Đã có bệnh nhân tử vong do ngộ độc rượu

Thứ Tư, 05/02/2014, 13:26
Theo thông tin từ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, trong mấy ngày Tết vừa qua, Trung tâm đã tiếp nhận 5 bệnh nhân bị ngộ độc rượu, đặc biệt đã có một bệnh nhân bị tử vong. Với suy nghĩ “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, gặp mặt đầu xuân phải có “tửu”… đã khiến không ít người phải nhập viện vì rượu.

Vào chiều mùng 3 Tết, một nam thanh niên khoảng 30 tuổi, trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội, nhập viện trong tình trạng vật vã, say rượu, huyết áp tụt sâu, tổn thương gan thận… Người nhà bệnh nhân cho biết, bệnh nhân này đã uống rất nhiều loại rượu khác nhau từ ngày 30 Tết đến ngày được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sỹ đã tiến hành nhiều biện pháp cấp cứu kịp thời như thở máy, lọc máu liên tục... Tuy nhiên, dù được tận tình cứu chữa nhưng tình trạng sức khỏe của thanh niên này ngày càng xấu đi và đã tử vong.

Ngoài trường hợp bệnh nhân ngộ độc rượu đã tử vong, Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Trung tâm Chống độc cũng cho biết, trong dịp Tết này, có bệnh nhân mặc dù biết mình mắc bệnh dạ dày nhưng vẫn cố tình uống nhiều rượu vì “vui quá đà” và đã phải vào Trung tâm cấp cứu. Đó là trường hợp anh Nguyễn Văn K., 40 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội. Biểu hiện của bệnh nhân buồn nôn, ợ chua, đầy bụng, đau bụng thượng vị một cách dữ dội. Các bác sỹ đã cho bệnh nhân này uống thuốc giảm tiết axít dạ dày và bọc niêm mạc dạ dày.

Bệnh nhân điều trị ngộ độc tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014.

Qua quá trình điều trị các bệnh nhân bị ngộ độc rượu mấy ngày Tết vừa qua cũng cho thấy, không ít người bị ngộ độc rượu là do chủ động pha cồn với rượu để uống nhằm làm tăng thêm độ của rượu. Bởi, với nhiều người, uống rượu “nặng” mới đủ “phê” trong những ngày vui xuân. Đây là một suy nghĩ hết sức sai lầm, dễ dẫn đến tình trạng ngộ độc rượu và để lại hậu quả khôn lường.

Đầu năm thông thường là thời điểm tình trạng ngộ độc rượu có chiều hướng gia tăng. Theo bác sỹ Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai thì tốt nhất là không nên uống rượu nếu không kiểm soát được. Nếu uống rượu, cần phải lựa chọn những loại rượu có nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác rõ ràng. Trước, trong và ngay sau khi uống rượu, cần phải giữ ấm, tránh lạnh, đồng thời không lái xe, vận hành máy móc lao động sau khi uống rượu... Trẻ em, vị thành niên, phụ nữ có thai, lái xe, vận hành máy móc hoặc các hoạt động đòi hỏi tập trung, người mới bỏ rượu xong… không nên uống rượu. Nếu đã trót uống quá chén, không nên tự lái xe đi lại một mình, nằm ngủ với tư thế nghiêng đầu và vai cao hơn, giữ ấm. Nếu có những biểu hiện như gọi hỏi không biết gì, co giật, thở yếu, khò khè, tím tái, nôn nhiều… cần gọi cấp cứu và đưa ngay đến bệnh viện.

Ngoài ngộ độc rượu, dịp đầu năm Giáp Ngọ 2014, tại Trung tâm Chống độc, bệnh nhân Nguyễn Văn H., 14 tuổi, trú tại huyện Gia Bình, Bắc Ninh cũng đã may mắn qua cơn nguy kịch vì bị ngộ độc… mật cá trắm. Chẳng là, vào đúng mùng 3 Tết, gia đình cháu H. có làm thịt một con cá trắm nặng gần 4kg. Thấy con trai hay bị các bệnh về đường tiêu hóa, lại nghe kinh nghiệm dân gian truyền miệng cho uống mật cá trắm sẽ khỏi, bố cháu H. đã lấy mật cá trắm trộn đường và cho cháu uống. Tuy nhiên, 3 giờ sau, cháu H. có các biểu hiện đau bụng dữ dội, đi ngoài phân lỏng, nôn ra dịch xanh. Gia đình đã cấp tốc đưa cháu đến Trung tâm Chống độc để cấp cứu. Tại đây, các bác sỹ đã làm các xét nghiệm, cho thấy men gan của cháu H. cao gấp gần 200 lần mức bình thường.

Bác sỹ Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Không ít người vẫn lầm tưởng nuốt mật cá trắm có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, mật cá trắm có chứa một loại axit có tác hại gây suy thận, tăng men gan, rất nguy hiểm nếu không được cứu chữa một cách kịp thời. Người dân cần nâng cao hiểu biết đối với các loại thực phẩm này

Ng. H.
.
.
.