Đau đáu về một vùng chè cổ

Thứ Tư, 07/08/2013, 02:43
Có một thực tế là ở Suối Giàng, thu nhập từ cây chè vẫn chưa đảm bảo được cho cuộc sống của người dân bởi, giá chè búp tươi thu mua trong các vụ vẫn là rất thấp khi các sản phẩm chè Shan tuyết chưa có thương hiệu trong thị trường vùng và các tỉnh lân cận.

Lời ghi trong sổ lưu niệm của xã Suối Giàng về phát biểu của viện sĩ K. M. Djemmukhatze (thuộc Viện Sinh hóa A. Ba Cu, Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô) trong chuyến đến đây nghiên cứu vào những năm 60 của thế kỷ XX có đoạn như sau: “Tôi đã đi qua 120 nước có chè trên thế giới, nhưng chưa thấy ở đâu có cây chè lâu năm như ở Suối Giàng. Phải chăng, đây là Tổ quốc của cây chè? Chè ở đây độc đáo, trong bát nước chè xanh có đủ 18 vị đầu đẳng của chè trên thế giới”. Vậy nhưng hiện nay, hàng nghìn gốc chè cổ hàng trăm năm tuổi ở Suối Giàng đang từng ngày bị mối mọt quật đổ, trong khi, người dân chưa sống được bằng thu nhập từ những cây chè quý. Vì sao lại như vậy?

Mối gặm các “cụ” chè

Sáng sớm, khi mặt trời còn đang bị những dãy núi dài chắn ngang trước mặt, tôi và Trung tá Nguyễn Văn Thủy (cán bộ Công an huyện Văn Chấn, Yên Bái - người đã nhiều năm gắn bó với vùng đất Suối Giàng) leo lên những đồi chè bạt ngàn. Từ trên cao nhìn xuống, màu xanh mướt của những lá chè non chạy tít tắp hết ngọn đồi này đến ngọn đồi khác, vút cả tầm mắt.

Cất giọng buồn bã, Trung tá Thủy chia sẻ: “Trước, những cây chè hàng trăm năm tuổi còn mọc san sát, không đếm xuể. Nhưng nay, những khoảng trống, những gốc cây còn trơ trọi lại phần gốc mục ruỗng kia ngày càng xuất hiện nhiều, khiến cho chúng tôi và đông đảo bà con không khỏi xót xa, đau đáu về những sản vật mà ông cha để lại”.

Dạo quanh một vòng để quan sát, chúng tôi thấy, rất nhiều cây chè cổ ở Suối Giàng đã và đang bị “đột quỵ” từng ngày do nạn mối mọt gặm nhấm. Những cây lâu năm, đường kính lên đến cả một vòng tay người ôm đang bị mục rữa từng ngày và dần đổ gục. Tìm hiểu mới biết, nguyên nhân một phần là do các cây chè Shan đầu dòng của Suối Giàng đa số là các cây chè có tuổi cao nên sự phát triển đã chậm lại, xuất hiện sự lão hóa và dễ bị xâm nhập bởi các yếu tố như thời gian, sâu bệnh hại,...

Đặc biệt là sự xâm nhập mạnh của mối ở các phần hóa gỗ trên cây chè phát triển mạnh, làm cho nhiều cây bị chết nhanh hơn, có chiều hướng lan rộng sang các cây chè nhỏ trong điều kiện khô hạn. Anh Vàng A Cu, nhà ở thôn Bản Mới than thở: “Nhà mình có hơn 1ha chè mà phần lớn là chè cổ thụ, chỉ trong hơn một năm qua, mình đã bị mất gần 20 cây do mối mọt tàn phá đến tận gốc mà chẳng biết phải làm thế nào. Cứ như thế này, không biết sẽ còn bị mất bao nhiêu cây nữa”.

Nhiều cây chè cổ hàng trăm năm tuổi đã và đang bị chết từng ngày do mối gặm.

Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, công tác bảo vệ và phát triển cây chè ở Suối Giàng còn chưa được quan tâm đúng mức. Tuy chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành của tỉnh, huyện đều tập trung nghiên cứu, hỗ trợ, hướng dẫn các biện pháp nhằm bảo tồn và phát triển giống chè quý hiếm này nhưng một mặt là những biện pháp chưa mang lại hiệu quả, mặt khác, các hộ gia đình vẫn còn chủ quan, để mặc cho cây chè phát triển tự nhiên và chỉ thu hái theo thời vụ, không có biện pháp chăm sóc hay bảo vệ gì.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Giàng A Đằng, Bí thư Đảng ủy xã Suối Giàng cho biết: “Địa phương cũng đã thực hiện nhiều kế hoạch từ tỉnh, huyện triển khai xuống. Công tác phòng, chống mối mọt cũng được chúng tôi phối hợp với các đơn vị chuyên môn phổ biến cho bà con nhưng chưa có phương pháp nào thực sự mang lại hiệu quả cao”.

Chưa có phương pháp quản lý và khai thác hiệu quả

Cầm nắm chè trên tay, chị Lý Thị Khua, người ở thôn Giàng A than thở: “Nhà tôi có hơn 2ha chè, nhưng thu hoạch từ chè mỗi năm cũng chỉ được vài ba triệu đồng, tùy giá thành của từng vụ. Vì vậy, nếu cứ trông chờ vào cây chè thì cũng không đủ trang trải sinh hoạt cho gia đình”.

Theo thống kê, sản lượng chè búp tươi ở Suối Giàng trong những năm qua có sự biến động đáng kể phụ thuộc vào hình thức quản lý và tiêu chuẩn thu mua. Trong 5 năm gần đây, do năng lực quản lý và chế biến của Công ty Chè Văn Hưng có sự thay đổi, thiếu sự quản lý nên không thu mua được hết sản lượng chè búp tươi, các đơn vị chế biến nhỏ và các hộ gia đình đã tham gia vào việc thu mua chế biến chè xanh. Vì vậy, đã vô hình trung khuyến khích người dân không chăm sóc cây chè nên năng suất, sản lượng giảm.

Đồng thời việc thu hái chè không theo tiêu chuẩn (hái quá dài), nên sản lượng chè búp tươi cũng biến động theo lứa hái và tiêu chuẩn thu mua, sản lượng hằng năm từ 200 – 400 tấn, với giá thành là từ 6.000 – 7.500 đồng/kg. Ở thời điểm mất giá, 1kg chè búp tươi cũng chỉ bán được khoảng 2.000 – 3.000 đồng.

Bên cạnh đó, thiết bị và công nghệ chế biến sản phẩm cũng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cũng như sự phát triển của cây chè Suối Giàng. Nhà máy Chè Văn Hưng đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và thiết bị chế biến khá hoàn chỉnh, nhưng chưa tiêu thụ được nhiều bởi đầu ra khó khăn. Ngoài ra, HTX chè Suối Giàng với quy mô nhỏ và khả năng phát triển thị trường hạn chế, nên hằng năm, HTX cũng chỉ sản xuất được với sản lượng thấp là từ 15-20 tấn.

Cây chè cổ quý hiếm như vậy, nhưng, có một thực tế là ở Suối Giàng, thu nhập từ cây chè vẫn chưa đảm bảo được cho cuộc sống của người dân bởi, giá chè búp tươi thu mua trong các vụ vẫn là rất thấp khi các sản phẩm chè Shan tuyết chưa có thương hiệu trong thị trường vùng và các tỉnh lân cận.

Vào tháng 5 vừa qua, Cục Sở hữu trí tuệ vừa cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu cho sản phẩm chè Suối Giàng, đồng nghĩa với việc cây chè nơi đây đã được bảo hộ. Tuy nhiên, các nguy cơ xâm hại đến sự sinh trưởng của cây chè Suối Giàng đang ngày một tăng cao, nếu như không có một dự án tổng thể nhằm bảo tồn và khai thác có hiệu quả vùng chè cổ Suối Giàng, thì không ai dám chắc rằng, sẽ còn nhìn thấy những cây chè hàng trăm năm tuổi đứng sừng sững được đến khi nào?

Diện tích đất trông chè của xã Suối Giàng hiện có khoảng 393ha, trong đó, diện tích đất có chè cổ thụ là 193ha (có khoảng 400 gốc từ 100-300 tuổi), tập trung chủ yếu tại 4 thôn: Pang Káng, Bản Mới, Giàng A và Giàng B. Số lượng chè cổ thụ tập trung nhiều nhất tại 31 hộ trong xã, hộ có diện tích lớn nhất là trên 3ha, với mật độ bình quân khoảng 1.500 cây/ha.

T.C.
.
.
.