Đa cấp biến tướng đang lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo
- Bẫy đa cấp tiền ảo và những con thiêu thân
- Lập nhiều doanh nghiệp huy động vốn đa cấp trái phép, chiếm đoạt trên 81,5 tỷ đồng
Ông Trịnh Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD) Bộ Công Thương cho biết, gần đây các hoạt động như: nuôi heo đất, nuôi bò online, trả thưởng Bouny, kiếm tiền từ ứng dụng điện thoại, mua các gói bảo hiểm như “khoản đầu tư”… hay tâm linh có dấu hiệu mê tín đều sử dụng hình thức trả hoa hồng trực tiếp, huy động vốn để hưởng lãi suất và lợi nhuận cao.
Một số thông tin có phản ánh các hoạt động này còn có biểu hiện tuyển dụng người vào sau để hưởng thêm hoa hồng giống với mô hình kinh doanh đa cấp. Cục CT&BVNTD đang thu thập thêm chứng cứ để đánh giá đầy đủ theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 40/2018/NĐ-CP trước khi có biện pháp xử lý hoặc chuyển cơ quan Công an xử lý theo thẩm quyền.
“Hoạt động kinh doanh đa cấp không phép là trái pháp luật, thường có xu hướng lừa đảo rất cao và hoạt động kinh doanh đa cấp không phép có thể bị xử lý hình sự 5 tỷ đồng hoặc 5 năm tù giam (Điều 217a Bộ luật Hình sự). Do đó, người tham gia có rất nhiều rủi ro cả về mặt tài chính và pháp lý khi tham gia các hoạt động kinh doanh đa cấp không phép”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Ứng dụng có tên “trang trại tiết kiệm” (hay còn gọi là “nuôi bò online”) đã lừa đảo hàng ngàn người trên cả nước. |
Theo ông Trịnh Anh Tuấn, gần đây, với việc các doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp được cấp Giấy chứng nhận theo quy định bị kiểm soát chặt chẽ, các hình thức biến tướng, lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để trục lợi để lừa đảo có xu hướng gia tăng rất nhanh, phức tạp và đa dạng về hình thức hoạt động: từ kêu gọi đầu tư thông qua việc mua cổ phần, mua phân quyền kinh doanh, rồi huy động đầu tư tài chính, tiền ảo, ngoại hối, quyền chọn nhị phân, đầu tư dự án vùng nguyên liệu… đến những hình thức lợi dụng thương mại điện tử như mua sắm hoàn tiền, mạng xã hội, bán khóa học online…
Hoạt động kinh doanh đa cấp không phép, biến tướng như hiện nay tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ xấu cho xã hội, do vậy việc cảnh báo và xử lý các đối tượng này không chỉ là trách nhiệm của Bộ Công Thương mà cần có sự tham gia phối hợp của nhiều Bộ ngành, cơ quan liên quan. Việc xử lý không chỉ sử dụng biện pháp hành chính mà cần mạnh tay với các biện pháp hình sự thì mới đảm bảo tính răn đe.
Với sự phát triển của công nghệ, chỉ với 1 chiếc điện thoại thông minh có thể có phép bất kỳ ai, lứa tuổi nào cũng dễ dàng tiếp nhận và trao đổi thông tin mọi lúc mọi nơi. Do đó, việc vận động, kêu gọi và tham gia vào các hoạt động có dấu hiệu kinh doanh đa cấp biến tướng này có thêm công cụ thuận lợi qua các nền tảng như mạng xã hội, các ứng dụng điện thoại đến các công cụ thanh toán trực tuyến.
Các hoạt động trao đổi, giao dịch đều chủ yếu thực hiện thông qua môi trường mạng Internet. Điều này đã gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý hành chính trong việc thu thập thông tin và chứng cứ để xử lý do hạn chế về thẩm quyền. Ngoài ra, hầu hết các vụ việc liên quan đến kinh doanh đa cấp không phép khi phát hiện đều thuộc quy mô xử lý hình sự (thu lợi bất chính từ 200 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại 500 triệu đồng trở lên; quy mô mạng lưới 100 người trở lên).
Chính vì vậy, để xử lý triệt để và đảm bảo tính răn đe, các cơ quan liên quan cần vào cuộc mạnh mẽ, và ngay từ đầu để thu thập chứng cứ làm căn cứ xử lý theo chế tài hình sự, theo các tội danh khác nhau: Điều 217a về tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp; Điều 174 Bộ luật Hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Điều 290 Bộ luật Hình sự (theo Điểm d Khoản 1 về Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp).