“Đào trộm mộ người bị sét đánh” là tin đồn thất thiệt

Thứ Sáu, 07/08/2009, 14:32
Vừa đến đầu huyện Yên Thành (Nghệ An), hỏi chuyện mộ bị đào, ai ai cũng kể vanh vách. Người ta túm năm tụm ba, thì thào bàn tán, vừa hoang mang sợ hãi. Nào là ở Tăng Thành, chúng đột nhập lấy mất 2 khớp gối, ở Nam Thành chúng chặt mất 2 cánh tay, ở Trung Thành chúng tháo cả hàm răng…

Tại xã Tăng Thành, ngôi mộ anh Trần Văn Bổng bị sét đánh chết hôm 31/7 được xây kiên cố trong ruộng lúa đất của gia đình. Ông Phan Văn Triều, cháu ruột bà Phụ cho biết: "Nghe tin ở Nam Thành mộ cháu Quỳnh bị đào trộm mất xác nên gia đình quyết định chôn cháu Bổng trong vườn nhà. Chính quyền đến phân tích vận động, chúng tôi vẫn không dám mang ra nghĩa địa nên chôn ở đây cho gần làng, lập chòi thay phiên nhau canh giữ".

Ngược đường tìm về xã Nam Thành chúng tôi gặp ông Phan Thế Trung, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Chúng tôi chôn 3 ngôi mộ gần nhau phân công Công an, dân quân cùng người nhà thay phiên canh giữ. Hiện 3 ngôi mộ vẫn nguyên vẹn, tin đồn nhảm đấy".

Ông Vương Sĩ Bắc, chồng nạn nhân Nguyễn Thị Hoà ở xóm Đăng Lưu đưa chúng tôi ra nghĩa địa, chỉ mộ bà Hoà, cháu Quỳnh, cháu Dũng (bị sét đánh hôm 16/6) nói: "Nghe ở Khánh Thành chúng chặt mất 2 chân người chết nên ở đây được canh phòng cẩn mật trong vòng 100 ngày. Mộ được đào sâu 2m, đổ bê tông, cốt thép, xây dựng kiên cố, điện sáng suốt đêm".

Tại xóm Phú An, xã Khánh Thành, anh Phan Văn Quý, chồng nạn nhân Phan Thị Văn tâm sự: "Chuyện mộ bị đào trộm chúng tôi nghe nhiều lắm. Vì vậy, anh em họ tộc thay nhau canh giữ cẩn thận nên mộ nhà tôi và mộ bà Chính vẫn nguyên vẹn".

Về xã Trung Thành, mộ anh Nguyễn Hữu Từ cũng được đổ bê tông chắc chắn và chưa hề bị đào trộm một lần nào. Do phao tin đầu gối người chết do sét đánh sẽ chữa được các bệnh về xương khớp kể cả thái hoá đốt sống. Lấy bàn tay thì đi ăn trộm không bị phát hiện. Lấy răng rang vàng hạ thổ tán nhỏ thì chữa được bách bệnh khiến nhiều người tin theo.

Theo bác sĩ Hoàng Danh Linh, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An: "Lịch sử từ cổ chí kim, từ các bài thuốc đông tây y, đến các bài thuốc dân gian chưa có bất cứ một tài liệu nào nói về việc có thể dùng xương người bị sét đánh để chữa bệnh”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Sỹ Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện tâm sự: "Việc liên tiếp xảy ra các vụ sét đánh chết người trên địa bàn huyện Yên Thành đang rất cần sự khảo sát, kiểm tra của các nhà khoa học. Còn những tin đồn thất thiệt thì rất cần các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền rộng rãi để nhân dân hiểu rõ chứ cứ chết do sét thì lại xây mộ kiên cố, canh giữ 100 ngày thì ngoài nỗi đau mất người còn mất tiền của, thời gian, công sức ảnh hưởng kinh tế gia đình và ANTT của địa phương”

Nguyễn Đình Lộc
.
.
.