Đãi vàng trái phép trên sông Pô Kô: Hiểm nguy rình rập

Thứ Ba, 14/05/2013, 09:09
Hàng ngày người dân nơi đây bỏ nương, rẫy kéo nhau ra lòng sông Pô Kô dưới chân cầu Kroong, tụ tập thành nhiều nhóm gần cả trăm người với các dụng cụ đãi vàng thủ công thô sơ. Các dụng cụ mà người dân sử dụng chủ yếu bằng chảo đãi, xẻng, thau, chậu, cuốc… hì hục lặn ngụp, đắm mình múc đất đá dưới đáy sông để “tìm vàng”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những người đào đãi vàng chủ yếu thuộc 2 thôn, thôn 3 và thôn 4 thuộc xã Kroong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Không chỉ đào đãi dưới lòng sông mà ngay sát bờ, không khí “ lao động” cũng không kém phần hăng say.

Đào đãi vàng như công trường trên dòng sông Pô Kô.

Được biết, bãi vàng trên sông Pô Kô đoạn dưới chân cầu Kroong có từ khá lâu rồi, nhưng số lượng vàng không nhiều, thời gian khai thác không lâu, một năm chỉ có vài tháng khai thác. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn chưa được ngăn chặn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thành Đức, Chủ tịch UBND xã Kroong cho biết: “Chính quyền địa phương vẫn biết hiện tượng người dân đổ xô đi đãi vàng trái phép dưới chân cầu Kroong, lực lượng Công an xã cũng nhiều lần truy đuổi, chính quyền địa phương cũng có nhắc nhở, cũng như tuyên truyền, vận động người dân, nhưng đâu lại vào đấy, lực lượng còn quá mỏng để thực hiện được điều này”.

“Việc đãi vàng dưới chân đập thủy điện là điều vô cùng nguy hiểm, vì vậy chúng tôi liên tục cảnh báo người dân, không riêng gì người dân khai thác vàng mà cả những người dân làm đồng áng, bắt cá, chăn bò 2 bên bờ sông dưới chân đập. Tuy nhiên điều đáng nói ở đây là, việc xả nước của hồ thủy điện thường diễn ra vào buổi sáng khoảng từ 8h đến 9h, mà không có lịch xả nước cụ thể gởi xuống chính quyền địa phương, vì vậy chúng tôi cũng đang rất khó khăn trong việc cảnh báo xả nước cho người dân sống và làm việc bên 2 bờ sông”, ông Nguyễn Thành Đức chia sẻ.

Tình trạng đào đãi vàng dưới dòng sông Pô Cô, nằm ngay dưới chân đập thủy điện là vô cùng nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của người dân. Chính quyền địa phương cần có biện pháp ngăn chặn, đồng thời huy động các tổ chức đoàn thể, già làng, thôn trưởng, những người có uy tín đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra…

Văn Phong
.
.
.