Đà Nẵng: TNGT gia tăng

Thứ Tư, 21/10/2009, 21:41
TP Đà Nẵng được coi là địa phương có nhiều biện pháp mạnh trong việc lập lại TTATGT. Nhưng thời gian gần đây, tình hình TTATGT trên địa bàn ngày càng diễn biến phức tạp. Số vụ TNGT ngày càng gia tăng. Điều nghịch lý là hàng năm hễ cứ đến tháng ATGT thì Đà Nẵng lại có số vụ TNGT gia tăng. Liệu đây có phải là "cái dớp" mà TP Đà Nẵng chưa thể vượt qua!?

Theo thống kê của Phòng CSGT - Công an TP Đà Nẵng, trong tháng 9 - Tháng ATGT đã xảy ra 17 vụ TNGT đường bộ, làm chết 13 người, bị thương 12 người. So với tháng 8/2009, số vụ TNGT tăng 10 vụ (tăng 143%), chết tăng 7 người (tăng 117%) và bị thương tăng 4 người (tăng 50%).

So với cùng kỳ năm 2008 tăng 8 vụ (tăng 89%), số người chết tăng 7 người (tăng 117%) và số người bị thương tăng 5 người (tăng 71%). Nguyên nhân gây ra TNGT vẫn là những nguyên nhân muôn thuở như: ý thức của người tham gia giao thông còn kém (chủ yếu vi phạm các lỗi như lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ, uống rượu bia…); cơ sở hạ tầng giao thông chưa phát triển kịp với tốc độ gia tăng phương tiện giao thông…

Đối tượng gây TNGT chủ yếu là lái xe môtô 15/17 vụ, chiếm 88,23%; còn lại là ôtô. Địa phương xảy ra TNGT nhiều nhất là huyện Hòa Vang (5 vụ), Ngũ Hành Sơn và Liên Chiểu mỗi địa phương xảy ra 3 vụ; 3 địa phương còn lại là Hải Châu, Sơn Trà và Thanh Khê mỗi địa phương xảy ra 2 vụ. Đặc biệt, quận Cẩm Lệ không xảy ra TNGT.

Để lập lại TTATGT trên địa bàn, ngoài các biện pháp đã triển khai, lực lượng Công an TP Đà Nẵng mở đợt ra quân tổng kiểm soát ôtô chở khách.

Theo đó, các lực lượng Công an tập trung kiểm soát, xử lý nghiêm ôtô khách kinh doanh vận tải đường dài vi phạm như: chạy quá tốc độ, tránh vượt sai quy định, đi không đúng làn đường; dừng đỗ, đón trả khách không đúng quy định; xe hết niên hạn sử dụng, xe không bảo đảm an toàn, tiêu chuẩn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, chở quá số người quy định và khi điều khiển phương tiện, trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn...

Trường hợp vi phạm chở quá số người quy định phải yêu cầu xuống khách, bố trí cho hành khách đi xe khác; đối với những xe hết hạn sử dụng hoặc không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và khi điều khiển phương tiện, trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn phải đình chỉ hoạt động ngay... Đây là những giải pháp cụ thể.

Tuy nhiên hiệu quả của nó mang lại cao hay thấp thì còn tuỳ thuộc vào ý thức chấp hành của người dân và thái độ kiên quyết của các cấp, các ngành có trách nhiệm. Nếu không làm được như vậy thì TNGT khó bề được không chế

Trần Ánh
.
.
.