Dàn quân cũng khó giải quyết triệt để “bài toán” GT của Hà Nội

Thứ Ba, 19/01/2010, 11:08
Dự kiến trong những ngày trước và sau Tết Nguyên đán Canh Dần, phương tiện giao thông ở Hà Nội sẽ tăng đột biến. Trong khi đó, một số hạng mục giao thông lớn của Thủ đô vẫn chưa hoàn thiện, điển hình phải kể đến là vành đai III, cầu vượt Thanh Trì... Chúng tôi có cuộc trao đổi với Thượng tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng phòng CSGT, Công an TP Hà Nội xung quanh những giải pháp đảm bảo TTGT trong dịp này.

>> Cuộc đại thử nghiệm chống ùn tắc giao thông ở Hà Nội

Phóng viên (PV): Theo nhận xét của đồng chí, vấn đề đặt ra đối với tình hình giao thông ở Hà Nội hiện nay là gì?

Thượng tá Nguyễn Duy Ngọc (N.D.N.): Vấn đề mấu chốt đối với trật tự giao thông đô thị hiện nay là chúng ta đã nhận thấy những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông nhưng chưa giải quyết triệt để ngay được.

Những nguyên nhân đó là: hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân; quá tải các phương tiện giao thông cá nhân; ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của một số người dân chưa cao; chế tài xử lý chưa đủ mạnh. Không chỉ riêng ở Hà Nội, mà những đô thị lớn khác như TP HCM cũng đang đứng trước những trở ngại này.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 16 về từng bước khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông. Trong đó có nội dung thi công nhanh đường vành đai đường hướng tâm, di chuyển trường học, cơ quan ra ngoại thành...

Cảnh sát giao thông Hà Nội tăng cường điều hành giao thông tại điểm Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Đây là biện pháp nhằm hạn chế xây dựng ở trung tâm thành phố, từng bước giảm tải phương tiện giao thông vào nội đô. Tôi cho rằng, đây là biện pháp hữu ích. Tuy nhiên, đó là về lâu dài chứ trong tình hình hiện nay cách làm này chưa thể giải quyết dứt điểm ngay việc giảm ùn, tắc ở Hà Nội.

PV: Đồng chí hãy cho biết rõ hơn về thực trạng giao thông ở Hà Nội hiện nay?

Thượng tá N.D.N.: Theo thống kê của Phòng CSGT, Hà Nội hiện có khoảng 60 điểm có nguy cơ ùn tắc. Tôi xin nhấn mạnh là con số này không chính xác tuyệt đối và các điểm có nguy cơ ùn tắc cũng luôn thay đổi. Để hạn chế khả năng xảy ra ùn tắc, tại các điểm này, lực lượng CSGT thường xuyên có mặt trước giờ cao điểm để kịp thời điều khiển, tránh để xảy ra tắc đường kéo dài.

PV: Trong năm qua, Sở Giao thông Vận tải đã đồng loạt tổ chức lại giao thông tại các điểm giao cắt. Đồng chí đánh giá như thế nào về cách làm này?

Thượng tá N.D.N.: Trong tình thế hiện nay, việc bố trí lại các điểm nút giao thông như vừa qua tôi cho rằng về cơ bản là được. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận công bằng vẫn có một số điểm cần phải nghiên cứu, điều chỉnh lại. Tại sao lại như vậy? Như tôi đã nói ở trên, các điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông luôn thay đổi. Thế nên phải căn cứ vào tình hình cụ thể để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình hiện tại.

Theo ghi nhận của chúng tôi, mỗi người tham gia giao thông lại có đánh giá khác nhau về sự thay đổi này. Nếu là tuyến đường thường xuyên đi, họ sẽ đánh giá tốt. Còn nếu không thường xuyên đi qua, họ sẽ cho là bất hợp lý. Tôi nghĩ, bộ phận nghiên cứu về tổ chức giao thông cần xem xét một cách cụ thể để có cách làm phát huy hiệu quả cao hơn trong mọi hoàn cảnh, tình huống.

PV: Đề nghị đồng chí cho biết phương án đảm bảo trật tự giao thông trong dịp trước và sau Tết?

Thượng tá N.D.N.: So với dịp Tết Kỷ Sửu, hạ tầng giao thông của chúng ta về cơ bản chưa cải thiện được nhiều, trong khi đó chỉ riêng số phương tiện đăng ký mới tại Phòng CSGT đã là con số trên 20.000 chiếc. Vì vậy, chúng tôi xác định, tình hình giao thông đô thị Tết năm nay cũng rất phức tạp. Chúng tôi đã phối hợp với phòng chức năng của Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu tìm giải pháp tổ chức giao thông; điều tiết phương tiện... nhằm giảm tải tại một số tuyến đường có nguy cơ ùn tắc cao.

Ví dụ như việc tổ chức lại các tuyến đường 1 chiều, 2 chiều. Ngoài ra, do phương tiện tăng, điểm đỗ thiếu nên việc điều chỉnh lại các điểm đỗ cũng rất quan trọng. Chúng tôi chọn giải pháp chỉ cho đỗ xe một phía tại một số tuyến phố. Đây là biện pháp tôi cho rằng sẽ dành được lòng đường cho các phương tiện lưu thông một cách tối ưu.

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tăng cường tối đa lực lượng. Đồng thời, đề nghị Công an thành phố điều thêm các lực lượng như CSTT, Công an phường... Một lực lượng rất quan trọng khác đã phối hợp rất nhịp nhàng với chúng tôi thời gian qua là Thanh tra giao thông cũng sẽ cùng chúng tôi đảm bảo trật tự giao thông trong dịp này.

PV: Nạn ùn tắc giao thông tại các cửa ngõ của Thủ đô luôn là vấn đề nóng bỏng, nhất là vào dịp nghỉ lễ, nghỉ Tết. Đồng chí hãy cho biết phương án chống ùn tắc giao thông tại đây trong dịp Tết Canh Dần?

Thượng tá N.D.N.: Tôi xin lấy ví dụ cửa ngõ phía Nam của Hà Nội để lý giải về nguyên nhân gây ùn tắc kéo dài hàng tiếng đồng hồ trong thời gian qua. Đó là đường Pháp Vân đang thi công đường nhánh lên cầu Thanh Trì; nhánh ra đường 1B mới... Tuyến đường chia sẻ ra quốc lộ 1A lại đang xuống cấp nghiêm trọng.

Đây chính là những nguyên nhân gây ra ùn tắc kéo dài, mà gần đây nhất là dịp Tết dương lịch. Tôi mong rằng, trước Tết Nguyên đán việc thi công các hạng mục nêu trên sẽ hoàn thành. Biện pháp duy nhất mà CSGT áp dụng được trong dịp Tết tại đây là tăng cường lực lượng. CSGT sẽ có mặt để kịp thời ngăn chặn và giải tỏa ùn tắc, đảm bảo thông thoáng để các phương tiện lưu thông, giúp nhân dân về với gia đình kịp thời và đón một cái Tết an toàn.

PV: Nhìn nhận lại tình hình giao thông ở Hà Nội một năm qua, đồng chí mong muốn nhất điều gì?

Thượng tá N.D.N.: Tôi mong các hạng mục giao thông lớn đang thi công sẽ sớm hoàn thành. Về lâu dài, quy hoạch của thành phố sẽ đi đôi với sự phát triển hạ tầng giao thông. Tôi cũng mong sẽ nhận được nhiều đóng góp của người dân về sáng kiến đảm bảo trật tự giao thông. Trên cơ sở những sáng kiến này, chúng tôi sẽ nghiên cứu, nếu thấy phù hợp có thể áp dụng.

Khi người dân không đứng ngoài việc đảm bảo giao thông, thì đấy cũng là cơ sở để tôi tin rằng ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người tham gia giao thông tốt hơn. Mọi đóng góp của người dân xin gửi về Phòng CSGT ở 86 Lý Thường Kiệt hoặc điện thoại 043.9396253.

PV: ATGT là mối quan tâm của mọi người, mọi nhà. Chúc đồng chí sẽ nhận được nhiều đóng góp tích cực của người dân. Cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này

Cao Hồng (thực hiện)
.
.
.