“Đại gia” nước ngoài xâm nhập thị trường bất động sản Việt Nam

Thứ Năm, 14/09/2006, 14:05

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã và đang tiến hành các hoạt động tìm hiểu, nghiên cứu và đầu tư nhằm khai thác thị trường bất động sản Việt Nam. Những tên tuổi lớn như CBRE, Vina Capital, Indochina Capital đã triển khai nhiều dự án và đạt kết quả khả quan.

Đã có mặt nhiều "đại gia"

Là một công ty BĐS hàng đầu thế giới, tháng Giêng năm 2003, Công ty CB Richard Ellis (CBRE) Mỹ vào Việt Nam và chỉ sau một thời gian ngắn, Công ty CBRE Việt Nam đã bành trướng hoạt động khắp các thành phố lớn trong cả nước. Song song với hàng loạt dự án được CBRE triển khai như xây dựng, CBRE còn giành quyền tiếp thị độc quyền nhiều dự án lớn thành công như: Vinpeal (Nha Trang), Indochia Park Tower (TP Hồ Chí Minh), Thùy Dương Plaza (Vũng Tàu)…

Cùng với CBRE Việt Nam, Công ty Tài chính Vina Capital đã sớm thấy tiềm năng của thị trường BĐS nên đã quyết định thành lập Quỹ Vietnam Opportunities Fund (VOF) từ năm 2003, đầu tư vào các lĩnh vực tài chính, chứng khoán, cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước… kết hợp với các dự án kinh doanh BĐS có chọn lọc.

Hai dự án thành công của VOF ở Việt Nam là tái cấu trúc khách sạn Sofitel Metropol Hotel và tư vấn cho dự án Hùng Vương plaza. Năm 2005, với kết quả hoạt động khả quan của mình, Vina Capital đã đủ sức thuyết phục các nhà đầu tư nâng số vốn của VOF từ 95 triệu USD lên 171 triệu USD, đồng thời cho ra đời Quỹ Vinaland với vốn đầu tư gần 200 triệu USD. Theo đó, quỹ này sẽ đầu tư vào các lĩnh vực BĐS đang nóng ở Việt Nam, kể cả dự án cho người có thu nhập thấp lẫn cảng biển, hàng không và cầu đường.

Không giống như những "đại gia" khác, Indochina Capital lại có chiến lược kinh doanh khác. Sau khi đầu tư thành công vào hai dự án cao ốc thương mại Saigon Centre và khu resort Furama (Đà Nẵng), Indochina Capital thành lập Quỹ BĐS Indochina Land Holdings bắt đầu "nhắm" đến thị trường triển khai một số dự án địa ốc và nghỉ mát rất khả quan ở miền Trung như tòa tháp Indochina Riverside, cụm khách sạn, nhà nghỉ cao cấp (Đà Nẵng), khu resort Nam Hải (Quảng Nam).

Nhắm đến thị trường cao cấp… chiến lược của các "đại gia"

Có thể thấy một sự khác biệt giữa các nhà kinh doanh BĐS trong nước và nước ngoài là: Nếu như các nhà đầu tư Việt Nam do khả năng vốn thấp nên hướng vào các dự án nhỏ về xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp, trung bình, trong khi đó, thị trường BĐS mà các nhà đầu tư nước ngoài thường nhắm đến là xây dựng cao ốc, khu chung cư, văn phòng cao cấp.

Tại TP Hồ Chí Minh, hàng chục dự án căn hộ cao cấp, biệt thự và văn phòng cho thuê đang triển khai ở các giai đoạn khác nhau. Gần đây, nhiều dự án vừa mới xây xong tại quận 1, quận 3 được rao bán trong vài ngày là đã có khách mua hết. Điều đó cho thấy, thị trường BĐS cao cấp vẫn sôi động, trong khi mức giá hiện tại không hề rẻ chứng tỏ nhu cầu mua nhà để ở của người dân là có thực và rất lớn. Trong tương lai, thị trường này sẽ là một tiềm năng lớn khi mà Luật Nhà ở 2006 (có hiệu lực từ ngày 1/7) cho phép Việt kiều, người nước ngoài (có hạn chế), các tổ chức nước ngoài được quyền mua nhà tại Việt Nam.

Một khảo sát gần đây của Công ty CBRE Việt Nam cho biết, từ nay đến hết năm 2010, thị trường sẽ có thêm trên dưới 12.000 căn hộ cao cấp được hoàn thành.

Theo các chuyên gia kinh doanh BĐS, thời gian qua, thị trường BĐS Việt Nam đóng băng một thời gian dài nên đã chôn một lượng lớn vốn các ngân hàng và nhà đầu tư trong nước. Nhưng với các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh thì đó lại là điều kiện thuận lợi cho họ khai thác thị trường BĐS.

Nhiều nhà đầu tư còn cho rằng, thị trường vốn Việt Nam vẫn chưa phát triển được nhiều loại hình dịch vụ tài chính hỗ trợ cho lĩnh vực kinh doanh BĐS. Việc các nhà đầu tư nước ngoài hướng sự quan tâm vào thị trường này sẽ góp phần không nhỏ trong việc phát triển thị trường BĐS trong nước

Anh Huy
.
.
.