ĐBSCL: Dùng "kỹ thuật cao" tận diệt chim trời

Thứ Hai, 14/02/2011, 10:30
Sau những ngày Tết, người dân ở các tỉnh ĐBSCL lại đổ xô đi săn bắt, đặt bẫy chim trời... Hàng ngày có không biết bao nhiêu là chim, cò... bị bắt, đưa vào các quán nhậu và bày bán công khai tại các chợ trời. Nhiều khu vườn bảo tồn động vật hoang dã có nguy cơ bị đe dọa trong khi các cơ quan chức năng còn lúng túng trong quản lý và xử lý.

Những năm gần đây, tình trạng săn bắt chim trời xảy ra phổ biến ở nhiều nơi, với nhiều dụng cụ săn bắt hiện đại. Nhiều người, nhiều gia đình đặt biệt là ở các vùng quê, vùng sâu vùng xa xem việc săn bắt chim, cò... là cái nghề để mưu sinh. Cái thời "vàng son" của chim trời giờ chỉ còn lại trong ký ức của những người nông dân miệt vườn.

Những kỹ thuật bắt chim theo kiểu "truyền thống" giờ cũng chẳng còn ai sử dụng. Giờ đây, có hàng trăm cách bắt chim trời theo kiểu hiện đại, thậm chí có cả "dàn âm thanh, ánh sáng..." để tận diệt chim trời. Tuy nhiên, phổ biến nhất là sử dụng công nghệ "nhái" tiếng kêu của loài chim trời muốn bắt để dụ những con chim hoang dã bay về.

Ông Ph.V.K., và nhiều gia đình nghèo khác ở xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, An Giang chuyên sống bằng nghề gác cúm núm đồng (hay gọi là gà nước), cho biết: Chỉ với cái máy thâu băng, cái loa phóng thanh (bông bí) và tay lưới là họ có thể hành nghề.

Trời xế chiều là ông K. và những người khác bắt đầu dong xuồng theo kênh cầu Lò Gạch vào tận đồng sâu để chuẩn bị gác cúm núm. Đến khi trời tối sẫm thì mọi người bắt đầu giăng lưới. Xong đâu đó, ông K giở vạt xuồng lôi ra cái bông bí và chiếc máy thâu băng ra để... hành nghề. Chiếc loa phóng thanh được dựng đứng, ngửa mặt lên trời phát tiếng kêu "cum… núm… cúm … núm…" vang vọng.

Theo lời ông K., cuốn băng giả tiếng chim cúm núm này ông phải nhờ người mua ở tận Sài Gòn, giá từ 200.000 - 300.000 đồng/cuộn. "Cái hay là âm thanh rất trung thực, tiếng kêu đúng của loài cúm núm hoang dã, mà có cả tiếng trống, tiếng mái nữa, vậy mới ăn tiền chứ" - ông K nói. Khi nghe những âm thanh giả, dụ, nhiều chim cúm núm bay tới theo bản năng bầy đàn và bị mắc vào lưới đã giăng sẵn.

Cách đó không xa là những luồng lưới của bạn nghề ông K., đêm nay cũng trúng đậm. "Hiện nay bạn hàng mua cúm núm đồng từ 70.000 - 80.000 đồng/kg (khoảng 2 - 3 con/kg). Họ đặt hàng tụi tui nhiều lắm, bắt được bao nhiêu họ cũng mua, hỏng "ế" một con nào. Trung bình mỗi đêm tui bắt được 15 - 20kg, tức khoảng 30 - 40 con, kiếm được bạc triệu chứ chẳng chơi" - ông K thổ lộ.

Giăng lưới bắt cúm núm, chim cuốc ở bìa rừng. Sau khi bắt, chim trời được bày bán công khai ở các chợ, quán nhậu.

Hiện nay, có nhiều điểm tập kết cúm núm đồng do người dân đi bắt về tập trung lại chờ bạn hàng đến lấy như: chợ đầu cầu Lò Gạch (xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn), cặp bờ kênh Vĩnh Tế qua xã An Nông, huyện Tịnh Biên, khu vực gần cầu Cồn Tiên (thị xã Châu Đốc) và tại các chợ biên giới huyện An Phú, An Giang.

Mỗi buổi sáng, khu vực cặp bờ kênh Vĩnh Tế, xã An Nông có hàng chục lái mua chim, cò… chờ người đi gác trong đồng sâu mang về. Từ đây các đầu mối thu gom sẽ tuồn tất cả vào quán nhậu hoặc đem bán lại tại các chợ trời với giá cao ngất ngưởng.

Xuôi theo QL91 từ Châu Đốc về Long Xuyên, đến tận TP Cần Thơ, chúng tôi dễ dàng bắt gặp cảnh nhiều người bày bán các loại chim trời. Tại khu công nghiệp Bình Hòa, xã Bình Hòa, huyện Châu Thành (An Giang) xuất hiện nhiều điểm bán đủ loại chim, cò, cu, cúm núm hoang dã được rọng trong những chiếc lồng sắt bày cặp lề đường. Giá bán cũng được "hét" gấp đôi từ 150.000 - 200.000 đồng/kg cúm núm đồng.

Bà Lê Thị Nhanh, một lái chuyên thu mua cúm núm giao cho các quán nhậu bảo chim cò bây giờ đắt như tôm tươi, chỉ có đại gia, người giàu có mới ăn mấy món này. Bà Nhanh khẳng định, nhiều quán nhậu ở Cần Thơ đặt hàng bà mỗi ngày vài chục đến cả trăm ký cúm núm, chim, cò, diệc… với giá mua cao hơn tại Long Xuyên từ 15.000 - 20.000 đồng/kg nhưng bà không dám nhận vì chẳng có đủ để giao.

Tại Hậu Giang, nhiều năm trước, chợ Phụng Hiệp (nay là Ngã Bảy) là nơi nổi tiếng về buôn bán động vật hoang dã quí hiếm thì giờ đây, tại ngã ba Cái Tắc (Hậu Giang), lại xuất hiện chợ trời, buôn bán động vật, chim trời quanh năm suốt tháng. Theo nhiều người dân cho biết, hầu hết những loại chim, cò... mà các đối tượng bán ở ngã ba Cái Tắc hoặc Phụng Hiệp là mua lại của những người dân chuyên săn bắt quanh khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng.

Không chỉ có ở Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau... chim trời cũng có mặt tại một số chợ như là mặt hàng nông sản. Thậm chí, tại Cà Mau từ lâu xuất hiện một "dãy phố" chuyên bán mồi nhậu là chim trời, nằm cặp khu vực bến tàu cao tốc (Tân Thành, TP Cà Mau). Điểm này nổi tiếng đến mức hầu hết người dân Cà Mau đều biết.    

Ông Lê Thành Công, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, cho biết trước đây lực lượng này từng phối hợp với Công an các xã bắt quả tang nhiều người đang giăng lưới bắt chim, cò. Lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản vi phạm, tịch thu toàn bộ đồ nghề và buộc làm cam kết không tái phạm.

Song, theo lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang, hiện rất khó xử lý đến nơi đến chốn hành vi này vì "vướng" qui định. Còn một lãnh đạo Vườn Quốc gia Tràm chim Tam Nông (Đồng Tháp) nói rằng mặc dù chim cò, cúm núm… là động vật hoang dã nhưng không thuộc nhóm phải bảo vệ nghiêm ngặt (có tên trong sách đỏ). "Cái khó là chim cò bay ra khỏi rừng, khỏi khu bảo tồn mới bị họ bắt chứ chẳng phải trong rừng. Bên ngoài phạm vi thì chúng tôi không có chức năng xử lý".

Nam Giao
.
.
.