ĐBSCL: Nhiều khó khăn về xây dựng trường lớp

Thứ Tư, 11/08/2010, 15:50
Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là khu vực có tỉ lệ phát triển giáo dục thấp nhất cả nước. Một trong những nguyên nhân là do điều kiện tự nhiên của vùng còn gặp nhiều khó khăn trở ngại, dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học ở các cấp trong thời gian qua còn cao. Ngoài ra, cơ sở trường lớp, nhà công vụ (NCV) giáo viên còn thiếu thốn, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng giáo dục của vùng.

Trước tình hình trên, Trung ương đã có chủ trương thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên (KCHT,LH&NCVGV), giai đoạn 2008-2012. Qua hai năm triển khai, nhiều tỉnh còn gặp khó khăn trong quá trình thực hiện xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, NCV chuẩn cho năm học mới 2010-2011.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp, trong năm 2008 và 2009, toàn tỉnh chỉ triển khai xây dựng 619/712 phòng học. Trong đó đã hoàn thành đưa vào sử dụng 250 phòng, còn lại 369 phòng đang thi công. Riêng năm 2010, kế hoạch đầu tư xây dựng mới là 541 phòng học với tổng số vốn bố trí là 54,852 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có công trình nào được khởi công, tất cả còn trong giai đoạn đấu thầu hoặc lập hồ sơ và trình phê duyệt.

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp, những khó khăn, vướng mắc và tồn tại trong việc thực hiện Đề án KCHT,LH&NCVGV giai đoạn 2008-2012 là do thời gian báo cáo về Trung ương quá gấp rút, đồng thời ngành Giáo dục tỉnh chưa có quy hoạch chi tiết mạng lưới trường, lớp học nên việc lập danh mục thực hiện cả giai đoạn chưa phù hợp, dẫn đến phải rà soát lại và điều chỉnh kế hoạch thực hiện. Vì vậy, việc triển khai thực hiện Đề án trong 2 năm qua có chậm so với kế hoạch, đến nay còn 87 phòng học thuộc kế hoạch năm 2009 vẫn chưa được khởi công xây dựng.

Các cơ quan, ban, ngành ở Đồng Tháp khẩn trương thực hiện Đề án KCHT, LH&NCVGV để đạt tiến độ và đưa vào sử dụng trong năm học 2010-2011.

Một trong những khó khăn khác trong việc thực hiện đề án ở Đồng Tháp mà theo Sở GD&ĐT tỉnh này cho biết là Trung ương không thông báo tổng số vốn hỗ trợ cho cả giai đoạn sớm nên tỉnh gặp khó khăn trong việc chủ động cân đối nguồn vốn đối ứng thực hiện.

Cụ thể, khi nhận được thông báo vốn thì mức đầu tư của Trung ương ấn định cho chương trình là 169,4 triệu đồng/phòng (với tỷ lệ hỗ trợ 60%) là quá thấp so với suất đầu tư thực tế xây dựng ở tỉnh Đồng Tháp đã triển khai là 371 triệu đồng/phòng. Chính vì vậy mà tỉnh Đồng Tháp không có khả năng vốn để thực hiện hoàn thành 1.612 phòng theo kế hoạch đã phê duyệt. Mặt khác, một số địa phương chưa quán triệt hết tinh thần các văn bản hướng dẫn của cấp trên nên trong công tác tổ chức thực hiện đề án còn lúng túng, chưa chủ động và linh hoạt trong xử lý kinh phí giải phóng mặt bằng, đầu tư các hạng mục đối ứng cho nhu cầu bức thiết; các phòng, ban chuyên môn ở huyện, thị phối hợp chưa chặt chẽ,... làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.

Theo ông Ngô Trìu Mến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau, hiện toàn tỉnh có khoảng 37% số phòng học kiên cố, còn lại là bán kiên cố, không có phòng học tạm bợ. Nếu chương trình kiên cố hóa trường lớp giai đoạn 2 hoàn thành, nhu cầu về trường lớp cơ bản ổn định, sẽ phục vụ tốt cho việc phát triển giáo dục của tỉnh nhà. Sở có kế hoạch thay thế dần các phòng học bán kiên cố đã xuống cấp, nhằm từng bước thực hiện kiên cố hóa toàn bộ trường lớp của tỉnh. Thế nhưng, đó cũng chỉ là bài toán được tính, còn thực tại thì...

Tổng số vốn cho đề án KCHT,LH&NCV của Cà Mau là 939,436 tỷ đồng, trong đó, Chính phủ hỗ trợ 60% kinh phí, còn lại là nguồn vốn đối ứng của địa phương. Tuy nhiên, đến cuối tháng 4/2010, nguồn vốn Chính phủ cấp mới chỉ đạt 154,7 tỷ đồng, vốn đối ứng của địa phương là 20 tỷ đồng. Không những vậy, trong 3 năm thực hiện đề án (2008-2010), tỉnh Cà Mau phải tìm thêm 285 tỷ đồng để thanh toán dứt điểm số tiền nợ cho nhà thầu và triển khai xây dựng số phòng học trong năm 2010.

Chuẩn bị bước vào năm học mới, nhiều địa phương như Trà Vinh, Vĩnh Long, Kiên Giang, Bạc Liêu... tích cực trong việc triển khai xây dựng cơ sở vật chất trường lớp nhưng đều gặp nhiều khó khăn.

Ông Trần Quốc Vinh Trưởng phòng Kế hoạch-Tài vụ xây dựng cơ bản - Sở GD&ĐT tỉnh Trà Vinh, dẫn chứng: "Giá trị mỗi phòng học do Trung ương phân định chỉ có 160 triệu đồng, trong đó bao gồm 80% nguồn vốn của Trung ương và 20% nguồn vốn đối ứng của địa phương. Nhưng giá thực tế xây dựng đã lên đến khoảng 300 triệu đồng/phòng học, ngành Giáo dục bù chênh lệch 140 triệu đồng. Vì vậy, rất nhiều địa phương đang gặp trở ngại lớn về vốn, khó thực hiện đúng kế hoạch đề ra"

Nam Giao - Nhóm CTV
.
.
.