Đắk Lắk: Tai nạn lao động và những nỗi đau

Thứ Hai, 26/05/2014, 12:01
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng. Tai nạn lao động đã trở thành nỗi đau dai dẳng bởi không chỉ hậu quả của nó để lại là vết thương về thể xác, tinh thần mà còn cả gánh nặng mưu sinh cho mỗi gia đình. Để giảm thiểu nỗi đau này, rất cần trách nhiệm của cả cộng đồng cùng các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và chính mỗi người lao động…

Những nỗi đau dai dẳng

Làm công nhân khai thác đá hơn 17 năm, từng nắm vững những thao tác và quy trình khai thác đá nhưng chỉ vì một sơ suất nhỏ trong khi thực hiện nổ mìn vào năm 2004 mà anh Võ Thanh Tùng (trú phường Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) phải gánh chịu nỗi đau vĩnh viễn: Mù hai mắt, gãy tay trái và rất nhiều vết thương ở đầu, chân. Từ một người lành lặn và là trụ cột kinh tế của gia đình, bỗng chốc anh trở thành người khuyết tật với tỷ lệ mất sức lao động 98%.

“Lúc ấy, cuộc sống của gia đình tôi gặp khó khăn vô cùng, 2 con còn nhỏ, vợ chỉ ở nhà nội trợ, làm vườn nên kinh tế ngày càng kiệt quệ. Tôi không chỉ gánh chịu nỗi đau thể xác mà còn rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần vì không biết phải làm gì để chăm lo cho gia đình, vợ con” - anh Tùng nghẹn ngào cho biết.

Không đầu hàng trước số phận, anh đã đăng ký tham gia Hội Người mù của tỉnh, được tạo điều kiện theo học nghề mát xa thư giãn, làm chổi nhưng thu nhập kiếm được cũng chẳng đáng là bao. Sau đó anh quyết tâm học thêm nghề y học cổ truyền, chữa các bệnh về xương khớp, thần kinh tọa, thu nhập mỗi tháng cũng được khoảng 3-4 triệu đồng. Những tưởng nỗi đau rồi cũng sẽ qua đi nhưng cách đây không lâu, người vợ quyết định chia tay, mình anh phải gồng gánh nuôi 2 con ăn học, khó khăn càng thêm chồng chất.

Còn chị Ngô Thị Minh (công nhân vệ sinh của Công ty TNHH Môi trường Đông Phương, TP. Buôn Ma Thuột) vẫn chưa hết bàng hoàng, xót xa mỗi khi nhớ lại vụ tai nạn lao động kinh hoàng xảy ra vào đầu năm 2013. 

Hiện trường vụ tai nạn lao động làm giám đốc và nhân viên Công ty Viên Nguyên bị thiệt mạng.

Chị Minh cho biết, vào khoảng 3h sáng 4/1/2013, khi đang làm nhiệm vụ quét dọn, thu gom rác thải trên vỉa hè ở đường Nguyễn Văn Cừ, đoạn trước UBND phường Tân Lập, chị bất ngờ bị một xe ben chở cát đi cùng chiều lao đến tông thẳng vào người. Để giữ được mạng sống, chị đã phải trải qua rất nhiều lần phẫu thuật, cắt bỏ cả 2 chân. Sau hơn 4 tháng điều trị, các vết thương đã lành nhưng suốt quãng đời còn lại của chị phải gắn liền với chiếc xe lăn. “Tai nạn lao động đó đã lấy đi của tôi rất nhiều thứ. Tôi không còn đủ khả năng chăm lo cho bản thân, gia đình và cả việc ăn, học của 2 con, mọi gánh nặng đều đè lên vai ông xã” - chị Minh nấc nghẹn.

Mới đây nhất, vào khoảng 9h30 ngày 19/5/2014, trong khi đi kiểm tra an toàn lao động tại xưởng sang chiết khí oxy của công ty, ông Phạm Quang Uyên (64 tuổi, trú 324 Nguyễn Tất Thành, TP Buôn Ma Thuột, Giám đốc Công ty TNHH TM và DV Viên Nguyên, đóng tại Khu công nghiệp Tân An), anh Nguyễn Quang Trung (33 tuổi, nhân viên lái xe công ty) và anh Đoàn Ngọc Nam (32 tuổi, đầu bếp công ty) đã bị bình khí bất ngờ phát nổ. Vụ tai nạn thương tâm đã làm ông Uyên và anh Trung chết tại chỗ, anh Nam bị thương nặng.  

Để hạn chế tai nạn lao động

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Đắk Lắk, trong năm 2013, trên địa bàn đã xảy ra 27 vụ tai nạn lao động làm 6 người chết, 12 người bị thương nặng. Tuy nhiên, con số trên mới chỉ là báo cáo của 92 doanh nghiệp trong tổng số hơn 5.400 doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh gửi về. Con số thực tế về các vụ tai nạn lao động, nhất là các vụ tai nạn nghiêm trọng sẽ còn cao hơn nhiều so với báo cáo.

Qua điều tra, xác minh các vụ tai nạn lao động, có thể thấy nguyên nhân ở cả 2 phía: người sử dụng lao động không quan tâm đến công tác huấn luyện về an toàn lao động, không có quy trình, biện pháp an toàn lao động, không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động, các thiết bị không bảo đảm an toàn…và người lao động vi phạm các quy trình, biện pháp về an toàn lao động, không sử dụng các trang thiết bị, phương tiện bảo vệ cá nhân...

Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó trưởng Phòng Lao động - Tiền lương và Việc làm Sở LĐTBXH tỉnh Đắk Lắk, do lực lượng làm công tác thanh tra, kiểm tra mỏng nên việc kiểm soát an toàn lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn gặp rất nhiều khó khăn. Ngay trong Tuần lễ Quốc gia về An toàn vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ lần thứ 16 - năm 2014, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh cũng chỉ có thể kiểm tra tại 28 doanh nghiệp. Còn lại, phải yêu cầu các huyện thành lập đoàn kiểm tra liên ngành nhằm góp phần chấn chỉnh những thiếu sót, sai phạm trong thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ tại doanh nghiệp.

Để giảm thiểu tai nạn lao động, thiết nghĩ cả doanh nghiệp, người lao động và các đơn vị quản lý phải cùng chung tay. Đối với các doanh nghiệp cần quan tâm nâng cao hiệu quả công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, tăng cường đầu tư kinh phí để cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, mua sắm trang thiết bị bảo hộ lao động, phòng chống cháy nổ, xây dựng và củng cố hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh. Bên cạnh đó, người lao động phải nâng cao nhận thức về quyền của mình trong an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, yêu cầu doanh nghiệp cung cấp bảo hộ lao động, lối thoát hiểm theo đúng quy định, tuân thủ các nguyên tắc an toàn lao động trong vận hành, sản xuất để tự bảo vệ mình

V.T - N.X.
.
.
.