Đánh thuế cao để ngăn chặn đầu cơ đất đai

Thứ Năm, 01/11/2007, 17:27

Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ (ĐHV) - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường: Hầu hết các nước phát triển đều dùng chính sách thuế để ngăn chặn đầu cơ đất đai. Thuế đánh rất cao vào trường hợp có đất nhưng không sử dụng hoặc sử dụng quá nhiều nhà đất để ở...
>> "Khó xử" với biệt thự bỏ hoang

Để tìm hiểu một số vấn đề liên quan những ngôi biệt thự bỏ hoang, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với GS.TSKH Đặng Hùng Võ (ĐHV) - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường.

PV: Thưa ông, là chuyên gia ở lĩnh vực đất đai, xin ông cho biết ý kiến về việc hiện có cả trăm ngôi biệt thự bỏ hoang tại các khu đô thị mới ở Hà Nội?

GS.TSKH ĐHV: Luật Đất đai năm 2003, Điều 15 quy định "Nhà nước nghiêm cấm hành vi không sử dụng, sử dụng đất không đúng mục đích"; Khoản 3 Điều 38 quy định "Nhà nước thu hồi đất đối với trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích, sử dụng đất không có hiệu quả".

Đây là nguyên tắc tối thượng về sử dụng đất, bảo đảm bản chất sở hữu toàn dân về đất đai, nhằm loại trừ tình trạng đầu cơ đất. Vì vậy, bỏ hoang các ngôi biệt thự là vi phạm Luật Đất đai, không chỉ lãng phí tài sản nhà ở, mà quan trọng là lãng phí lớn về đất ở.

Nhiều người quan niệm biệt thự cũng như xe máy, ti vi, nên chủ sở hữu có quyền đến ở hay không là sai, vì quyền sở hữu đất đai khác hẳn quyền sở hữu các đồ vật.

Người được sử dụng đất ngày nay đang còn mắc nợ xương máu những người đã hy sinh để bảo vệ đất nước. Ngay ở các nước tư bản, những nước thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai cũng quan niệm như vậy, không phải người có đất muốn làm gì với đất cũng được.

PV: Liệu có hiện tượng đầu cơ trong việc hàng trăm ngôi biệt thự bỏ hoang nhiều năm với lý do không có tiền để hoàn thiện?

GS.TSKH ĐHV: Chắc chắn đó là đầu cơ vì nếu chủ sở hữu của các ngôi biệt thự bỏ hoang đã bỏ khá nhiều tiền ra mua để ở vì không có chỗ ở, thì họ phải hoàn thiện sớm để chuyển đến. Nhưng vì đã có chỗ ở nên ngôi biệt thự bỏ hoang đó phải nằm trong kế hoạch đầu cơ sinh lợi, và việc bỏ hoang do chưa được giá nên chưa bán. 

PV: Theo ông, giải pháp nào để có thể chấm dứt được tình trạng đầu cơ nhằm thao túng thị trường nhà đất trong tương lai?

GS.TSKH ĐHV: Chống đầu cơ nhà đất là một sự nghiệp rất khó khăn, vì khả năng sinh lợi rất lớn cũng như do các mối quan hệ phức tạp giữa các chủ đầu tư dự án xây dựng kinh doanh nhà ở với các nhà đầu cơ đất đai nhiều vốn, với các "cò" nhà ít vốn giúp các chủ đầu tư thực hiện đầu cơ, với các quan chức thuộc cơ quan quản lý nhà đất.

Có 2 biện pháp: quyết định hành chính thu hồi đất hoặc trừng phạt về kinh tế. Pháp luật của ta hiện chỉ mới cụ thể hóa việc nghiêm cấm bằng cách thu hồi đất trong trường hợp các chủ đầu tư thực hiện dự án không đưa đất vào sử dụng sau 12 tháng hoặc sử dụng đất không đúng tiến độ dự án sau 24 tháng.

Biện pháp này ít phù hợp thực tiễn vì khó xử lý với tài sản đã đầu tư trên đất. Biện pháp trừng phạt về kinh tế thông qua thuế sử dụng đất mang lại hiệu quả cao hơn, khi người sử dụng đất không đưa đất vào sử dụng phải nộp thuế rất cao mà Nhà nước lại tăng thu ngân sách từ những trường hợp có đất nhưng không sử dụng.

Hầu hết các nước phát triển đều dùng chính sách thuế để ngăn chặn đầu cơ đất đai. Thuế đánh rất cao vào trường hợp có đất nhưng không sử dụng hoặc sử dụng quá nhiều nhà đất để ở so với mức nhà ở trung bình trong xã hội.

Điều đó sẽ lành mạnh hóa thị trường bất động sản; sử dụng đất hiệu quả cao và là chính sách xã hội để bảo vệ công bằng quyền lợi đối với đất đai, bảo vệ quyền lợi của người nghèo. Chính sách thuế sử dụng đất của ta rất lạc hậu, đổi mới thuế sử dụng đất cần được coi là nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Việc bỏ hoang nhà đất không sử dụng là vi phạm Luật Đất đai, nhưng chế tài xử lý thì chưa có.

PV: Cám ơn ông về cuộc trao đổi!

Dạ Miên (thực hiện)
.
.
.