ĐBSCL: Mối nguy tiềm ẩn khi người tâm thần sống trong cộng đồng

Thứ Ba, 02/09/2014, 13:54
Liên tiếp thời gian gần đây, tại các tỉnh, thành: Kiên Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ… xảy ra nhiều thảm án, nguyên nhân xuất phát từ việc người có dấu hiệu tâm thần sống trong cộng đồng dân cư. Người bị tâm thần hoặc có dấu hiệu tâm thần không được điều trị đúng phương pháp, dẫn đến ức chế, hoang tưởng và gây ra nhiều vụ án đau lòng. Vì nhiều lý do khác nhau, họ vẫn sống trong cộng đồng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây nguy hiểm cho xã hội.

“Thả rong” người bệnh?

Huỳnh Thanh Phong (35 tuổi, ngụ xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) có tiền sử về bệnh tâm thần và sống chung với mẹ già ở ấp Tân Chủ. Khi bình thường, Phong rất hiền lành và cũng chịu khó đi làm thuê kiếm tiền, phụ giúp gia đình. Những lúc lên “cơn điên”, Phong như một con người khác, thậm chí không nhận ra bản thân mình và rất hung dữ, doạ đánh, giết những người trong gia đình.

Khoảng 10h ngày 21/8, Phong nổi cơn điên cầm dao xông qua nhà hàng xóm chém chết bà Trần Thị Lến (69 tuổi) cùng đứa cháu ngoại lên 3 tuổi. Sự việc chưa dừng lại, Phong còn cầm dao chém bị thương người chú của mình khi vào can ngăn. Khi xảy ra sự việc, Công an xã Tân Thuận Tây, Công an TP Cao Lãnh đã xuống hiện trường, tước hung khí và khống chế đối tượng.

Qua xác minh, lực lượng Công an đã đưa Phong vào bệnh viện tâm thần chữa bệnh và lập hồ sơ xử lý sự việc theo quy định pháp luật. Bà Dương Thị Hai (78 tuổi, mẹ ruột Phong) cho biết, khoảng hơn 10 năm trước, Phong theo bạn bè lên vùng núi làm gỗ rồi bị đánh vào đầu nên tâm tính thay đổi, mang bệnh. “Mọi chuyện cũng xuất phát từ hoàn cảnh quá nghèo khổ nên gia đình không có tiền cho con chữa bệnh”, bà Hai nghẹn ngào.

Không làm chủ hành vi, nhiều đối tượng có dấu hiệu tâm thần gây ra thảm án.

Tương tự, trường hợp của Trần Văn Phước Lộc (22 tuổi, ngụ ấp 1, xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), gây ra thảm án cho gia đình nhà hàng xóm, khi sát hại cháu bé 7 tuổi và làm bị thương chị ruột của nạn nhân. Theo gia đình, năm học lớp 11, Lộc thường có những dấu hiệu lạ lùng, thường ra giữa sân vào lúc trời đang nắng oi bức la hét inh ỏi.

Gia đình đưa Lộc đến bệnh viện tâm thần ở Tiền Giang kiểm tra. Bác sĩ chẩn đoán Lộc có triệu chứng thần kinh nhẹ nên không cho nhập viện mà chỉ đưa thuốc về nhà uống. Với số thuốc đó, Lộc không bao giờ đụng tới, còn gia đình cũng không ai ép được Lộc uống thuốc.

Chiều 6/6, cháu Đinh Công Chính (7 tuổi, ngụ tại ấp 1, xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) sang nhà Lộc chơi với cháu Nguyễn Quốc Anh (5 tuổi, cháu ruột của Lộc). Trong quá trình chơi đùa, Chính có la lớn tiếng. Khi đó, Lộc kêu Chính về nhưng Chính không về. Lúc này, Lộc vào nhà lấy con dao Thái Lan nắm cổ áo cháu bé quật ngã té xuống gạch và dùng dao đâm nhiều nhát vào ngực. Thấy vậy, cháu Đinh Thị Kim Ngân (15 tuổi, chị ruột của Chính) chạy qua can ngăn thì bị Lộc tiếp tục vào nhà lấy con dao Thái Lan khác đâm vào ngực của Ngân. Khi đó, sự việc được người dân phát hiện, đưa nạn nhân đi cấp cứu, nhưng do vết thương quá nặng cháu Chính đã tử vong, cháu Ngân may mắn thoát chết...

Gây bi kịch trong gia đình

Người bị bệnh tâm thần không làm chủ được hành vi của mình nên đã gây ra nhiều vụ án đau lòng, nhất là giết chết những người thân trong gia đình. Bùi Quyết Thắng (20 tuổi, ngụ phường Vĩnh Quang, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) từng có thời gian đi làm thuê trong rừng nhưng bị cây gỗ đè lên người bị thương. Từ đó, Thắng sống khép kín với hàng xóm và không tiếp xúc với ai ngoại trừ những người thân, đôi khi hay nói lảm nhảm một mình. Khi được đưa đến bệnh viện, bác sĩ cho hay Thắng có dấu hiệu tâm thần.

Không lường trước được hậu quả, người thân đã để Thắng sống cùng nhà. Trong lúc chị và cha ruột đi làm, Thắng ở nhà trông cháu Bùi Nguyễn Hoài Thương mới lên 6 tuổi. Cháu Thương khóc vì nhớ mẹ, Thắng tức quá do dỗ hoài mà cháu không nín nên ra sau bếp lấy cục than nhét vào miệng Thương làm đứa cháu vô tội nghẹt thở dẫn đến tử vong.

Theo các chuyên gia về tâm lý, trong nhà có người thân bị bệnh tâm thần, mọi thành viên khác đều phải chịu sức ép về tâm lý. Nếu không nhập viện chữa trị bắt buộc, người tâm thần điều trị tại gia dùng thuốc hàng ngày thì gia đình cần phải dành nhiều tình cảm, quan tâm chăm sóc, giúp họ có cảm giác an toàn để hoà nhập với cộng đồng

Văn Vĩnh
.
.
.