Đắk Nông: Chưa quản lý được người có AIDS

Thứ Sáu, 08/12/2006, 14:39
Những người bị lây nhiễm HIV rất mặc cảm khi đi xét nghiệm, họ cố tình khai sai tên tuổi, địa chỉ, hoặc chỉ chấp nhận "mã số"; dẫn đến tình trạng địa phương nào cũng có tên người nhiễm HIV nhưng không có người và địa chỉ cụ thể.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Nông, đến thời điểm này, trên toàn tỉnh có 163 người có HIV, trong đó 29 người chuyển sang giai đoạn AIDS. Trên thực tế số người bị nhiễm lớn hơn nhiều so với số liệu mà Trung tâm Y tế nắm được. Bởi vì, theo công thức tính mà Bộ Y tế đã đưa ra, đến cuối năm 2006, số người có HIV trên địa bàn tỉnh sẽ là gần 1.000 người.

Như vậy, một thực tế không thể phủ nhận, đó là số người có HIV/AIDS trong cộng đồng chưa được phát hiện, quản lý không phải là nhỏ và chính họ cũng không biết mình có HIV nên chưa được tư vấn những kiến thức về phòng tránh lây nhiễm cho người khác cũng như cách chăm sóc sức khỏe cho bản thân nên nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng là rất cao.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Đắk Nông đã tiến hành xét nghiệm HIV cho 2.120 người và trong số hơn 200 đối tượng nghiện ma túy khi xét nghiệm cho kết quả 6 người bị nhiễm chuyển sang giai đoạn cuối. Các đối tượng xét nghiệm chủ yếu được kết hợp với các hoạt động khám chữa bệnh, khám nghĩa vụ quân sự, khám sức khỏe lao động; xét nghiệm theo yêu cầu của các cơ quan chức năng đối với các đối tượng sử dụng ma túy, hành nghề mại dâm khi bị bắt.

Một thực tế là các đối tượng nằm trong diện có nguy cơ lây nhiễm HIV cao tình nguyện đến xét nghiệm chỉ có 554 người và không ít người biết mình bị lây nhiễm. Điều đó là trở ngại lớn đối với cơ quan chuyên môn trong việc nắm bắt được con số thực tế để chủ động trong việc quản lý, chăm sóc và tránh lây lan cho cộng đồng.

Những người bị lây nhiễm HIV rất mặc cảm khi đi xét nghiệm và nếu có đi thì họ cũng cố tình khai sai tên tuổi, địa chỉ, hoặc chỉ chấp nhận "mã số". Vì vậy đã xảy ra tình trạng là địa phương nào cũng có tên đối tượng có HIV nhưng không có người và địa chỉ liên lạc cụ thể.

Không hiếm chuyện cán bộ y tế lần theo danh sách để quản lý, tư vấn, chăm sóc, nhưng không tìm được vì đó chỉ là địa chỉ "ma". Có trường hợp đúng tên, đúng địa chỉ nhưng người nhà mặc cảm đã phủ nhận, từ chối tiếp xúc và tư vấn.

Mặt khác, có những đối tượng khi biết mình bị nhiễm đã bỏ đi khỏi địa bàn cư trú và có không ít đối tượng bị nhiễm từ tỉnh khác đến trú ngụ tại Đắk Nông nên việc phát hiện, quản lý càng khó khăn, phức tạp hơn. Một thực tế là do nhận thức thấp (nơi vùng quê) nên không ít người trong xã hội tỏ thái độ xa lánh người bị nhiễm. Như trường hợp của cô giáo S (huyện Đắk Mil) bị lây nhiễm HIV từ người chồng nghiện ma túy, khi phụ huynh học sinh biết được điều này đã không cho con em họ lên lớp học do cô giáo S chủ nhiệm. Quá mặc cảm với dư luận nên cô giáo S đã xin nghỉ việc.

Do sự mặc cảm và tâm lý e ngại nên không ít người nhiễm không chịu hợp tác với cán bộ y tế, đồng thời nuôi ý định trả thù đời. Nhiều bệnh nhân đã tự tìm mua các loại thuốc như ARV, thuốc điều hoà miễn dịch, thuốc phòng ngừa và điều trị bệnh cơ hội. Đây là những loại thuốc đắt tiền, phải uống thường xuyên, liên tục và có sự theo dõi của bác sỹ thì mới có hiệu quả. Điều đáng nói hơn là có những người do thiếu hiểu biết nên phát hiện mình bị nhiễm quá muộn, gây hậu quả đau lòng là lây lan cho người thân và cộng đồng.

Truyền thông đại chúng là chìa khóa tốt nhất trong việc giúp cho người dân có những hiểu biết đúng đắn về HIV/AIDS. Đồng thời, các cấp chính quyền tỉnh Đắk Nông cũng phải thực sự vào cuộc, đề ra chương trình cụ thể, tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, quản lý chặt chẽ các đối tượng bị nhiễm ở địa phương

Hồng Linh
.
.
.