Đảm bảo hàng cứu trợ phải đến tận tay người dân
Bão số 8 sẽ gây mưa cho các tỉnh Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế
Sáng ngày 21/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai ứng phó với bão và mưa, lũ các tỉnh miền Trung.
Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, đến 7h ngày 22/10, vị trí tâm bão số 8 sẽ ở khoảng 16,8 độ Vĩ Bắc; 116,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 440km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12.
Theo ông Khiêm, hiện nay các trung tâm dự báo quốc tế đều đưa ra nhận định, những ngày tiếp theo phạm vi vùng ảnh hưởng của bão rất rộng. "Theo các đài khí tượng quốc tế, cường độ mạnh nhất của bão có thể đạt cấp 11-12, giật cấp 14 khi bão vào gần Quần đảo Hoàng Sa. Khi vào đất liền dự báo bão sẽ ở cấp 8-9, một số đài quốc tế cho là cấp 7", ông Khiêm nói.
Bão số 8 được dự báo không mạnh nhưng vẫn gây mưa cho miền Trung. |
Hiện nay, mặt nước biển gần khu vực Quần đảo Hoàng Sa có nhiệt độ khá cao là điều kiện thuận lợi cho bão tăng cường độ trong các giờ tiếp theo. Tuy nhiên, khi vượt qua Quần đảo Hoàng Sa, vào vùng biển phía trong thì nhiệt độ mặt nước biển thấp nên không làm tăng cường độ của bão.
Do ảnh hưởng của bão, trong ngày và đêm nay (ngày 21/10), khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả Quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, sau tăng lên cấp 9-10, giật cấp 12; biển động rất mạnh, sóng biển cao từ 5-7m. Ngoài ra, ở khu vực Vịnh Bắc Bộ và các tỉnh Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8, biển động; sóng biển cao từ 2-6m.
"Bão số 8 có cường độ mạnh nhất khi đi vào khu vực Quần đảo Hoàng Sa, cường độ cấp 11-12, giật cấp 14. Bão hướng về khu vực đất liền các tỉnh Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ, thời gian ảnh hưởng trực tiếp khoảng đêm 24/10 và ngày 25/10. Khi bão vào trong kinh tuyến 111E bão có xu hướng suy yếu", Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia thông tin.
Bão số 8 sẽ gây mưa ở đồng bằng các tỉnh Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, lượng mưa từ 24-25/10 từ 200-300mm. Đây là điều đáng lo ngại vì khu vực miền Trung vừa chịu thiên tai (ngập, lũ lụt, trượt lở đất...), thêm mưa lớn thì thiệt hại sẽ rất lớn.
Hồ thuỷ điện và thuỷ lợi đều phải đặt trong tầm kiểm soát chặt chẽ nhất
Chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị các cơ quan liên và các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng của bão cần khẩn trương thông báo cho các tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn, tránh rủi ro xảy ra.
Ông Cường yêu cầu Tổng cục Phòng chống thiên tai nhắc nhở các đơn vị liên quan, các địa phương tập hợp kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn. Tất cả các hoạt động kinh tế biển phải đảm bảo an toàn. “Rút kinh nghiệm 8 tàu vãng lai đợt vừa rồi là vận tải, nạo vét cát bị tai nạn. Đây là điều rất đáng tiếc. Ngoài ra có 44 điểm sạt lở, khi bão vào thì có nguy cơ rất cao mất an toàn. Quán triệt toàn bộ các hướng biển đó phải đảm bảo phương án an toàn” – ông Cường nhấn mạnh.
Bồ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu chỉ đạo cuộc họp. |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: "Hơn 2.000 hồ ở miền Trung cơ bản đầy ắp nước. Do đó hồ thuỷ điện và thuỷ lợi đều phải đặt trong tầm kiểm soát chặt chẽ nhất, nhất là hồ Kẻ Gỗ và Tả Trạch. Tôi đề nghị Tổng cục Thuỷ lợi và địa phương cử "quân" giám sát, nếu chỉ mưa 200-300mm thì vẫn có nguy cơ cao xảy ra "thủy phá thổ"".
Ông Cường cũng lưu ý chú ý an toàn cho công tác ứng phó, cứu hộ cứu nạn, đặc biệt là trong bối cảnh toàn bộ hoạt động sườn Tây khu vực miền Trung hiện nước đã bão hoà, bất kỳ tổn thương nào nhỏ cũng gây nguy cơ sạt lở lớn.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết: Mưa lũ, sạt lở đất ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên thời gian qua gây thiệt hại nặng nề nhất nhiệm kỳ này.
Theo Phó Thủ tướng cho biết, khi đi kiểm tra vùng thiệt hại do mưa lũ, sạt lở đất ở miền Trung vẫn còn nhiều hộ dân rất khó khăn, nhất là về lương thực thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác.
"Tôi đề nghị tập trung cứu trợ người dân, đặc biệt là ở Quảng Bình, Hà Tĩnh. Khẩn trương cứu trợ về lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm cho bà con. Ngoài ra, làm thế nào bà con có chất đốt để nấu nướng, vì điện lưới nhiều nơi đang mất", Phó Thủ tướng đề nghị.
Phó Thủ tướng cho biết, nhiều đoàn cứu trợ mới chỉ vào khu vực thuận lợi về giao thông, còn nhiều chỗ khó khăn hàng cứu trợ chưa đến được với người dân. “Bộ NN&PTNT cần tiếp tục cử đoàn vào miền Trung để xem bà con cần hỗ trợ những gì để có biện pháp cứu trợ. Tôi đề nghị Bộ NN&PTNT cần hỗ trợ cho mỗi tỉnh chịu thiệt hại về mưa lũ, sạt lở đất ở miền Trung mỗi tỉnh 5 tấn xúc xích, bởi ngoài ngoài mỳ tôm, bánh mỳ thì cũng cần xúc xích để đảm bảo đủ dinh dưỡng. Làm thế nào hàng cứu trợ phải đến tận tay người dân", Phó Thủ tướng đề nghị.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo tại Hội nghị. |
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, hàng hóa cứu trợ cần tập trung giao về đầu mối các địa phương, Mặt trận Tổ quốc. Bởi thông qua chính quyền địa phương, cơ quan chuyên trách mới nắm được chính xác danh sách các hoàn cảnh cần hỗ trợ, từ đó hàng cứu trợ mới đến đúng hoàn cảnh cần hỗ trợ.
Vẫn liên quan đến công tác cứu trợ, khắc phục hậu quả thiên tai ở các tỉnh miền Trung, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT phối hợp với các đơn vị chuyên trách của Bộ Quốc phòng cần tính toán để bố trí phương tiện, có thể phải sử dụng trực thăng để đẩy nhanh công việc này.
Phó Thủ tướng lưu ý, khu vực miền Trung đã chịu tổn thất nặng nề đợt thiên tai vừa qua nên cần sớm lên kế hoạch ứng phó với bão số 8, giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất.