Dân lo khi Hà Nội cấm bán hàng rong trên một số phố

Thứ Sáu, 23/05/2008, 15:55
Danh mục 62 tuyến phố và 48 điểm di tích, văn hóa không được phép bán hàng rong đã được UBND TP Hà Nội chính thức công bố. Văn bản này đã khiến hàng chục nghìn người bán hàng rong, không chỉ những người ngoại tỉnh mà ngay cả những người có hộ khẩu tại Hà Nội đã coi gánh hàng rong là kế sinh nhai, hoang mang. >> Hà Nội: Hàng rong chỉ được bán ở những phố không tên, ngõ? >> Hàng rong ở Hà Nội sắp bị "xóa sổ"?

Và câu hỏi đặt ra cho các nhà quản lý là liệu có xảy ra tình trạng các gánh hàng rong sẽ dồn cục, nhếch nhác trong các phố không bị cấm, hay sẽ lại mọc thêm những chợ cóc mất vệ sinh ngay giữa lòng Thủ đô?

Hoang mang nỗi lo thất nghiệp

Trong khi rất nhiều người làm nghề bán hàng rong xôn xao bàn tán thông tin về việc họ sẽ không được bán trên 62 tuyến phố và 48 điểm di tích, văn hóa, ở một gốc cây xà cừ trên phố Hàng Lược, một cụ già 81 tuổi vẫn ngồi vô tư lự bên làn lược nhựa, lược sừng - đồ nghề sinh nhai của mình. Đã 50 năm qua, ngày nào bà cụ Ngạc cũng đi bộ từ nhà trọ ở gần chợ Đồng Xuân, xách theo làn lược đem bán dạo lấy tiền sinh nhai.

Vẫn dẻo dai, minh mẫn, cụ Ngạc cho biết, quê cụ ở Hải Dương, mỗi ngày cụ thuê chỗ ngủ trọ hết 6.000 đồng, tiền bán lược có ngày lãi mươi, mười lăm nghìn.

Khi chúng tôi hỏi về chủ trương cấm bán hàng rong trên một số tuyến phố của Hà Nội, trong đó có phố Hàng Lược, cụ Ngạc thủng thẳng: "Lúc nào người ta đuổi hẵng hay cô ạ. Tôi già rồi, chân yếu, không rong ruổi xa được. Nếu họ cấm thì có lẽ đành về quê dựa dẫm con cháu thôi. Mà con cháu tôi toàn làm ruộng thì chúng nó nuôi tôi sao được hả cô?".

Với cụ Ngạc, nghề bán lược rong đã giúp cụ không chỉ có miếng cơm, manh áo, nuôi sáu đứa con trưởng thành mà giờ đây còn là niềm vui tuổi già.

Nếu theo đúng quy định của UBND TP, họ chỉ được bán hàng trên các tuyến phố ngoài 62 tuyến phố chính đã được nêu.

"Các tuyến phố bị cấm đều là các tuyến phố đông người qua lại, bọn em mới bán được hàng, giờ chui vào các phố nhỏ thì hàng họ lại ế ẩm mất thôi", chị Vũ Thị Nhung (Phúc Thọ, Hà Tây) than thở.

Phút nghỉ ngơi hiếm hoi của những người bán hàng rong.

Khác với cụ Ngạc, chị Lê Thị Lành hốt hoảng khi biết, từ ngày 1/7, chị sẽ không còn được bán bún riêu trên phố Bà Triệu nữa. Cũng như chị Lành, hàng nghìn người bán hàng rong đang trong tâm trạng lo âu vì sợ mất nghề kiếm sống.

Những người ngoại tỉnh, đa số đều trả lời chúng tôi rằng, nếu bị thu hẹp phạm vi bán hàng rong, họ sẽ chuyển sang làm nghề gánh thuê, rửa bát hay giúp việc tại các quán ăn. Nhưng với những người Hà Nội làm nghề bán hàng rong, nhất là những người sống trong các ngõ hẻm trên những tuyến phố bị cấm bán, thất nghiệp là điều khó tránh khỏi.

Nên bố trí chỗ bán hàng rong

Chủ trương siết chặt quản lý hàng rong của UBND TP Hà Nội là một chủ trương đúng. Rất khó chấp nhận những hình ảnh lộn xộn, mất vệ sinh từ những gánh hàng rong. Nhưng công bố danh mục các tuyến phố và di tích cấm bán hàng rong trong khi TP chưa tạo điều kiện cho người bán hàng rong có chỗ bán hàng phải chăng vẫn là cách làm theo kiểu không quản lý được thì cấm?

Và việc công bố danh mục này sẽ là một trong các bước của lộ trình dần xóa hoàn toàn hàng rong. Tuy nhiên, những tuyến phố lớn, phố chính đã bị cấm cũng có nghĩa, các gánh hàng rong sẽ dồn, tụ tập tại các phố còn lại. Điều này sẽ dẫn đến việc phát sinh thêm nhiều chợ cóc, chợ xanh, gây khó khăn thêm cho việc quản lý.

Theo Kế hoạch số 51/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Quyết định số 02/2008/QĐ-UBND quy định về quản lý hoạt động bán hàng rong, UBND TP Hà Nội giao cho Sở Giao thông - Công chính và UBND các quận, huyện từ ngày 25 đến 31/5 phải tổ chức cắm xong biển báo cấm bán hàng rong trên các tuyến đường, khu vực không được phép bán hàng rong.

Từ 1 đến 30/6, các lực lượng chức năng của thành phố, quận, huyện, phường, xã, thị trấn đồng loạt kiểm tra, chủ yếu là nhắc nhở và hướng dẫn hoạt động bán hàng rong.

Và từ 1/7, các lực lượng trên mới bắt đầu kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Sau 1 năm triển khai thực hiện, các ngành chức năng và UBND các quận, huyện sẽ kiểm điểm, đánh giá rút kinh nghiệm báo cáo thành phố xem xét, điều chỉnh bổ sung để có thể nhân rộng ra các khu vực, tuyến phố khác.

Hiện những người làm nghề bán rong đều lo lắng vì không hiểu liệu hàng hóa của họ có bị thu khi gánh hàng đi lại trên các tuyến phố bị cấm bán?

"Không được bán nhưng nếu chúng tôi gánh hàng đi trên phố bị cấm bán hàng rong thì họ có tịch thu hàng của chúng tôi không?" - rất nhiều người bán hàng rong thắc mắc.

Bản thân hai chữ "hàng rong" đã cắt nghĩa khá rõ nét nghề mưu sinh của họ. Một đôi quang gánh với thúng, mẹt đựng hàng (chủ yếu là hoa, quả, rau, đồ ăn chín như bún đậu, riêu cua…), những người bán hàng rong luôn phải di chuyển trên các đường phố để bán hàng kiếm sống.

Ngọc Yến
.
.
.