Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ IX thành công tốt đẹp

Thứ Sáu, 13/08/2010, 10:57
Sáng 12/8 tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức trọng thể Đại hội lần thứ IX Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2010-2015. Đại hội sẽ tổng kết 20 năm thực hiện cương lĩnh năm 1991; và 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng.

Các đồng chí: Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; các đồng chí: Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Tô Huy Rứa - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi thư và lẵng hoa chúc mừng. 

Đến dự Đại hội có các đồng chí: Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư; Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội và hơn 200 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Bộ, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, các nhà báo lão thành.

Phát biểu khai mạc tại Đại hội, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã nhấn mạnh: Đại hội lần thứ IX có nhiệm vụ đánh giá, tổng kết các hoạt động báo chí và hoạt động của Hội trong những năm qua; khẳng định và biểu dương những thành tựu và đóng góp của báo chí Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam đối với sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; chỉ ra những yếu kém, khuyết điểm trong hoạt động báo chí cũng như hoạt động của các cấp Hội; xác định phương hướng nhiệm vụ và giải pháp nâng cao vai trò, vị trí chất lượng và hiệu quả hoạt động trong nhiệm kỳ tới.

Đại hội có nhiệm vụ lựa chọn những nhà báo xứng đáng đại diện cho giới báo chí cả nước vào Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa IX để nhận trách nhiệm chỉ đạo các cấp Hội Nhà báo xây dựng Hội Nhà báo Việt Nam phát triển lớn mạnh trong những năm 2010-2015.

Thay mặt Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa VIII, đồng chí Lê Quốc Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã trình bày Báo cáo chính trị với tiêu đề: "Tiếp tục nâng cao vị trí, vai trò, chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa IX (2010 - 2015). Ảnh: Hoàng Long.

Báo cáo chính trị nêu rõ: Hoạt động báo chí và hoạt động Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2005 - 2010 trong khoảng thời gian có nhiều sự kiện mang ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với đất nước và giới báo chí Việt Nam; đồng thời cũng là giai đoạn mà tình hình trong nước và quốc tế có những diễn biến phức tạp, tác động không nhỏ đến tình hình kinh tế - xã hội, đất nước và hoạt động báo chí.

Tính đến thời điểm tháng 12/2009, cả nước hiện có 706 cơ quan báo in, 1 hãng thông tấn quốc gia, 2 đài phát thanh, truyền hình quốc gia, 37 báo điện tử, 160 trang điện tử của các cơ quan báo chí, hàng ngàn trang thông tin điện tử... Đài Tiếng nói Việt Nam đã phủ sóng 97,5% diện tích lãnh thổ và phủ sóng qua vệ tinh đến nhiều nước trên thế giới. Đài Truyền hình Việt Nam phủ sóng toàn bộ lãnh thổ trong nước và phủ sóng qua vệ tinh đến nhiều khu vực ở ngoài nước. Nhiều cơ quan báo chí đã phát triển bao gồm một số loại hình báo chí (báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình).

Cả nước có hơn 17.000 người làm báo chuyên nghiệp được cấp thẻ nhà báo, hàng ngàn cán bộ, kỹ sư, nghệ sỹ, nhân viên làm việc trong các cơ quan báo chí và hàng chục ngàn người khác là cộng tác viên, nhân viên, lao động tham gia các công đoạn. 

Bằng các hình thức, phương pháp, thể loại phong phú, các cơ quan báo chí đã phản ánh kịp thời mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân, phát hiện, cổ vũ các nhân tố, điển hình tiên tiến, góp phần quan trọng củng cố lòng tin của nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới. Các ấn phẩm báo chí đã giới thiệu nhiều tác phẩm báo chí, văn học nghệ thuật có giá trị, đáp ứng nhu cầu thông tin, văn hóa của nhân dân; đồng thời tham gia tích cực, có trách nhiệm, hiệu quả trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tệ nạn xã hội, phanh phui các vụ tiêu cực.

Hệ thống báo chí cũng đã đóng góp quan trọng vào công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại. Nhiều cơ quan báo chí là bà đỡ cho các hoạt động nhân đạo xã hội có sức lan tỏa mạnh mẽ giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, nạn nhân da cam, người nghèo, có hoàn cảnh bất hạnh…

Bên cạnh những thành tích đã đạt được, Báo cáo chính trị cũng nhìn nhận rõ một số tồn tại, hạn chế của báo chí hiện nay như: một số cơ quan báo chí và nhà báo còn thiếu nhạy bén chính trị, chưa thực hiện tốt tôn chỉ mục đích, để lọt thông tin không trung thực, đưa tin giật gân... Một số cơ quan báo chí còn chậm đổi mới nội dung và hình thức, chưa hấp dẫn, hiệu quả tuyên truyền không cao. Một số báo, đài có xu hướng mở thêm ấn phẩm phụ, thêm chương trình theo hướng xã hội hóa nhưng chưa quản lý chặt nội dung và chất lượng. Hiện tượng khai thác chương trình nước ngoài với tỷ lệ cao, thiếu chọn lọc còn xảy ra.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu dự Đại hội.

Phát biểu tại Đại hội, thay mặt Đảng, Nhà nước, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã biểu dương những đóng góp to lớn của giới báo chí nước nhà và của Hội Nhà báo Việt Nam trong nhiệm kỳ qua. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Hiện nay, Đảng ta đang tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Đại hội sẽ tổng kết 20 năm thực hiện cương lĩnh năm 1991; 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (2001-2010) và 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng, trên cơ sở đó đề ra những phương hướng, quyết sách quan trọng để đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Nhiệm vụ trong giai đoạn tới rất nặng nề, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết nhất trí, tập trung cao độ sức người, sức của, khai thác tích cực nhất mọi tiềm năng, trí tuệ và sức sáng tạo để thực hiện mục tiêu đã đề ra. Báo chí với những khả năng và thế mạnh của mình, phải là một trong những lực lượng quan trọng đi đầu trong việc thực hiện mục tiêu đó.

Đảng và Nhà nước luôn quan tâm ủng hộ và tạo các điều kiện thuận lợi để báo chí phát triển, để các nhà báo phát huy tài năng sáng tạo, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, phục vụ và cống hiến nhiều nhất cho đất nước. Với chức năng là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội, đồng thời là diễn đàn của nhân dân, báo chí cần nỗ lực phấn đấu để góp phần nâng cao dân trí, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, cổ vũ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; đồng thời tích cực bồi dưỡng, từng bước hình thành bản lĩnh, trí tuệ, tâm hồn, nhân cách con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Chiều 12/8, Đại hội đã thông qua điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam sửa đổi và công bố danh sách Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khoá IX nhiệm kỳ 2010-2015.

Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa IX nhiệm kỳ 2010-2015 có 51 đồng chí (Liên chi hội Nhà báo Bộ Công an có Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL - CAND, Tổng Biên tập Báo CAND tái cử). Tối 11/8, Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khoá IX đã có phiên họp đầu tiên bầu Ban Thường vụ gồm 11 đồng chí, Ban Kiểm tra gồm 7 đồng chí và phân công công tác chức danh lãnh đạo Hội.
- Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa IX
- Các đồng chí Phó Chủ tịch gồm:
+ Đồng chí Tạ Ngọc Tấn - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
+ Đồng chí Hà Minh Huệ, Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam
+ Đồng chí Phạm Quốc Toàn (Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khoá VIII tái cử)
+ Đồng chí Mã Diệu Cương, Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh
- Ban Kiểm tra Hội Nhà báo gồm 7 đồng chí do đồng chí Hà Kim Chi làm Trưởng ban

Xuân Luận
.
.
.