Đà Nẵng: Lá phổi xanh đang bị teo dần

Thứ Năm, 16/03/2006, 06:45

Thực trạng cây xanh ở thành phố bên bờ sông Hàn chưa "xứng tầm" với tiêu chuẩn cây xanh đô thị loại I. Đã vậy, việc trồng và bảo vệ cây xanh để tạo bóng mát, làm đẹp cảnh quan đường phố vẫn chưa được chú trọng đúng mức... 

Đến bây giờ, mỗi khi đi trên con đường Quang Trung nắng đổ, người Đà Nẵng lại quặn thắt nỗi nhớ về hàng cây xà cừ cổ thụ đã bị bật gốc trong cơn bão số 8 hồi cuối năm ngoái. Rồi giả dụ, trước cơn bão, hằng năm Đà Nẵng có chủ trương cắt tỉa nhánh cho cây xanh đường phố như ở TP Hồ Chí Minh vẫn thường làm thì có lẽ vẫn giữ được những gốc cổ thụ hàng trăm năm tuổi cho đô thị...

Nhưng đâu chỉ là sự tàn phá của bão. Kể từ khi Đà Nẵng tách tỉnh trực thuộc Trung ương và được công nhận là đô thị loại I, nhiều tuyến đường của thành phố được chỉnh trang nâng cấp, mở rộng. Theo đó, hàng loạt cây xanh đường phố cũng bị đốn hạ. Thống kê sơ bộ của Sở GTCC TP Đà Nẵng: Từ năm 1998 đến cuối năm 2005, Đà Nẵng đã chặt hạ 4.552 cây xanh trên các tuyến đường trung tâm thành phố, trong đó có khoảng 2.000 cây cổ thụ. Việc này, các cơ quan chức năng cũng đã ngồi lại rút ra kinh nghiệm rằng, lẽ ra khi mở đường, chỉnh trang đô thị thì các đơn vị tư vấn phải đề xuất các giải pháp tận dụng hoặc chuyển dịch cây xanh có trên đường để giữ nguyên tỉ lệ mật độ che phủ của cây xanh. Nhưng rút kinh nghiệm thì mọi sự đã rồi. Hàng nghìn cây xanh bị chặt phá không thương tiếc để cưa ván, làm củi đun bếp. Lá phổi xanh của thành phố cứ dần teo lại. Trong khi đó, tốc độ đô thị hóa của Đà Nẵng rất nhanh, với hàng loạt khu dân cư mới được hình thành. Phố mới xênh xang phơi trần dưới nắng và chìm trong bụi bặm...

Ông Nguyễn Xuân Ba - Phó Giám đốc Sở GTCC TP Đà Nẵng, cho biết: Cách đây ba năm, chính quyền thành phố đã phê duyệt "Đề án quy hoạch và phát triển đường phố Đà Nẵng đến năm 2010", ngoài việc trồng cây kết hợp với một số dự án đầu tư, cải tạo nâng cấp thì hàng năm Công ty Cây xanh Đà Nẵng được thành phố cấp nguồn kinh phí 1,5 tỷ đồng để trồng mới, trồng dặm cây xanh đường phố. Tuy nhiên, số kinh phí này vẫn không thấm vào đâu so với sự hình thành nhanh chóng các khu dân cư và tỷ lệ gia tăng dân số đô thị hằng năm. Từ đó, nhiều khu dân cư, công viên được quy hoạch đầu tư san nền trong nhiều năm qua, song hạng mục cây xanh vẫn chưa được triển khai.

Tháng 12/2005, sau một thời gian điều tra, khảo sát, Sở GTCC TP Đà Nẵng đã lập "Đề án phát triển cây xanh đô thị Đà Nẵng", trong đó đưa ra các giải pháp tăng tỷ lệ cây xanh đô thị, như: Thành lập cơ quan nghiên cứu cây xanh đô thị để tham mưu UBND thành phố về lĩnh vực giống và các loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu; triển khai mạnh mẽ các phong trào trồng cây trong các cơ quan, trường học; đưa nội dung giáo dục, bảo vệ, chăm sóc cây xanh vào chương trình giáo dục ngoại khóa trong các trường học phổ thông...

Áp dụng những biện pháp đó thì đến năm 2010, cây xanh đô thị Đà Nẵng sẽ đạt tỷ lệ 4-5m2/người và những năm tiếp theo đạt 9-10m2/người. Tuy nhiên, dự án vẫn còn nằm trên giấy. Mọi việc vẫn chưa khởi động vì còn phải chờ UBND thành phố xem xét, phê duyệt...

Long Vân
.
.
.