Đập thủy điện Sông Tranh 2 “có vấn đề” sau khi tích nước

Thứ Bảy, 29/09/2012, 12:16
Về vấn đề dư luận quan tâm là hiện nay khu vực thủy điện Sông Tranh 2 liên tục xảy ra động đất, Viện Vật lý địa cầu khẳng định, đây là động đất kích thích liên quan tới tích nước hồ thủy điện Sông Tranh 2.

Sáng 28/9, tại TP Tam Kỳ, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước (NTNN) cùng Bộ KH-CN, Viện Vật lý địa cầu, Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức họp báo về kết quả xử lý thấm, kiểm tra đánh giá an toàn, ổn định đập và kết quả khảo sát động đất khu vực thủy điện Sông Tranh 2, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam.

Theo GS.TSKH Nguyễn Văn Liên, Phó Chủ tịch Hội đồng NTNN: Nguyên nhân thấm của đập thủy điện Sông Tranh 2 thời gian qua, chủ yếu do thấm qua các khe nhiệt. Đối với 10 khe nhiệt thấm lớn, tổng lưu lượng thấm trước khi xử lý là 26,2 lít; sau khi xử lý thấm, lưu lượng thấm chỉ còn 2.02 lít/s, giảm 99,9%. Như vậy, kết quả xử lý chống thấm đạt hiệu quả đặt ra tại phương án xử lý chống thấm đã được phê duyệt.

Vấn đề an toàn của đập thủy điện Sông Tranh 2 đang khiến dư luận lo lắng.

Tóm lại, tổng thể chất lượng bê tông thường và bê tông đầm lăn của đập đã được thi công đạt yêu cầu thiết kế. Nhưng, chất lượng thi công xây dựng các khe nhiệt của thủy điện chưa đảm bảo, chưa tổ chức kiểm tra, nghiệm thu chặt chẽ. Thiết bị quan trắc chưa được lắp đặt đầy đủ trong quá trình thi công xây dựng, một số thiết bị hư hỏng chưa được kịp thời khắc phục. Việc này, ngoài trách nhiệm của nhà thầu thi công xây dựng còn có trách nhiệm của tổ chức giám sát...

Ngoài ra, qua đánh giá của tư vấn độc lập AF-Colenco của Thụy Sĩ cho thấy, thủy điện Sông Tranh 2 đảm bảo an toàn và ổn định theo thiết kế ở mực nước dâng bình thường 175m với động đất có gia tốc nền là 150cm/s2.

Về vấn đề dư luận quan tâm là hiện nay khu vực thủy điện Sông Tranh 2 liên tục xảy ra động đất, Viện Vật lý địa cầu khẳng định, đây là động đất kích thích liên quan tới tích nước hồ thủy điện Sông Tranh 2. Các vùng chấn động cực đại của các trận động đất lớn nhất đã xảy ra ở khu vực Bắc Trà My đều không vượt quá cấp 6 (theo thang MSK 64) và kéo dài theo phương Tây Bắc-Đông Bắc, bao gồm cả khu vực đập thủy điện. Dự báo trong thời gian tới, tại khu vực Bắc Trà My và lân cận, động đất kích thích vẫn tiếp tục xảy ra, thậm chí có thể mạnh hơn, nhưng khó có thể vượt quá giá trị động đất cực đại đã đánh giá là M=5,5 độ richter.

GS.TSKH Nguyễn Văn Liên, Phó Chủ tịch Hội đồng NTNN khẳng định chất lượng thi công các khe nhiệt của đập thủy điện Sông Tranh 2 chưa đảm bảo.

Tại cuộc họp, nhiều phóng viên báo, đài địa phương và Trung ương đã chất vấn các nhà nghiên cứu khoa học, lãnh đạo các Bộ, ngành TW, chủ yếu xoáy quanh vấn đề: Việc xử lý chống thấm đập thủy điện Sông Tranh 2; chất lượng công trình này; sao chép tài liệu đánh giá tác động môi trường; di dời dân vùng ảnh hưởng…

Về công tác xử lý chống thấm đập thủy điện và trách nhiệm các bên liên quan, ông Nguyễn Tài Sơn, Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn Xây dựng Điện 1, là đơn vị tư vấn, thiết kế thủy điện Sông Tranh 2, trả lời: “Đơn vị thi công các khe nhiệt chưa đảm bảo nên khi tích nước thì xảy ra sự cố thấm nước, đây là trách nhiệm của bên thi công và giám sát. Về vấn đề này sẽ đánh giá toàn diện, tổng thể 1 lần nữa mới có quy trách nhiệm của các bên”.

Còn việc dư luận cho rằng, báo cáo tác động môi trường không có động đất, thực tế đã sao chép tài liệu nghiên cứu của TS Lê Trần Chấn, chuyên nghiên cứu về sinh vật học, TS Lê Huy Minh, Viện phó Viện Vật lý địa cầu phủ nhận: “Mỗi công trình có nghiên cứu riêng, còn việc trùng nhau là ngẫu nhiên. Chúng tôi trích dẫn cái trích dẫn lại của các nghiên cứu quốc tế, chứ không sao chép của TS Lê Trần Chấn”.

Ông Nguyễn Tài Sơn giải thích: “Năm 2005, nước ta chưa có nhiều kinh nghiệm về vấn đề động đất kích thích. Trong giai đoạn đó, chúng tôi có sử dụng các nghiên cứu từ quốc tế và căn cứ theo 3 tiêu chí đó là hồ chứa có dung tích hơn 1 tỷ m3 nước, với chiều cao áp lực liên hồ lớn hơn 90m, và có đường đứt gãy kiến tạo. Nhưng không nghiên cứu đến vấn đề động đất kích thích cho thủy điện Sông Tranh 2. Tuy nhiên, sau khi tích nước hồ thủy điện Sông Tranh 2 đã xảy ra hiện tượng động đất kích thích. Vì vậy, vấn đề này cần nghiên cứu kỹ hơn trong thời gian tới”.

“Tới mùa lũ, đập thủy điện Sông Tranh 2 nếu đạt 161m thì lượng nước thấm qua đập theo tính toán vào khoảng 10 lít/giây, vẫn đạt yêu cầu. Với cao trình này, đập thủy điện Sông Tranh 2 còn chịu được trận động đất cấp 9, tức là gia tốc nền amax= 350cm/s2, thân đập vẫn an toàn” – Ông Sơn khẳng định.

Liên quan đến thủy điện Sông Tranh 2 tích nước gây động đất làm nứt nẻ hàng trăm nhà dân, trụ sở, trường học, EVN sẽ xử lý như thế nào? Trả lời câu hỏi này, ông Trần Văn Được, Phó Tổng giám đốc EVN nói... nhẹ hều, rằng: “EVN không thể đền bù cho người dân bị thiệt hại, mà chỉ hỗ trợ cho người dân mà thôi!”. Ông Được cũng quả quyết: “EVN cho rằng đối với thủy điện Sông Tranh 2 đến thời điểm này vẫn an toàn, không bao giờ có thể xảy ra tình huống xấu, nên không cần phải lập phương án di dời, sơ tán dân”.

Trong cuộc họp vào ngày 21/9 vừa qua tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã nhấn mạnh: Việc chống thấm qua đập thủy điện Sông Tranh 2 giảm gần 90%, thấp hơn mức cho phép theo tiêu chuẩn thiết kế. Vì vậy, đập thủy điện Sông Tranh 2 bảo đảm ổn định, an toàn, kể cả khi xảy ra động đất lớn hơn so với cấp động đất cực đại trong thiết kế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, các điều kiện thủy văn, địa chất kiến tạo có biến động phức tạp, xảy ra trong thời gian qua trên thế giới; hơn nữa đây là trường hợp phức tạp, xảy ra lần đầu tiên với tần suất cao, lại trong lúc mùa lũ đã tới, cho nên để đảm bảo an toàn cho vùng hạ du, tính mạng, tài sản của người dân và an toàn công trình, nhất thiết không được chủ quan, lơ là

An Khang
.
.
.