Đà Nẵng: Nước mắt người nuôi cá bè ở vịnh Mân Quang

Thứ Hai, 19/07/2010, 23:04
Liên tiếp trong mấy ngày gần đây, cá nuôi tại các lồng bè ở vịnh Mân Quang thuộc địa bàn phường Thọ Quang, quận Sơn Trà (Đà Nẵng), bỗng dưng chết hàng loạt.

Những con cá mú, cá hồng, cá bớp gần kỳ thu hoạch nổi trắng lồng nuôi. Các chủ bè phải khốn khổ vớt đưa vào bờ đào hố chôn để khỏi ô nhiễm môi trường. Theo họ 3/4 ngày qua, ít nhất trên 1 vạn con cá tại 12 bè đã chết, thất thu ước hơn 1 tỷ đồng.

Sáng 16/7, chứng kiến cảnh nhiều người vớt cá chết đưa lên bờ chôn chúng tôi mới thấu hết nỗi cơ cực của các chủ bè khi tại họa ập xuống cướp mất tài sản của họ. Ông Trần Văn Nữa, ở tổ 15 phường Mân Thái (Sơn Trà) gần 70 tuổi, cùng vợ khoác áo mưa vớt những con cá đã chết vào rổ.

Thấy chúng tôi bước lên bè, ông nói: thế là mất trắng hơn trăm triệu bạc rồi các chú ơi. Mấy hôm nay, nhìn cá chết mà lòng đau như xát muối, chẳng thiết gì ăn uống. Nợ ngân hàng 50 triệu đồng, tính đợt này thu hoạch sẽ trả, ai ngờ cá gần đến ngày xuất bán chết hết. Chỉ vào rổ cá với những con cỡ gần 1kg, ông Nữa khẳng định: đợt này họ rải thuốc gì độc lắm cá hồng mới bị chết nhiều như vậy. Mấy lần trước cũng dùng thuốc để xử lý mùi hôi ở âu thuyền Thọ Quang, cá cũng có chết nhưng ít hơn, riêng cá hồng không chết một con. Còn đợt này, loại thuốc gì làm nước đục màu hơi đỏ có váng.  

Nhiều chủ lồng mất tiền triệu vì cá chết do ô nhiễm.

Cách bè ông Nữa chừng dăm chục mét là bè của ông Nguyễn Văn Hồ ở tổ 19, phường Mân Thái, diện tích hơn 80m2, vốn đầu tư khoảng 80 triệu đồng. Đợt này ông Hồ nuôi 2.000 con toàn loại giá trị cao thường bán từ 140 - 160 nghìn đồng/kg. Do ô nhiễm nguồn nước, hơn 1.000 con đã chết. Theo ông, cá không chết cùng lúc mà chốc chốc một vài con bơi lừ đừ, rồi bật ngửa ra chết. 

Cùng nỗi niềm với 2 lão ngư cao tuổi nói trên, các chủ bè lân cận gồm các ông Lê Đức Bui, Phan Minh ở phường Nại Hiên Đông, ông Nguyễn Văn Tư ở tổ 36 Thọ Quang đều thất thần khi tài sản khá lớn bỗng chốc trắng tay. Ông Tư không giấu nổi sự bức xúc cho hay: từ lâu bà con nghèo chúng tôi, người nuôi nghêu, người nuôi cá kiếm sống. Trước đây chẳng hề gì. Mấy năm gần đây, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cá chết, nghêu chết. Chúng tôi già cả rồi, phải sống trong cảnh tạm bợ và liên tục hứng chịu mùi hôi thối từ âu thuyền bốc lên, nhưng vì cuộc sống phải bám trụ. Người ta không cảm thông chia sẻ, thỉnh thoảng xử lý môi trường kiểu gì làm ai cũng điêu đứng.

Tình trạng ô nhiễm môi trường ở âu thuyền Thọ Quang gây hôi thối cả khu vực xẩy ra từ lâu, nhưng ít khi nghiêm trọng dẫn đến cá chết hàng loạt như đợt này. Theo các chủ bè nuôi, để hạn chế mùi hôi, người ta đã dùng hoá chất xử lý. Chính hoá chất này làm cho nước chuyển từ trong xanh sang hơi đỏ và có váng là nguyên nhân gây nên thảm họa cho môi sinh và cá chết hàng loạt. Không chỉ cá trong lồng bè mà ngoài môi trường tự nhiên cũng chịu chung số phận. 

Vẫn biết, nuôi trồng thuỷ sản là hoạt động TP Đà Nẵng không có chủ trương duy trì và phát triển. Tuy nhiên, hiện tại đây là lĩnh vực đem lại hiệu quả kinh tế khá cao là nguồn thu nhập chủ yếu của hàng trăm hộ đa số thuộc diện nghèo, chính quyền các cấp và cơ quan chức năng cần bảo vệ quyền lợi chính đáng cho họ. Xử lý môi trường dẫn đến hủy diệt môi sinh như đã xẩy ra trong mấy ngày qua tại vịnh Mân Quang, chính quyền các cấp và cơ quan chức năng cần điều tra làm rõ và xử lý nghiêm minh

Nguyễn Cầu
.
.
.