Đau lòng trước cảnh tận diệt chim trời

Thứ Năm, 11/10/2012, 14:59
Đến hẹn lại lên, khi những cánh đồng lúa ngả màu vàng đến kỳ thu hoạch, gió heo may ùa về thì cũng là thời điểm “tận diệt” chim trời lại đến. Trên khắp các cánh đồng của xứ Thanh mà chủ yếu là các huyện ven biển Nga Sơn, Hoằng Hoá, Quảng Xương, Tĩnh Gia… lưới được giăng trắng đồng. Bất kể con chim nào “xấu số” không may sa lưới đều bị vặt lông, mổ bụng cho lên bàn nhậu...
>> Tận diệt chim hoang dã bằng… công nghệ cao

Đã hơn 1 tháng nay, cứ mỗi buổi sáng sớm hay lúc chiều muộn, tại một số tuyến đường đông đúc người qua lại ở thành phố Thanh Hoá, người ta lại thấy xuất hiện những điểm bán “đặc sản” chim trời. Nhiều loại chim như cò, diệc, gà đồng, ngói… được bày bán tràn lan, chim đang sống hay thịt sẵn đều có để chiều lòng thực khách. Tiếng người đàn bà bán chim mời mọc: “Chị ơi mua chim đi: Cò 25.000đ; Gà đồng 30.000. Rẻ hơn thịt lợn, không mua nhanh là hết ngay đó”. Lân la hỏi chuyện, tôi mới biết chim được người đàn bà trên mua lại của một số người đánh bẫy ở các huyện: Quảng Xương, Hoằng Hoá. Ngày nào chị ta cũng chở 2 xe đầy chim lên phố để bán.

Lần theo đầu mối từ những người bán chim trời, chúng tôi tìm về xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương. Chạy qua khu công nghiệp Lễ Môn được một đoạn, hướng mắt về phía những cánh đồng mới gặt xong còn trơ cuống rạ, chúng tôi choáng váng trước cảnh cả cánh đồng mênh mông trắng lưới. Lều lán được mọc lên khắp nơi, những con chim mồi thi thoảng lại cất lên những tiếng kêu ai oán, rồi tung cánh bay trong vô vọng. Gặp ông M (quê ở xã Quảng Hùng), một tay săn chim có thâm niên hơn 10 năm cho biết: “Đây là thời điểm chim về nhiều, do vừa rồi có trận mưa lớn lại có gió lạnh nên có ngày tôi bẫy được cả trăm con chim, tính ra cũng kiếm được vài trăm nghìn. Vào mùa này không chỉ người dân xã tôi mà rất nhiều người dân xã khác cũng chọn nghề này để kiếm cơm, chim trời nhiều vô kể, không bắt thì người khác cũng bắt thôi”.

Chim sống lẫn chim đã làm thịt bày bán tràn lan trên hè phố.

Đồ nghề của giới chuyên bẫy chim gồm có lưới, nhựa, chim mồi, đặc biệt để dụ được những con chim trời sa lưới, cánh săn chim chuyên nghiệp còn dùng băng đĩa thu âm thanh của chúng rồi đem rải khắp cánh đồng dưới gần các con chim mồi để gọi bầy đàn. “Chim thường đi theo bầy, vì thế khi thấy chúng đang bay lượn trên cao, âm thanh tiếng chim được mở to, đồng thời giật dây cho chim mồi tung cánh. Ở trên cao đàn chim tưởng đồng loại gọi nên cũng sà xuống thế là dính bẫy” – ông M cho biết thêm.

Từ xã Quảng Vinh, chúng tôi ghé qua một số xã Quảng Giao, Quảng Hùng, Quảng Hải… của huyện Quảng Xương. Đi đến đâu cũng thấy lưới giăng trắng đồng, nhìn xa cứ tưởng nhầm làng nghề nào đó đang phơi vải lụa. Lưới giăng kín bưng như thế, đến con chuồn chuồn còn khó thoát chứ huống hồ gì chim.

Chim trời bị tàn sát, người dân thi nhau giăng bẫy trắng đồng, thế nhưng có một điều lạ là không có sự vào cuộc của chính quyền sở tại. Một vị chủ tịch xã nọ cho biết: “Việc bẫy bắt chim trời có từ lâu rồi và là nghề truyền thống của địa phương, chúng tôi không cấm. Địa phương cũng không nhận được công văn, chỉ đạo nào của cấp trên ngăn cấm việc săn bắt chim trời cả”. Phải chăng chính việc không quyết liệt vào cuộc, đã tạo ra một hệ luỵ đáng buồn là chim trời chẳng của riêng ai nên ai thích bắt thì bắt, chính vì thế mà những năm gần đây, cứ đến mùa chim, nhà nhà, người người thi nhau ra đồng để “tàn sát” chim trời. Nhìn những con chim giãy giụa trong vô vọng mà thấy thương cho số phận của những cánh chim.

Ông Phạm Văn Chiến, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thành phố Thanh Hoá cho biết: “Thời gian gần đây, chúng tôi cũng thấy có xuất hiện việc buôn bán chim trời trên địa bàn thành phố. Hạt Kiểm lâm thành phố cũng đã cử anh em xuống đấu mối với các phường để xử lý. Cái khó cho chúng tôi là chim thường được chuyển từ các vùng khác về, nên có bắt, có cấm họ chỗ này thì họ lại bán nơi khác và tìm mọi cách để đưa vào thành phố. Đem họ ra phạt theo Nghị định 99/CP của Chính phủ là rất khó, vì mức phạt quá cao. Để chấm dứt tình trạng trên, cần phải có sự vào cuộc của các ngành, các cấp, việc này không chỉ riêng của ngành Kiểm lâm mà còn nhiều ngành khác cũng phải mạnh tay hơn nữa, đặc biệt là chính quyền cấp xã. Có làm được như thế thì may ra việc tàn sát, buôn bán chim trời mới có thể chấm dứt được…”.

Thiết nghĩ, trước cảnh “tận diệt chim trời đang diễn ra khắp nơi, hơn lúc nào hết, các ngành chức năng cần phải vào cuộc một cách mạnh mẽ để ngăn chặn tình trạng trên, để những cánh chim mãi bay trên bầu trời bình yên. Xin đừng “tận diệt” chim trời vì đó là hành động phá hoại môi trường

Thái Thanh
.
.
.