động với các bảng quảng cáo “dâu tây Đà Lạt chính hiệu, ngọt và ngon lắm”, “Đặc sản dâu tây Đà Lạt”, “dâu Đà Lạt 100%”…  Những sạp hàng di động được kê qua quýt bằng các miếng xốp ghép lại, để trên yên chiếc xe tự chế rong ruổi qua khắp các con phố.

Anh Nguyễn Đình Khánh (quê trị trấn Bần, Hưng Yên), người bán dâu tây trên đường Vành đai 3 quả quyết: “Dâu tây Đà Lạt chính hiệu 100%, vừa đi máy bay ra lúc 1h đêm, tươi và ngọt lắm”. Ai đến hỏi mua, anh Khánh cũng khẳng định dâu Đà Lạt để khách hàng tin tưởng. Mỗi hôm Khánh cũng bán được một thùng 14kg với giá bán “trên trời” khoảng 300.000 – 350.000 đồng/kg. Tính ra mỗi ngày Khánh lãi hàng triệu đồng nhờ xe dâu tây nhỏ này. Trên phố Trần Thái Tông, người bán dâu tây nhan nhản, hàng nào hàng nấy đều treo biển dâu tây Đà Lạt. Khi khách hàng thắc mắc, họ đều khẳng định nếu không phải dâu tây Đà Lạt cho thêm tiền. Những quả dâu tây đầy tăm tắp, to, màu đỏ tươi, cuống lá to còn tươi rói trông rất hấp dẫn.

Để tìm hiểu nguồn gốc của dâu tây, trong vai một người mới đi buôn hàng nhờ bác Trung (người có 8 năm bán hoa quả rong, quê Đan Phượng, Hà Nội) dẫn mối, chúng tôi có mặt tại chợ Long Biên. Tại đây, cứ vào 1h sáng, hàng chục xe tải, loại 6 tấn cập bến, chứa đầy các hộp dâu tây. Là mối quen lâu năm, bác Trung mua tới 2 thùng dâu 12kg. “Buôn dâu Đà Lạt mùa này để ăn cám à, làm gì có lãi. Cứ lấy dâu này về, lọc những quả thối, quả nát rồi gắn mác dâu Đà Lạt vào bán tầm 300.000 đồng/kg cũng lãi ít là gấp đôi, cứ yên tâm”, bác Trung nói nhỏ. Tại chợ dâu được đóng thành từng thùng 12kg, 14kg, ngoài hộp dán chi chít chữ Trung Quốc.

Dâu tây Trung Quốc đội lốt dâu tây Đà Lạt trên phố Hà Nội.

Theo các nhà xe, dâu tây này được mua buôn tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, sau khi nhận đủ hàng thì chở về chợ Long Biên phân phối cho các dân buôn nhỏ lẻ. Dâu tây xuất buôn được chia làm 2 loại dựa theo chất lượng, dâu ngon, quả to có giá buôn khoảng 80.000 đồng/kg, dâu nhỏ, xấu hơn giá từ 40.000-50.000 đồng/kg. Chị Phượng, chủ đại lý dâu tây Trung Quốc lớn ở chợ Long Biên cho hay: “Làm gì có dâu Đà Lạt, dâu Đà Lạt mùa này hiếm lắm, nhanh hỏng giá lại cao (150.000 - 200.000 đồng/kg), vận chuyển đường xa rủi ro nhiều nên giới buôn chuyển hết sang nhập dâu Trung Quốc vừa đẹp lại rẻ, bảo quản được lâu”.

Mặc dù ùn ùn nhập về nhưng khi về các chợ lẻ, dâu tây Trung Quốc được phù phép, cắt bỏ nhãn mác thành dâu tây Đà Lạt. Trong khi đó, người tiêu dùng thì không hoài nghi. “Tôi thấy dâu đẹp, tươi, quả to là mua thôi”, một người mua hàng ở khu đô thị Nam Trung Yên cho hay. Anh Nguyễn Hoàng Linh, một chủ đại lý buôn dâu tây Đà Lạt chính hiệu ở 60 Khương Đình, Thanh Xuân cho biết, hơn 2 tháng nay cửa hàng đã không còn buôn dâu tây nữa do lượng hàng khan hiếm quá, quả xấu, giá nhập buôn quá cao, khoảng 150.000 đồng/kg dâu đẹp, tính cả chi phí vận chuyển, dập nát khi ra đến Hà Nội dâu tây đã phải lên tới gần 200.000 đồng/kg bán không có lãi. Với kinh nghiệm nhiều năm buôn dâu tây từ Đà Lạt ra Hà Nội, anh Linh khẳng định 100% dâu bán trên đường phố hiện nay là dâu nhập từ Trung Quốc.

Giải thích về việc dâu tây Trung Quốc đội lốt dâu Đà Lạt tràn lan, anh cho rằng đó chủ yếu do người bán ham lợi nhuận và tâm lí sợ ăn đồ Trung Quốc của người dân. Hầu hết họ đều biết hàng Trung Quốc độc hại nhưng giá nhập thấp, bán ra giá cao ngất trời, lợi nhuận tính theo cấp số nhân. Để phân biệt tránh tiền mất tật mang, khách hàng nên quan sát kĩ trước khi mua. Dâu tây Trung Quốc có màu đỏ tươi như hàng nhuộm, cứng cáp, cuống lá xanh và quả rất to. Trong điều kiện thường (25 – 32 độ) thì có thể bảo quản được từ 4 – 5 ngày. Khi ăn sẽ có cảm giác bở nhạt, không có vị ngọt và chua, có mùi thơm nhẹ… Trong khi đó dâu Đà Lạt quả nhỏ, có vị chua thanh, chỉ bảo quản được 2 ngày ở điều kiện 15 độ C, còn trong điều kiện trời nắng thì chưa được 1 ngày. 

Không chỉ riêng dâu tây mà hiện nay trên thị trường Hà Nội có rất nhiều các loại nông sản hoa quả Trung Quốc như: gừng, tỏi, cam, nho, quýt, xoài, táo, cà rốt, hành tây, cải thảo, bắp cải… Tại các chợ đầu mối miền Bắc, hàng nông sản Trung Quốc được nhập về ồ ạt. Tuy nhiên, khi ra đến chợ lẻ, siêu thị, cửa hàng thực phẩm, hàng Trung Quốc lại vắng bóng. Các tiểu thương bán lẻ một mực khẳng định với khách hàng đó là hàng trong nước, hoặc nhập khẩu từ những nước khác chứ không phải hàng Trung Quốc để thu lợi nhuận lớn.

Dâu tây Đà Lạt không để được lâu trong nhiệt độ bình thường

Liên quan đến tình trạng này, trao đổi với phóng viên sáng 7/12, bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh – Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp TP Đà Lạt cho biết: Dâu tây Đà Lạt đang bước vào vụ thu hoạch rộ do mùa khô đã tới, giá dâu tây hạ nhiệt, đặc biệt với dâu trồng ngoài trời.

Thị trường chính của dâu Đà Lạt bao gồm TP HCM và Hà Nội. Tại thị trường Hà Nội, dâu Đà Lạt chủ yếu thuộc giống Mỹ đã được phân phối trong các hệ thống siêu thị, nhà hàng như hệ thống Co.op Mart, Big C… Dâu xuất trong các siêu thị này đều là dâu loại 1, được siêu thị hợp đồng với nông dân trồng theo tiêu chuẩn dâu an toàn nên giá cao hơn dâu ngoài thị trường, giá xuất tại vườn xấp xỉ 40 - 50 ngàn đồng/kg.

Dâu Đà Lạt hoàn toàn không dùng chất bảo quản nên không dể lâu được trong điều kiện bình thường. Nếu để ngoài không khí nhiệt độ phòng, dâu có thể tươi trong khoảng 2 ngày, trong điều kiện tủ lạnh khoảng 4 ngày. Điểm khác biệt của dâu Đà Lạt là có hương thơm nhẹ nhàng, trái dâu đặc ruột, cuống dâu xanh nhạt hơn dâu Trung Quốc.

Diệp Quỳnh

Hướng Dương
.
.
.