Đà Nẵng: Làng chài "xông biển" đầu năm

Thứ Ba, 12/02/2008, 15:26
Chiều mồng một Tết, ngư dân đánh bắt bằng nghề te ruốc ở phường Mân Thái, quận Sơn Trà (Đà Nẵng) đã nô nức ra khơi, sản xuất đầu năm.

Sáng mồng 2 Tết, những chiếc ghe của phường Thuận Phước (Hải Châu), phường Hoà Hiệp Bắc, Hoà Hiệp Nam (Liên Chiểu) cũng rời bến đi nhận quà của biển.

Thời tiết thuận lợi, đại dương ưu ái, chưa trọn ngày kể từ khi rời bến, ghe nào cũng đưa về 5 - 7 tạ ruốc tươi. Với giá 4.200đ/kg, mỗi chuyến, 3 ngư dân/ghe, đã có nguồn thu hơn 2 triệu đồng. Trừ chi phí họ còn lãi 1,6 - 1,8 triệu đồng.

Ba anh em ruột: Đặng Văn Bê, Đặng Văn Toàn, Đặng Văn Hoàng ở tổ 10a, phường Mân Thái là những người đón năm mới trên biển sớm nhất. 14h mồng 1 Tết, 3 anh em điều khiển 3 ghe rẽ sóng ra khơi (mỗi ghe 3 - 4 người). Tiếp theo họ là hàng chục ghe hành nghề xúc ruốc cũng đồng loạt chào người thân nhằm hướng Đông thẳng tiến, mang theo hương vị ngày đầu xuân. Sáng hôm sau, khi trời chưa sáng hẳn, họ đã về đến bãi ngang. Người thân họ và bà con kinh doanh mặt hàng ruốc đã chờ đón tại bãi biển.

Khó có thể diễn tả hết niềm vui được mùa của những người vừa từ biển về và người thân họ trong ngày đầu năm. Ai nấy nụ cười rạng rỡ, ôm chầm lấy nhau. Đón 3 con trai và các ngư dân, ông Đặng Văn Ạm, 68 tuổi, có mặt trên bãi biển từ rất sớm. Là người gắn bó với biển hơn 50 năm, dạn dày kinh nghiệm, ông động viên mọi người mở hàng vào mồng một Tết.

Theo ông, ruốc chỉ xuất hiện ở vùng biển gần bờ nhiều nhất vào dịp Tết, nhất là khi có gió Đông Nam. Năm nay, đúng mồng một Tết, gió Đông Nam thổi mạnh. Ra khơi, chắc chắn trúng đậm. Cả 3 con trai nghe lời ông, tạm gác ngày đầu xuân vui vẻ, hăm hở ra khơi.

Nhiều ngư dân trong khu vực cũng hưởng ứng. Chiều mồng một Tết, hàng chục ghe của ngư dân Mân Thái đồng loạt đi nhận quà của biển. Sáng mồng 2 Tết trở về, ghe nào ghe nấy đầy ắp những thúng ruốc còn tươi rói. Chị Huỳnh Thị Nhượng, vợ anh Huỳnh Văn Bê không giấu nổi niềm vui khi chồng chị có chuyến biển đầu năm thắng lợi.

Những thúng ruốc vừa chuyển lên bãi biển, khách hàng mua ngay. Chị cho hay: Mấy năm trước ít khi ra khơi vào mồng một Tết. Năm nay biển ưu ái, thời tiết thuận lợi, mọi người quên luôn Tết. Thu nhập cao, trở về buổi sáng, buổi chiều đã ra biển, đánh bắt chuyến khác. Chị tính, đến sáng mồng 5, mỗi ghe của ngư dân Mân Thái đã có 3 chuyến biển, chiếc nhiều đưa về gần 2 tấn, chiếc ít cũng hơn tấn rưỡi ruốc.

Sáng mồng 3 Tết, cảng cá Thuận Phước đã tấp nập ghe vào trả hàng và người đón ruốc. Ít nhất hơn 20 chiếc công suất nhỏ của phường Thuận Phước ra khơi vào ngày đầu năm.

Ông Đỗ Văn Giỏi, ở tổ 43 Thuận Phước, chủ ghe số ĐNa 7001 rất phấn khởi khi chuyến biển đầu năm trúng dậm. Ông cho hay: Ngày đầu xuân ai chẳng muốn ở nhà đón Tết. Song thời cơ đến, phải tranh thủ từng giờ. Vài ba tuần nữa, bám biển cả ngày, không còn ruốc mà đánh bắt. Vợ chồng anh Nguyễn Chê, ngụ tổ 37 Thuận Phước, cũng có chuyến biển đầu năm thuận lợi. 

Có lẽ ít năm nào nghề te ruốc của ngư dân Đà Nẵng trúng đậm như năm nay. Loại hải sản là nguyên liệu cho chế biến mắm tôm, tiêu thụ rất thuận lợi. Tính ra, tuần đầu tiên của năm Mậu Tý, ngư dân Đà Nẵng đã đưa từ biển về hàng trăm tấn ruốc tươi. Cũng từ hoạt động rất hiệu quả này, chúng tôi mới hiểu đúng căn nguyên của thực trạng ngư dân một số vùng ở Đà Nẵng quyết tâm gắn bó với những chiếc ghe công suất nhỏ đánh bắt gần bờ.

Hoá ra, những chiếc ghe, với nghề te ruốc rất dân dã, thu nhập không hề thua kém so những tàu đánh bắt xa bờ. Hơn thế nữa, sản phẩm của họ rất cần thiết cho lĩnh vực chế biến hải sản tiêu thụ nội địa.

Chia vui cùng họ, chúng tôi thầm chúc cho hoạt động đánh bắt hải sản biển của ngư dân Đà Nẵng nói riêng, cả nước nói chung, một năm thắng lợi trọn vẹn

Nguyễn Cầu
.
.
.