Dai dẳng nạn “vàng tặc” tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh

Chủ Nhật, 15/06/2014, 09:55
Ông Nguyễn Trí, Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) sông Thanh, kiêm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm (HKL) rừng đặc dụng Sông Thanh, cho biết, xã Đắc Pring (huyện Nam Giang, Quảng Nam) có 28 nghìn héc-ta đất lâm nghiệp. Trong đó, 23 nghìn héc-ta có rừng, với 7 tiểu khu thuộc vùng lõi Khu BTTN Sông Thanh.

Với diện tích rừng lớn, song lực lượng mỏng nên “vàng tặc” lợi dụng tổ chức khai thác dai dẳng trong Khu BTTN Sông Thanh. Liên tục từ năm 2012 đến nay, Ban Quản lý Khu BTTN Sông Thanh và và HKL rừng đặc dụng Sông Thanh đã tổ chức hàng chục đợt truy quét, đẩy đuổi, phá bỏ nhiều lán trại, máy móc, thiết bị khai thác vàng trái phép của “vàng tặc”, song qua những đợt truy quét, mọi chuyện lại như cũ… 

Như Báo CAND đã phản ánh vấn nạn “vàng tặc” tàn phá núi rừng Khe Lên, tại xã Đắc Pring (Nam Giang), một điểm trong Khu BTTN Sông Thanh. Rời Khe Lên, chúng tôi tiến sâu vào rừng phát hiện “vàng tặc” ở Khe Nhiên cũng hoạt động nhộn nhịp không kém.

Một khu vực đào bới của “vàng tặc” trong Khu BTTN Sông Thanh.

Tại đây, người dẫn đường cho chúng tôi biết, có hai “trùm” là Mai và Vinh (trú huyện Nam Giang) cầm đầu. Bọn chúng cho “đàn em” khai thác vàng trái phép theo hình thức “cuốn chiếu”. Chúng chọn khai thác những đoạn suối có địa hình tương đối phẳng, ít đá tảng; hai bên suối chủ yếu cát và đất; sử dụng máy múc công suất lớn, nhiều giàn đãi vàng, máy nổ… để khai thác vàng một cách triệt để hết đoạn suối này đến đoạn suối khác, sâu vào bên trong Khu BTTN Sông Thanh hàng chục cây số.

Khai thác xong, nhằm tránh những đoạn suối hẹp, nhiều đá tảng và hiểm trở, chúng đào phá cây rừng, múc hạ đất đồi núi thành đường lớn, di chuyển máy móc vào các đoạn suối mới tiếp theo. Những cánh rừng già xanh tốt ngút ngàn trong Khu BTTN Sông Thanh đã bị đào bới tan hoang, đất đá nham nhở như một bãi chiến trường. Suốt hơn 10 giờ đồng hồ chúng tôi mới lội hết được khu vực Khe Nhiên. Nhìn xung quanh đều một màu đất, nước đỏ quạch; cây rừng bị đào hạ ngổn ngang, la liệt...

Rõ ràng, với hoạt động rầm rộ của “vàng tặc” tại Khe Lên, Khe Nhiên… trong Khu BTTN Sông Thanh hiện nay như chúng tôi đã chứng kiến, trước hết là do sự buông lỏng trong công tác quản lý, thiếu trách nhiệm của Ban Quản lý Khu BTTN Sông Thanh và lực lượng Kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của huyện Nam Giang, chính quyền các xã Đắc Pring và Đắc Pre cũng không thể đổ thừa do lực lượng mỏng không thể kiểm soát hết được. Đề nghị chính quyền tỉnh Quảng Nam và huyện Nam Giang sớm có biện pháp chấn chỉnh để xử lý dứt điểm vấn nạn “vàng tặc” trong Khu BTTN Sông Tranh

Thanh Bình
.
.
.