Không thi hành được án doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội:

DN không thi hành án "nợ BHXH": Người lao động luôn chịu thiệt thòi

Thứ Tư, 25/09/2013, 12:11
Có những bản án tòa đã tuyên nhưng không thi hành được. Thậm chí có trường hợp sau khi xét xử, có quyết định của tòa án, khi cơ quan thi hành án đến DN đã mất tích… Thực tế này đang diễn ra trong các vụ kiện ra tòa các doanh nghiệp (DN) nợ đọng Bảo hiểm xã hội (BHXH) với số tiền lớn. 
>> Đề nghị xử phạt 10 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội kéo dài

Cho dù để khởi kiện được một DN đã mất rất nhiều khâu thủ tục hành chính kéo dài, trải qua 3 lần hòa giải không thành, Tòa mới thụ lý đưa ra xét xử nhưng án đã tuyên mà các DN thua kiện không có khả năng tài chính đảm bảo hoặc DN đã phá sản, chủ DN bỏ trốn… thì cuối cùng thiệt hại lớn nhất vẫn là người lao động. Cơ quan BHXH đã không bảo vệ được quyền lợi của người tham gia BHXH theo quy định tại Luật BHXH khi người lao động bị thất nghiệp và giải quyết chế độ khác.

Tại hai thành phố tập trung số lượng DN lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, số nợ đọng BHXH cứ năm sau tăng cao hơn năm trước. Riêng TP Hồ Chí Minh, nơi tập trung nhiều KCN, số lượng DN phát triển nhanh thì tình trạng vi phạm pháp luật BHXH càng diễn biến phức tạp.

Theo ông Nguyễn Đăng Tiến, Phó Giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh, số nợ đọng BHXH của thành phố luôn chiếm trên 20% số nợ đọng BHXH của cả nước. Số DN hiện tham gia BHXH trên địa bàn khoảng 40 ngàn với gần 1,7 triệu đối tượng, trong khi đó, theo thống kê của Cục Thuế TP Hồ Chí Minh với số DN có đăng ký được cấp mã số thuế là trên 80 ngàn DN, gấp đôi con số tham gia BHXH. Nghịch lý nữa là khi dù đã bị thanh tra xử phạt vi phạm, thậm chí có DN bị xử phạt nhiều lần (mức phạt nhẹ từ 20-30 triệu cho số nợ vài trăm triệu đến vài tỷ), DN còn không chấp hành quyết định xử phạt của cơ quan có thẩm quyền thì cũng chưa có biện pháp cưỡng chế nào bởi thanh tra lao động không có điều kiện để thực hiện. Chính vì thế mà TP Hồ Chí Minh từng được coi là điểm sáng trong việc mở màn chủ động lập hồ sơ đồng loạt khởi kiện 8 DN chiếm đoạt tiền BHXH ra tòa án, trong số này có 6 DN 100% vốn đầu tư nước ngoài, quốc tịch Hàn Quốc từ năm 2008. Tiếng vang của trận này là ngay sau đó đã có 4 DN khắc phục hết số nợ, tuy 4 DN còn lại thì không đạt được kết quả như mong đợi.

Người lao động luôn bị thiệt hại khi năng lực quản lý việc chấp hành quy định của pháp luật về BHXH bị vi phạm.

Tại Hà Nội cũng không sáng sủa hơn khi mới đây BHXH Hà Nội đưa ra báo cáo số nợ năm sau cao hơn năm trước cả về số đơn vị, số lao động và số tiền. Đặc biệt các đơn vị nợ với số tiền lớn, dài cũng ngày càng tăng. Trong 6 tháng đầu năm 2013, số nợ là 1.878 tỷ đồng, chiếm 10,58%. Từ năm 2010 đến hết tháng 6/2013, BHXH thành phố đã hoàn thiện hồ sơ và tiến hành khởi kiện ra tòa án đối với 152 đơn vị, tổng số nợ tại thời điểm khởi kiện là trên 187 tỷ đồng. Tòa án đã tiến hành các thủ tục xét xử (bao gồm cả hòa giải) 53 đơn vị, tổng số tiền thu hồi được mới có 43,176 tỷ đồng, đạt 23,08%. 

Bà Huỳnh Thị Mai Phương, PGĐ BHXH Hà Nội trăn trở, đối với án BHXH, còn quá nhiều vướng mắc trong thi hành án, nhất là sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, theo quy định của Luật Thi hành án, nguyên đơn là BHXH phải chứng minh tài sản của bị đơn. Nhưng thực tế cơ quan BHXH không nắm được hoặc không có căn cứ để xác định (chỉ nắm được số hiệu tài khoản đang giao dịch và địa chỉ trụ sở theo đăng ký, nhưng thực tế DN có thể có rất nhiều tài khoản, địa chỉ trụ sở chỉ đi thuê…), bản thân DN không có điều kiện thi hành án thì cơ quan thi hành án trả lại đơn cho BHXH (!?). Việc khởi kiện rõ ràng là không đạt yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Bi hài hơn là có trường hợp sau khi xét xử có quyết định của Tòa án, khi cơ quan thi hành án đến đơn vị đã mất tích.

Khi đã dùng đến biện pháp mạnh cuối cùng là đưa DN nợ đọng BHXH ra tòa mà việc thu hồi nợ còn không khả thi chưa nói gì đến các biện pháp xử phạt hành chính. Tại hội thảo về chính sách BHXH và khuyến nghị sửa đổi Luật BHXH của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đầu tháng 9 vừa qua, ông Nguyễn Đăng Tiến, Phó Giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh đã đưa ra dẫn chứng sống động về 2 trường hợp nợ điển hình là Công ty Mai Linh hiện đang có số nợ BHXH, BHTN, BHYT là 60 tỷ đồng. Nếu tính lãi suất ngân hàng 8%/năm thì số lãi đã là 4,8 tỷ đồng. Công ty S Fone hiện đang có số nợ 12 tỷ đồng, lãi suất ngân hàng đã là 960 triệu đồng. Tới đây, tuy mức xử phạt đã được sửa đổi theo NĐ 95/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ 10/10/2013, theo hướng phạt tiền theo tỷ lệ từ 18 - 20% trên tổng số tiền phải đóng BHXH nhưng mức cao nhất chỉ là 75 triệu đồng, mức phạt trên chưa đủ sức răn đe đối với các vi phạm của DN.

Thiếu một công cụ quản lý và giám sát hoạt động ngay từ khâu đăng ký, cấp phép thành lập đến quá trình hoạt động, kinh doanh của DN một cách hệ thống đã làm cho việc quản lý DN lỏng lẻo, rối như canh hẹ. Thế mới có chuyện mới đây theo thống kê của các Sở KH&ĐT, ban quản lý các KCN, KCX, KCN cao, khu kinh tế có tới 518 DN FDI “vắng chủ”. Tổng số vốn đầu tư đăng ký tại các DN, dự án này là khoảng 903.110.000USD. Trong đó, hai địa phương “đầu tàu” là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh dẫn đầu số DN FDI bỏ trốn với lần lượt là 105 và 166 DN. Mặc dù các DN, dự án “vắng chủ” chỉ ở mức quy mô nhỏ (dưới 500.000USD) nhưng để hậu quả khó giải quyết và kéo dài nhiều năm. Hầu hết các DN trên đều nợ BHXH hoặc không trả lại sổ bảo hiểm cho người lao động, ảnh hưởng đến quyền hưởng chế độ bảo hiểm của họ.

Có nhiều kiến nghị được đưa ra để thay đổi thực trạng này, giảm bớt thiệt hại cho người lao động không may ở trong các DN vi phạm BHXH, trong đó BHXH Hà Nội còn mạnh dạn đề xuất cho phép khoanh nợ đối với một số đơn vị (cho phép trích nộp số phát sinh cộng một phần nợ) để giải quyết quyền lợi cho người lao động… nhưng xem ra vẫn là giải pháp mơ hồ khi mà DN đã mất cân đối tài chính, có sử dụng số lượng lớn lao động… Mấu chốt của vấn đề lại nằm ở khâu quản lý, giám sát cập nhật cơ sở dữ liệu về tình trạng hoạt động của DN, cùng với đó là tăng cường năng lực cho bộ máy thanh tra lao động thì vẫn chưa có giải pháp căn bản

Thu Uyên
.
.
.