Đánh giá thẳng thắn công tác báo chí trong giai đoạn mới

Thứ Năm, 06/05/2010, 09:57
Đánh giá thực trạng hoạt động báo chí trong 3 năm qua, Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn nhấn mạnh,  báo chí đã thực hiện tốt chức năng là diễn đàn của nhân dân, bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích, ngày càng thể hiện rõ tính chuyên nghiệp cũng như đạo đức, nghề nghiệp báo chí… Tuy nhiên, nhiều thông tin trên báo chí thực hiện không nghiêm Luật Báo chí. Đội ngũ làm báo có những người vi phạm pháp luật, đạo đức…

Ngày 5/5, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan báo chí năm 2010.

Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương dự và chỉ đạo Hội nghị. Đồng chí Nguyễn Bắc Son, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; đồng chí Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông cùng chủ trì Hội nghị. Dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành, các địa phương cùng lãnh đạo các cơ quan báo chí trong cả nước.

Tại Hội nghị, đồng chí Trương Tấn Sang có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng.

Hội nghị lần này là dịp để trao đổi, đánh giá tình hình hoạt động của báo chí trong những năm vừa qua (tính từ Hội nghị toàn quốc sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Thông báo kết luận của Bộ Chính trị về tăng cường lãnh đạo, quản lý công tác báo chí tổ chức vào đầu năm 2007); nhìn lại gần 3 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới; các Thông báo kết luận số 41, số 68-TB/TW của Bộ Chính trị; các Quyết định của Ban Bí thư (khóa X) về lãnh đạo, quản lý công tác báo chí. Đây cũng là dịp để các cơ quan báo chí trực tiếp phản ánh với Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng như với các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí những thuận lợi, khó khăn, những kiến nghị, đề xuất nâng cao chất lượng hoạt động…

Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và các đại biểu dự Hội nghị.

"Trong 3 năm qua, hoạt động báo chí nói chung, công tác chỉ đạo, quản lý báo chí nói riêng đã có những ưu điểm, thành tựu nào là quan trọng, nguyên nhân, có thể rút ra những bài học gì cho thời gian tới" - đồng chí Nguyễn Bắc Son lưu ý. Trong 4 vấn đề lớn, theo đồng chí Nguyễn Bắc Son thì "các cơ quan báo chí cần làm gì và làm như thế nào để phát huy ưu điểm, thành tích, khắc phục thiếu sót, yếu kém, nhất là việc nâng cao trách nhiệm để tổ chức thực hiện nghiêm tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ chủ yếu của báo mình".

Đánh giá thực trạng hoạt động báo chí trong 3 năm qua, Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn nêu rõ, "báo chí đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận". Hầu hết các cơ quan báo chí đã bám sát thực tiễn của đời sống xã hội, thực hiện đúng sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, thông tin nhanh nhạy, đầy đủ, toàn diện về mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội ở trong nước và quốc tế, đặc biệt là các sự kiện lớn, đáp ứng tốt quyền được thông tin của nhân dân. Đồng thời, báo chí đã thực hiện tốt chức năng là diễn đàn của nhân dân, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích, ngày càng thể hiện rõ tính chuyên nghiệp cũng như đạo đức, nghề nghiệp báo chí… Tuy nhiên, nhiều thông tin trên báo chí thực hiện không nghiêm Luật Báo chí. Đội ngũ làm báo có những người vi phạm pháp luật, đạo đức…

Các tổng biên tập cơ quan báo chí với những phát biểu thẳng thắn, có trách nhiệm đã giúp cơ quan quản lý đánh giá đầy đủ hơn, sinh động hơn công tác báo chí hiện nay. Tổng Biên tập các báo: Công an nhân dân, Thanh niên, Tuổi trẻ, Sài Gòn - Giải phóng… đi sâu phân tích các thiếu sót và đề xuất giải pháp.

"Không phải báo chí cứ thông tin kiểu giật gân là "câu" được khách mà thực tiễn chứng minh rằng, những bài viết có tính nhân văn cao thì tồn tại lâu bền trong lòng độc giả" - Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ước, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL - CAND, Tổng Biên tập Báo CAND đúc kết trong phát biểu tại Hội nghị.

Với kinh nghiệm 15 năm Tổng Biên tập, sau khi nêu rõ những thành tích, ưu điểm nổi bật của báo chí, Thiếu tướng phân tích những nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn tới một số thiếu sót của báo chí hiện nay. Ngoài yếu tố chủ quan thuộc đội ngũ biên tập, lãnh đạo ở các báo thì nguyên nhân quan trọng khác thuộc về khả năng, trình độ, đặc biệt là đạo đức của phóng viên. Lực lượng phóng viên trẻ giữ vai trò chủ đạo trong đưa tin, viết bài ở các báo, nhưng một số không hiểu rõ về lĩnh vực mình viết dẫn tới sai lệch, chưa kể một số có động cơ không đúng đắn.

Chốt lại, Thiếu tướng đặt vấn đề vai trò của người lãnh đạo cơ quan báo chí, trực tiếp là Tổng Biên tập: "Báo có nhiều ấn phẩm hay báo có ít ấn phẩm, Tổng Biên tập luôn là linh hồn của tờ báo đó, do vậy, ngoài năng lực chuyên môn thì tố chất cần có của Tổng Biên tập là công bằng, gương mẫu…".

Một nhận định được Tổng Biên tập Báo Thanh niên Nguyễn Quang Thông nêu trong chuỗi biện luận khá sâu về lĩnh vực khá mới nhưng có tính lan truyền mạnh trong cộng đồng mạng: Nếu như nhiều người coi báo chí là quyền lực thứ tư thì bây giờ, mạng truyền thông xã hội có thể coi là quyền lực thứ năm? Đồng chí lý giải: Truyền thông xã hội đang tạo hiệu ứng rất cao trong cộng đồng, nhất là đối với lớp trẻ. Nhiều nhà báo tham gia cộng đồng mạng dưới dạng lập blog riêng, viết bình luận… Một điều tra xã hội học cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng 23 triệu người sử dụng mạng Internet, đây là con số rất lớn. Những hiệu ứng tiêu cực nếu có từ cộng đồng mạng theo đó cũng rất mạnh. Người làm báo lập blog, viết bình luận, nhất là những người làm báo có tên tuổi theo đó phải có quy chế cụ thể chứ không phải "thích thì viết" và tung lên mạng.

Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội Trần Gia Thái viện dẫn, để có được bộ phim mới phát sóng, các đài cạnh tranh nhau, giá có thể bị đẩy lên 60-70 triệu, cao hơn nhiều so với giá trị thực. Nếu kinh tế yếu, "đài nhỏ" đành chờ "đài lớn" phát xong rồi mình phát lại, tức "ăn sau". Nói về tình trạng quảng cáo, ông Trần Gia Thái thừa nhận đang có xu hướng cạnh tranh không tích cực giữa các "đài" trong vấn đề giành quyền quảng cáo...

Cán bộ, phóng viên Báo CAND với Mẹ VNAH tại Phú Quốc.

Bàn về việc lập tập đoàn báo chí, Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ cho là cần thiết và đề xuất hai vấn đề: có hướng dẫn rõ và đầu tư mạnh. Liên quan vấn đề này, cần sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, sửa Pháp lệnh về quảng cáo, không nên quy định mỗi tờ báo có bao nhiêu trang quảng cáo. Như Báo Tuổi trẻ, nhiều người mua báo là để đọc quảng cáo, họ cần tìm những thông tin như việc làm, mua bán, tìm sản phẩm.

Kết luận Hội nghị, đồng chí Tô Huy Rứa đánh giá, hội nghị đã "bằng nhiều góc nhìn, cách tiếp cận và trên các mức độ khác nhau, chúng ta đã nghiêm túc đánh giá tình hình báo chí". Đồng chí lưu ý 8 vấn đề lớn cần quán triệt trong thời gian tới. Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt và nổi bật của báo chí trong năm nay là tiếp tục tuyên truyền, cổ vũ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện thẳng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng, bám sát sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, các giải pháp của Chính phủ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn ngừa lạm phát…

Các cơ quan báo chí cần chủ động, tích cực, nhạy bén, nêu cao trách nhiệm trong định hướng tư tưởng, tạo sự đồng thuận xã hội trước các vấn đề, sự kiện lớn của đất nước và thể hiện chủ đề này một cách sinh động, đậm nét, có bề rộng thông tin và chiều sâu tư tưởng. Gương người tốt, việc tốt, nhân điển hình tiên tiến, thành tựu công cuộc đổi mới, hình ảnh đất nước năng động, giàu sức sống vươn lên là chủ đề nổi bật, dòng chủ lưu xuyên suốt của báo chí.

Đồng chí cũng khẳng định, không xem nhẹ hay né tránh mảng đề tài viết về cái xấu, cái ác, cái tiêu cực, cái non kém, nhưng các cơ quan báo chí phải nắm vững nguyên tắc chống phải bắt đầu từ xây, chống bằng thái độ xây, xây thật tốt cũng là để chống thật tốt… Ngoài những vấn đề chính, báo chí cần "mở rộng giao lưu, hợp tác với các tổ chức báo chí trong khu vực và trên thế giới, coi trọng tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, sự nghiệp đổi mới của Việt Nam đến nhiều nước trên thế giới"…

17.000 nhà báo được cấp thẻ nhà báo

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến hết năm 2009, cả nước có 706 cơ quan báo chí in, trong đó có 178 báo (trung ương 76 báo; địa phương 102 báo) và 528 tạp chí.

Lĩnh vực phát thanh, truyền hình có 67 đài phát thanh - truyền hình (gồm 3 đài phát thành truyền hình ở Trung ương, 64 đài phát thanh và truyền hình ở các địa phương).

Lĩnh vực thông tin điện tử có 21 báo điện tử, 160 trang điện tử của các cơ quan báo in và hàng ngàn trang tin điện tử của các cơ quan Đảng, Nhà nước, các đoàn thể, hội, hiệp hội, các doanh nghiệp.

Đ.Trường - V.Hưng
.
.
.