Đà Nẵng và các địa phương lân cận nâng mức phòng, chống dịch COVID-19
Các công trình thi công trên địa bàn phải đảm bảo phòng, chống dịch; sát khuẩn, đeo khẩu trang, đảm bảo cự ly tối thiểu 2m giữa người với người. Thực hiện nghiêm việc khai báo, kiểm tra y tế tại địa bàn dân cư; các khu nhà trọ, nhà ở công nhân…
Đặc biệt, chỉ đạo UBND các quận, huyện phối hợp với ngành Y tế sớm phát hiện các đối tượng nghi bị lây nhiễm; khoanh vùng và kịp thời cách ly, xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân (BN) mắc COVID-19 theo đúng quy trình. Trước thông tin trên, sáng 30-7, nhiều người dân đã lo lắng, đổ dồn về các siêu thị, chợ để mua hàng hóa, lương thực nhu yếu phẩm để tích trữ.
Công an TP Đà Nẵng ứng trực tại các chốt phong tỏa. |
Ngay sau đó, Sở Công Thương Đà Nẵng đã khuyến cáo người dân không nên tích trữ lương thực, thực phẩm với số lượng lớn. Vì, các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng tạp hóa… trên địa bàn vẫn mở cửa và luôn đảm bảo đầy đủ hàng hóa, tiêu dùng.
Theo ông Nguyễn Hà Bắc, Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng, đơn vị này đề nghị các đơn vị sản xuất, kinh doanh khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn, vật tư và trang thiết bị y tế cân đối, dự trữ hàng hóa và bảo đảm cung cấp đủ số lượng khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn, vật tư và trang thiết bị y tế, hàng hóa tiêu dùng, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, cho người dân; tuyệt đối không được găm hàng, đầu cơ, tăng giá gây bất ổn thị trường.
Chiều 30-7, bác sĩ Phạm Nguyễn Cẩm Thạch, Giám đốc Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng cho biết, bệnh viện đã ngừng tiếp nhận BN mới đến khám, điều trị. Từ tối 29-7, lực lượng Công an quận Hải Châu, đã lập rào chắn, chốt chặn, đảm bảo ANTT khu vực xung quanh bệnh viện để phòng, chống dịch COVID-19.
Cũng theo bác sĩ Thạch, trong tối 29-7, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng đã tiến hành phun hóa chất khử trùng; tổ chức xác minh các trường hợp là người thân, nhân viên y tế tiếp xúc gần với BN mắc COVID-19 số 449 (võ sư G.Jr., 57 tuổi, quốc tịch Mỹ, tạm trú tại đường Âu Cơ, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng), từng đến khám bệnh, điều trị tại đây.
Đến sáng 30-7, Bệnh viện Hoàn Mỹ đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng tổ chức phân loại, sàng lọc các trường hợp F1, F2. Những trường hợp F1 được lấy mẫu xét nghiệm và cách ly tại chỗ để chờ kết quả. Bệnh viện Hoàn Mỹ hiện có khoảng 120 bệnh nhân điều trị nội trú; các nhiệm vụ chuyên môn chăm sóc, khám chữa bệnh cho BN vẫn được đảm bảo.
Trước đó, Bệnh viện Đà Nẵng cũng đã chuyển hơn 800 người nhà và BN đến các địa điểm cách ly trên địa bàn nhằm giảm tải và giãn cách cho bệnh viện và hạn chế tình trạng lây nhiễm chéo. Tại các điểm cách ly, người nhà BN được đảm bảo về cơ sở vật chất, điều kiện ăn uống, sinh hoạt cũng như trang thiết bị cần thiết. Nhân viên y tế thường xuyên theo dõi sức khỏe trong suốt quá trình cách ly; những trường hợp F1 sẽ được cách ly hoàn toàn với những trường hợp F2.
Ngoài ra, Bệnh viện Đà Nẵng cũng chuyển 552 BN đến Bệnh viện Phụ sản – Nhi; Bệnh viện 199 (Bộ Công an); Bệnh viện Ung bướu; Bệnh viện Phổi. Hiện tại, ở Bệnh viện Đà Nẵng chỉ còn 673 BN được theo dõi, cách ly và điều trị các bệnh lý nền. Các BN ở lại được bệnh viện bố trí giường bệnh đảm bảo khoảng cách theo đúng quy chuẩn của Bộ Y tế.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, ngày 30-7, UBND tỉnh Quảng Nam quyết định cách ly xã hội đối với TP Hội An theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ; áp dụng từ 0h ngày 31-7 đến 0h ngày 14-8.
Theo đó, yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp cần thiết, như mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; các trường hợp cấp cứu, khám chữa bệnh, thiên tai, hỏa hoạn; không tập trung quá 2 người trở lên tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2m.
Tạm dừng các hoạt động giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao, lễ hội, hội thi, hội diễn, lễ kỷ niệm, triển lãm, nghi lễ tôn giáo; các khu, điểm du lịch, khu di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và đón mới khách du lịch; bãi tắm biển. Dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng.
Từ 0h ngày 31-7 đến 0h ngày 14-8, UBND tỉnh Quảng Nam quyết định tạm dừng các hoạt động để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại huyện Đại Lộc và thị xã Điện Bàn. Cụ thể, tạm dừng các hoạt động thể dục, thể thao; dừng hoạt động các cở sở kinh doanh, gồm nhà hàng, quán ăn, quán rượu bia, cà phê, giải khát (chủ các cơ sở được phép bán hàng cho khách mang về hoặc sử dụng dịch vụ giao hàng trực tiếp tại nhà); bãi tắm công cộng (đối với thị xã Điện Bàn)...
Ngày 30-7, TS.BS Nguyễn Thanh Xuân, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương (T.Ư) Huế cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế, cơ sở 2 của bệnh viện tiếp nhận thêm 8 BN nhiễm COVID-19 được chuyển từ TP Đà Nẵng ra điều trị. Trong đó có một ca từ Bệnh viện Hoàn Mỹ khả năng phải chạy ECMO; 4 ca kèm suy thận từ Bệnh viện Đa Khoa Đà Nẵng; 3 ca có dấu hiệu suy hô hấp từ Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.
Trước đó, tối 29-7, cơ sở 2 Bệnh viện T.Ư Huế cũng đã tiếp nhận BN nhiễm COVID-19 ở TP Đà Nẵng, gồm ca số 418 trong tình trạng rất nặng so với BN số 436, 438 (được chuyển từ Đà Nẵng ra tối 28-7) khi BN gặp biến chứng suy hô hấp, suy tim, tổn thương thận cấp, có sốt nhẹ.
Để chủ động phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh lây lan, từ 0h ngày 30-7, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế yêu cầu tạm dừng các hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường, massage, rạp chiếu phim; dừng tổ chức các hoạt động lễ hội, các sự kiện văn hóa, thể thao đông người, các hội nghị, hội thảo chưa cấp thiết; đề nghị các cơ sở tôn giáo không tổ chức các nghi lễ, lễ hội tụ tập đông người; khuyến khích người dân tổ chức ma chay, tiệc cưới, tiệc mừng... theo truyền thống gia đình; yêu cầu người dân ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn, hạn chế tập trung đông người.